Vừa qua, tại hội thảo khoa học "Phương pháp phòng ngừa suy giảm vận động và sa sút trí tuệ ở người cao tuổi", PGS-TS Nguyễn Trọng Lưu, Phó chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam cho biết, hội chứng sa sút trí tuệ có đặc trưng là suy giảm trí nhớ, nhưng đây không phải là sự lão hóa thông thường mà xuất phát từ nhiều loại bệnh hoặc chấn thương ảnh hưởng chủ yếu đến não.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy khoảng 7% người trên 60 tuổi bị sa sút trí tuệ. Cứ mỗi 3 giây sẽ có thêm 1 người mắc bệnh sa sút trí tuệ. Số người mắc chứng sa sút trí tuệ được dự báo sẽ lên tới 82 triệu người vào năm 2030, phần lớn đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, ước tính có hơn 500.000 người bị sa sút trí tuệ. Hội chứng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (chiếm 60 - 80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ). Hội chứng này gây ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, định hướng, năng lực học tập, ngôn ngữ, khả năng hiểu, tính toán và phán đoán nhưng ý thức không bị ảnh hưởng.
"Dù tuổi tác là yếu tố nguy cơ cao nhất đối với căn bệnh sa sút trí tuệ, nhưng với vòng quay của cuộc sống hiện đại, sa sút trí tuệ không còn là hội chứng của riêng người già mà nhiều người trẻ và đối tượng trung niên. Đó là việc lười vận động, lười giao tiếp và cuộc sống gắn bó quá nhiều với công nghệ. Dù chúng ta thường xuyên giao tiếp nhưng đó là sự tương tác tĩnh với môi trường không có thực, có thể tiếp nhận mà không diễn đạt bằng lời..." - PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu giải thích tại hội thảo.
'Sinh Con, Sinh Cha' chia sẻ kiến thức về sức khỏe, hành vi, trí tuệ của trẻ đến với hàng trăm gia đình, giáo viên mầm non tại Nghệ An Liệu pháp mới bằng âm nhạc giúp điều trị hội chứng sa sút trí tuệ
Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ còn có thể do đột quỵ ở người trẻ ngày càng tăng, tình trạng béo phì và tăng huyết áp; gia tăng mắc đái tháo đường, tăng mỡ máu; thói quen uống rượu và dùng chất kích thích; tiền sử gia đình có người mắc hội chứng sa sút trí tuệ, trầm cảm… Bên cạnh đó, sa sút trí tuệ có thể xảy ra do căng thẳng, mệt mỏi, áp lực công việc, cuộc sống.
Theo các bác sĩ, biểu hiện sa sút trí tuệ ở những người trẻ tuổi thường là mất trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng, giảm khả năng làm việc… Nếu bạn gặp phải 6 biểu hiện sau đây, hãy nhanh chóng đi khám để điều trị kịp thời.
1. Mất trí nhớ ngắn hạn
Người bệnh có thể nhớ những sự việc, con người trong quá khứ của họ, nhưng lại không nhớ được những gì họ vừa làm cách đây vài giờ, thậm chí là những câu họ vừa nói. Đây được gọi là tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn. Ở người trẻ, mất trí nhớ ở dạng này là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của chứng sa sút trí tuệ.
2. Thay đổi tâm trạng, dễ cáu giận
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thay đổi tâm trạng ở người trẻ, như áp lực công việc, ảnh hưởng tâm lý. Nhưng nếu những thay đổi này quá cực đoan và dẫn đến các hành vi hung hăng thì đây có thể là dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ.
Thông thường một người bị sa sút trí tuệ sẽ khó phân biệt sự thay đổi tâm trạng nào là bình thường và thay đổi nào liên quan đến sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, những người xung quanh có thể nhận ra điều này. Vì vậy khi thấy người thân của mình đột nhiên trở nên hay cáu giận, dễ nổi nóng hơn bình thường thì hay theo dõi và nhắc nhở để họ có thể đi khám sớm.
3. Giảm khả năng làm việc
Một dấu hiệu phổ biến khác của chứng sa sút trí tuệ ở những người trẻ tuổi là người bệnh khó hoàn thành các công việc được giao dù đó là những việc mà họ vẫn thường làm và từng làm một cách dễ dàng trước đây như chơi trò chơi, viết ra một thứ gì đó…
Những người trẻ mắc bệnh này cũng gặp khó khăn trong việc học những kiến thức mới hoặc thích nghi với các thói quen mới.
4. Lẫn lộn về các chi tiết, thời gian
Một người khi bị sa sút trí tuệ ở giai đoạn đầu có thể gặp phải tình trạng dễ nhầm lẫn trong công việc, sai các kiến thức hay chi tiết cơ bản, nhầm lẫn về thời gian. Sự nhầm lẫn có thể xảy ra do họ bối rối khi thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, không hiểu vấn đề hay thậm chí là khi ai đó cố gắng trò chuyện với họ.
5. Thờ ơ với mọi người, mọi thứ xung quanh
Bên cạnh các trường hợp sa sút trí tuệ phản ứng thái quá với con người, sự việc xung quanh thì có những người lại trở nên “không cảm xúc” một cách bất thường. Họ tỏ ra mất hứng, thờ ơ với hầu hết các hoạt động hàng ngày, không muốn làm bất cứ điều gì, thậm chí cả những điều vốn là sở thích.
Đây cũng có thể là một triệu chứng của sa sút trí tuệ giai đoạn đầu. Khi thấy dấu hiệu này, người bệnh phải được kiểm tra xem có phải họ đã mắc chứng sa sút trí tuệ hay không.
6. Mất phương hướng
Trong những trường hợp nghiêm trọng, dù mới bị sa sút trí tuệ nhưng người bệnh đã có thể gặp phải tình trạng mất ý thức về phương hướng. Thậm chí họ có thể quên nhà hoặc nơi làm việc. Nếu thấy xuất hiện dấu hiệu này, bạn nhất định không được bỏ qua mà phải thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác.
Việc chẩn đoán chứng sa sút trí tuệ đối với người trẻ khó khăn hơn người lớn tuổi do các triệu chứng sớm của bệnh thường không rõ ràng, khó phát hiện. Do đó dễ dẫn đến chẩn đoán sai, hoặc nhầm lẫn với các vấn đề khác như lo lắng, stress, hay trầm cảm…nếu bác sĩ không nắm vững chuyên môn.
Để phòng ngừa sa sút trí tuệ, giới trẻ cần phát huy lối sống lành mạnh, vui vẻ; hạn chế sử dụng chất kích thích, giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại, chơi game hay tham gia mạng xã hội. Thay vào đó, hãy tăng cường đọc sách, tập thể dục; giao lưu với mọi người để đời sống tinh thần luôn thoải mái và tràn đầy năng lượng.