Nếu nói ra những lời đó, nó có thể khiến chúng ta xuống tinh thần, bị hạ thấp hoặc thậm chí giới hạn năng lực của bản thân. Từ đó, chúng ta lại càng khó đạt được những thành tựu trong cuộc sống.
Vượt qua những quãng thời gian khó khăn chẳng bao giờ là dễ dàng, nhưng theo các chuyên gia ngôn ngữ và người dẫn podcast "Bạn đang nói sai" từng đoạt giải NPR, có cách để điều chỉnh suy nghĩ và thay đổi thái độ của chúng ta.
Dưới đây là 11 cụm từ "độc hại" cần được loại bỏ nếu như bạn muốn trở nên tích cực và tự tin hơn, theo các chuyên gia phân tích hành vi, nhà nghiên cứu và chuyên gia tâm lý.
"Tôi phải làm việc đó"
Thay vào đó, chúng ta nên nói: "Tôi sẽ bắt đầu làm việc đó".
Chỉ cần một thay đổi nhỏ về ngôn ngữ cũng góp phần tạo nên sự thay đổi lớn về thái độ. Điều này sẽ làm bạn coi mọi thứ giống như cơ hội, thay vì thử thách. Ngay cả khi công việc có không suôn sẻ, nó cũng sẽ cho ta những bài học và mở ra những "cánh cửa" mới.
"Tôi không thể làm được"
Thay vào đó, chúng ta nên nói: "Tôi sẽ thử làm chuyện đó".
Đừng để mình thất bại từ trước khi bắt đầu! Khi bạn nói rằng bản thân sẽ thử, bạn đã cho mình một cơ hội để thực hiện ước mơ. Đồng thời, vì chúng ta chỉ mới "thử" nên sẽ không quá đặt nặng việc phải đạt thành tích; tâm lý này giúp tạo cảm giác thoải mái và chính điều này sẽ giúp làm việc hiệu quả hơn, khả năng thành công cao hơn.
"Tôi nên làm thế này"
Thay vào đó, chúng ta nên nói: "Tôi sẽ làm chuyện đó" (hoặc: "Tôi sẽ không làm chuyện đó").
"Nên" là một từ có tính chất "điều khiển" và tạo áp lực lên chúng ta. Hãy tự chịu trách nhiệm cho chính mình. Loại bỏ từ "nên" và trở thành người quyết định bằng cách xử lý công việc theo cách của riêng bạn.
"Vì sao nó lại xảy đến với tôi?"
Thay vào đó, chúng ta nên nói: "Tôi đã học hỏi được những gì?".
Khi bạn chú ý vào những bài học mình nhận được cũng đồng nghĩa với việc bạn đã chuyển hóa những thứ khiến bản thân bực bội hoặc thất vọng thành những điều tốt đẹp hơn. Chúng ta không nên phàn nàn, mà thay vào đó, hãy cố gắng tìm ra mặt tích cực ẩn sau khó khăn, thất bại.
"Tôi ước gì mình đã không làm điều đó"
Thay vào đó, chúng ta nên nói: "Vì tôi đã làm chuyện đó, nên giờ tôi đã biết...".
Khi bạn nghĩ theo hướng này, bạn đã bắt đầu nghĩ về những điều tốt đẹp, mặc dù bạn đã lỡ làm chuyện gì đó không nên làm. Biết đâu là một kết quả tốt đẹp ngoài mong đợi. Đó có thể là một cuộc gặp gỡ với người chúng ta không ngờ đến, hoặc phát hiện ra những khía cạnh tuyệt vời về chính bản thân mình.
"Tôi đã thất bại"
Thay vào đó, chúng ta nên nói: "Những nỗ lực của tôi chưa mang lại hiệu quả".
Có thể những nỗ lực của bạn chưa đem đến kết quả như mong muốn. Có thể bạn không thuyết phục được khách hàng mới, cũng có thể bạn không được thăng chức. Nhưng nếu bạn nói bản thân đã thất bại, thì rút cục, bạn đã không công bằng với chính mình. Hãy nhớ rằng cuộc sống vẫn luôn dành cho chúng ta rất nhiều cơ hội.
"Giá như tôi đã…"
Thay vào đó, chúng ta nên nói: Không nên nói "giá như"!
Mỗi chúng ta đều có những khoảnh khắc "giá như" trong đời, chẳng hạn như: "Giá như mình đã trình bày ý tưởng trong buổi họp", hoặc "Giá như mình đã không trả lời phỏng vấn như vậy". Nhưng đó chỉ là một lối nghĩ "ngõ cụt". Nếu nói "giá như" thì bạn không học hỏi từ những sai lầm, mà chỉ là than thở và bào chữa cho chính mình.
"Điều này quá phức tạp"
Thay vào đó, chúng ta nên nói: "Bây giờ tôi vẫn chưa hiểu".
Khi bạn đối mặt với một thử thách bằng cách nói mình sẽ không bao giờ hiểu nó, bạn sẽ khiến điều đó trở thành một sự thật khó thay đổi. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đang tự cho bản thân không thể thay đổi hay phát triển; điều này hoàn toàn vô lý. Mỗi chúng ta đều đang trong quá trình hoàn thiện bản thân.
"Thật không công bằng"
Thay vào đó, chúng ta nên nói: "Tôi sẽ xử lý nó bằng mọi cách".
Dĩ nhiên cuộc sống sẽ những lúc bất công, nhưng điều đó không có nghĩa rằng bạn phải giữ lại những tiêu cực đó và cảm thấy thất vọng. Đối diện trực tiếp với sự bất công và tìm kiếm giải pháp sẽ đưa bạn đến với những nơi mà bạn muốn.
"Điều đó sẽ chẳng bao giờ thay đổi"
Thay vào đó, chúng ta nên nói: "Tôi có thể thay đổi cách tôi tiếp cận nó".
Đây là một mẹo để xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động. Hãy chịu trách nhiệm với mọi tình huống bạn gặp phải. Bạn không thể thay đổi những khó khăn? Vậy thì hãy thay đổi cách tiếp cận và góc nhìn của bạn về nó!
"Không bao giờ" (hoặc "Luôn luôn")
Thay vào đó, chúng ta nên tránh nói những gì mang tính tuyệt đối.
Nếu bạn đã từng thấy mình nói những câu như: "Tôi sẽ không bao giờ thăng tiến", hoặc "Tôi luôn bị coi thường", thì hãy bình tĩnh và đặt mọi thứ vào hoàn cảnh của nó. Cuộc sống không phải lúc nào cũng rạch ròi trắng và đen. Những người thành công luôn luôn đánh giá mọi thứ theo cách khách quan nhất.