Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử: Nỗi day dứt 30 năm…
(Cosmolife.vn) Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử là cuốn sách đặc biệt này, coi đây là nén tâm hương tri ân đối với sáu mươi bốn chiến sĩ Hải quân, những người con trung - hiếu hy sinh vì biển đảo tổ quốc vào ngày 14/3/1988 trên bãi đá san hô Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sau suốt bốn năm ròng rã, với sự tham gia biên soạn của 68 người, gồm các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu sử học, các nhà báo, các cựu chiến binh Gạc Ma, cuốn sách đã được chỉnh sửa hàng trăm lần, với 48 lần biên tập, cập nhật, qua 14 nhà xuất bản, cuối cùng Gạc Ma -Vòng Tròn Bất Tử cũng vừa được cấp phép phát hành, kịp ra mắt bạn đọc nhân tháng tri ân Anh hùng - Liệt sĩ (27/7). Đây cũng là cuốn sách đầu tiên trong lịch sử xuất bản Việt Nam khi một Hội đồng thẩm định cấp nhà nước phải được thành lập để thẩm định tác phẩm này. Và đây cũng là cuốn sách được báo chí trong và ngoài nước, cũng như mạng xã hội, đề cập và tranh luận nhiều nhất trước khi sách được cấp phép… Hàng trăm câu chuyện xúc động và nước mắt đằng sau hành trình thực hiện cuốn sách này…
Trong hành trình đó, để cho câu chuyện 64 liệt sĩ Gạc Ma lan toả rộng rãi tới bạn đọc Việt Nam, First News - Trí Việt đã lên ý tưởng, vận động tổ chức thành công cuộc đấu giá Bức tranh Gạc Ma -Vòng Tròn Bất Tử của hoạ sĩ Bùi Lệ Trang trong 49 ngày để giúp đỡ cho 64 gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh Gạc Ma và cùng Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Đại lễ Tưởng niệm Cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma, các tử sĩ Hoàng Sa tại chùa Vĩnh Nghiêm ngày 22/7/2015 với hơn 3.000 người tham dự.
Nhóm biên soạn đã tổ chức các cuộc phỏng vấn trực tiếp 22 người lính Gạc Ma còn sống và chín cựu chiến binh Gạc Ma bị Trung Quốc bắt vào ngày 14/3/1988 như Thượng úy Nguyễn Văn Chương, Trương Văn Hiền, Dương Văn Dũng, hồi ký viết tay của cựu binh Lê Hữu Thảo. Đặc biệt, trong bài Bị Mổ Sống Trong Nhà Giam Trung Quốc, nhóm biên soạn đã phỏng vấn có ghi âm trực tiếp từng cựu tù binh “Gạc Ma”…
Cuốn sách do Thiếu tướng Lê Mã Lương - một vị tướng từng vào sinh ra tử luôn trăn trở về trận thảm sát Gạc Ma - làm chủ biên với các cố vấn: Thiếu tướng - Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, ông Đào Văn Lừng - Nguyên Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương phía Nam, Nhà sử học Dương Trung Quốc cùng First News kiên trì thực hiện.
Ngày 14/3/1988, trong khi đang làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền tại đảo nổi san hô Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, những chiến sĩ Hải quân Việt Nam, không hề có vũ khí phòng vệ, đã phải hứng chịu những loạt đạn pháo 37mm, 100mm hạ nòng bắn thẳng hết sức tàn bạo và dã man của Hải quân Trung Quốc, nhằm tàn sát và ngăn cản họ bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng khẳng định, giữ gìn phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Những người chiến sĩ Hải quân Việt Nam trong nỗ lực tuyệt vọng giữa làn đạn pháo dồn dập, xối xả của quân Trung Quốc đã cùng nắm tay nhau kết thành một vòng tròn quyết tâm bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc. Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi hy sinh đã hô to: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo”. Vòng tròn bất tử đó đã trở thành một huyền thoại bi thương lay động lòng người và mãi mãi còn là một nỗi đau đớn bi tráng trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Máu các chiến sĩ đã nhuộm đỏ biển Đông. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp thành căn cứ quân sự hiện đại từ đó đến giờ. Sáu mươi bốn chiến sĩ của chúng ta đã vĩnh viễn không bao giờ trở về, hài cốt còn nằm lại dưới đáy biển sâu suốt 30 năm qua. Chín chiến sĩ bị Trung Quốc bắt và mang về Đảo Hải Nam rồi giam cầm trong nhà tù Trung Quốc, sau hơn ba năm mới được trao trả.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn, đồng thời, tôn vinh và trân trọng ghi ơn những chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, First News - Trí Việt nhiều năm liền đã tổ chức biên soạn, xuất bản cuốn sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử với hy vọng tái hiện lại khoảnh khắc bi hùng ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao sáng 14/3/1988.
Để thực hiện cuốn sách này, First News - Trí Việt đã tìm cách liên lạc và tổ chức nhiều chuyến đi về các địa phương gặp gỡ các nhân chứng lịch sử trở về từ Gạc Ma, thân nhân các gia đình liệt sĩ để thu thập tư liệu, hình ảnh và ghi chép lại những ký ức bi tráng, từ đó lắp ghép nên bức tranh Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử hoàn thiện và trung thực.
Sách do Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh Hùng Lực Lượng vũ trang Nhân Dân – Uỷ viên Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam chủ biên, và các cố vấn: Thiếu tướng - Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, ông Đào Văn Lừng - Nguyên Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương, Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc Hội,
Thiếu tướng Lê Mã Lương: Sự thật tới ngày thấy ánh sáng mặt trời
Là một vị tướng vào sinh ra tử và dày dạn trận mạc từ cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhưng chưa bao giờ có một sự kiện, một trận đánh tôi không tham gia mà phải đau đớn và trăn trở suốt nhiều năm trời như trận chiến Gạc Ma - mà phải gọi cho đúng hơn là cuộc thảm sát Gạc Ma diễn ra vào sáng ngày 14/3/1988 do Trung Quốc chủ đích lên kế hoạch thực hiện xả súng giết các chiến sĩ ta nhằm chiếm đảo Gạc Ma.
Sáu mươi bốn chiến sĩ Hải quân của chúng ta đã hành động như những anh hùng và đã anh dũng hy sinh.
Và đằng sau sáu mươi bốn chiến sĩ đã xả thân ở Gạc Ma năm 1988, không chỉ có sáu mươi bốn bà mẹ và những người vợ, người con đau xé lòng, cạn nước mắt khóc thương mà những đồng đội của các anh và hầu như tất cả người dân quan tâm đến sự kiện đau thương này vẫn còn day dứt, căm giận khôn nguôi.
Hy sinh, mất mát trong chiến tranh là điều không thể tránh khỏi và hàng triệu người Việt Nam đã từng chấp nhận đánh đổi máu xương để giành độc lập, tự do cho đất nước. Nhưng đối với sự hy sinh của sáu mươi bốn chiến sĩ trong sự kiện Gạc Ma 3/1988 là nỗi đau được nhân lên ngàn lần, bởi các anh đi làm nhiệm vụ xây dựng đảo trong tay chỉ có xà beng, cuốc xẻng và trái tim yêu nước mà phải đối đầu với các loại súng đạn của đối phương tàn bạo.
Các thế hệ người Việt Nam không bao giờ quên bài thơ đanh thép của tổ tiên như lời tuyên ngôn độc lập mà Lý Thường Kiệt đã dõng dạc tuyên bố với giặc phương Bắc:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành định phận tại sách trời Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm, Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước từ thời Hùng Vương - An Dương Vương tới thời đại Hồ Chí Minh cho thấy, khi chúng ta đoàn kết triệu người như một, Tổ quốc Việt Nam là bất khả xâm phạm với bất kỳ kẻ xâm lược nào.
Với vị trí địa lý đặc biệt, Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong an ninh quốc phòng và là tuyến phòng thủ hướng đông của Tổ quốc. Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ có ý nghĩa kiểm soát các tuyến đường biển qua lại mà còn có ý nghĩa chiến lược quân sự cực kỳ trọng yếu đối với Việt Nam.
Cuốn sách lịch sử Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử do tập thể First News - Trí Việt tâm huyết thực hiện tôn vinh sáu mươi bốn người anh hùng đã thầm lặng hy sinh mạng sống vì chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hết sức đặc biệt này.
Ông Đào Văn Lừng: Gạc Ma - Cột mốc Chủ quyền
Tôi như hóa đá khi xem đoạn băng video (do chính Trung Quốc ghi lại): Những loạt đạn pháo dồn dập, gầm rú và lồng lộn từ khoảng một chục tàu chiến các loại của Trung Quốc như những con ác thú chồm lên, cắn xé sáu mươi bốn chiến sĩ công binh Hải quân Nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo Gạc Ma!
Họ đã hạ ngang nòng pháo để bắn trực diện nhằm giết hại dã man những người lính công binh tay không vũ khí của Việt Nam, chỉ vì các anh đã hiên ngang và kiên cường ngăn cản quân Trung Quốc xâm chiếm trái phép đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa), phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam!
Sự kiện đẫm máu ngày 14/3/1988 mãi mãi đi vào lịch sử bi hùng trong cuộc đấu tranh dựng và giữ nước của dân tộc Việt, sáu mươi bốn người anh hùng - liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, nhưng nơi các anh ngã xuống đã hóa thành cột mốc chủ quyền trên đảo Gạc Ma của đất mẹ Việt Nam!
4,000 năm lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc Việt cho thấy, khi chúng ta đoàn kết triệu người như một, thì Tổ quốc Việt Nam hình chữ S sẽ trở thành hình mũi giáo xuyên thấu đối với bất kỳ kẻ xâm lược liều lĩnh nào, cho dù chúng là ai, từ đâu đến, có hùng mạnh và hung hăn đến đâu chăng nữa vì “lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều” là bản lĩnh và truyền thống vô song của dân tộc Việt Nam!
Cuốn sách Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử do First News - Trí Việt thực hiện, Nhà xuất bản Văn học ấn hành ra đời không chỉ nhằm vinh danh những người lính anh hùng, đã thầm lặng hy sinh xương máu của mình để bảo vệ “cột mốc chủ quyền” trên biển đảo, mà nó còn như một lời cổ vũ, hiệu triệu dân tộc Việt đoàn kết triệu người như một, để đất nước sẽ trở thành “hình ngọn giáo” đối với bất cứ thế lực nào có dã tâm xâm phạm chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam thân yêu!
Source: Thị Dân | Cosmolife.vn