Có một câu nói lan truyền trên mạng: "Nếu không thể học cách thể hiện sự tức giận, bạn sẽ không thể bảo vệ ranh giới của mình".
Khi bạn không thể bảo vệ ranh giới của mình, người khác sẽ xúc phạm bạn khi có thể. Theo định nghĩa Tâm lý học, giận dữ chỉ là một cảm xúc, không có đúng - sai. Đó là một trải nghiệm khách quan và sự tức giận thường nhắc nhở chúng ta rằng nhu cầu bản thân chưa được đáp ứng hoặc đang bị tổn thương, cần phải tự vệ.
Tuy nhiên, chúng ta nên thể hiện sự tức giận đúng cách, chứ không để sự tức giận chi phối. Chúng ta cần thể hiện sự tức giận một cách rõ ràng để trở thành một phiên bản trưởng thành và mạnh mẽ hơn của chính mình.
Nhiều người hiểu lầm rằng, những người có cảm xúc ổn định không thường xuyên bộc lộ cảm xúc ra ngoài như lo lắng, bồn chồn, sợ hãi, bất an,... Thực chất đây là hai khái niệm khác nhau.
Những người ổn định cảm xúc thường giỏi thể hiện cảm xúc, từ chối bị cảm xúc điều khiển và không chịu tác động từ bên ngoài. Sự ổn định về cảm xúc không phải là kìm nén cảm xúc, dù đó là tức giận.
Trong bộ phim truyền hình "Những năm trưởng thành" đã khắc hoạ nhân vật Liu Hongyan (Trung Quốc) là một cô gái làm việc chăm chỉ, nỗ lực không ngừng trong học tập, cũng như trong công việc. Sau khi Liu Hongyan kết hôn, mẹ chồng liên tục gây áp lực, buộc cô sinh con càng sớm càng tốt.
Vợ chồng cô hiểu mong muốn có cháu của mẹ nhưng hiện tại cô muốn dành thời gian phát triển sự nghiệp. Cô muốn một vài năm nữa mới sinh con. Nhưng mẹ chồng cô nhất định không chấp thuận, thậm chí nặng lời chỉ trích cô. "Là phụ nữ phải đặt chuyện sinh con lên trước công việc", mẹ chồng cô nói.
Nghiêm trọng hơn, mẹ chồng Liu Hongyan đã đến công ty của cô để trao đổi với lãnh đạo khiến cô mất mặt. Cô đã bật khóc khi biết chuyện. Với cô, công việc là điều không thể tách rời cuộc sống, cô sẽ không bao giờ nghỉ việc.
Liu Hongyan dù rất tức giận nhưng vẫn chọn cách nói chuyện bình tĩnh với mẹ chồng và chồng. Khi đã nói hết mọi chuyện, cô rời đi, cố gắng để không nói những lời khó nghe.
Từ câu chuyện của Liu Hongyan, chúng ta có thể thấy một người trưởng thành, ổn định về mặt cảm xúc là biết nhận thức, buông bỏ cảm xúc của mình. Những người như vậy là bậc thầy của cảm xúc.
Trên mạng xã hội ở Trung Quốc cách đây không lâu lan truyền một đoạn video ghi lại câu chuyện như sau:
Trên chuyến tàu cao tốc từ Nam Kinh đến Trường Xuân, có 8 đứa trẻ nghịch ngợm, gây ồn ào suốt chặng đường. Thậm chí, trẻ còn nói bậy, làm vương vãi đồ ăn vặt xuống sàn. Mặc dù nhân viên chuyến tàu đã nhắc nhở nhiều lần nhưng những đứa trẻ làm lơ, không chịu sửa đổi.
Sau 7-8 giờ trôi qua, sức chịu đựng của mọi người đạt đến giới hạn. Nhiều người lớn cau mày, tỏ thái độ bực dọc với những đứa trẻ và cha mẹ trẻ. Họ liên tục đặt ra câu hỏi: "Sao cha mẹ không có ý thức quản lý trẻ?", "Cha mẹ những đứa trẻ này đang ngồi ở đâu trong khi con nghịch ngợm, la hét?", "Nhân viên chuyến tàu đã nhắc nhiều lần, cha mẹ trẻ không nghe thấy sao?",....
Ngay sau đó, một vị khách đã bày tỏ sự tức giận của mình, chỉ trích hành động quấy phá của những đứa trẻ và sự thiếu trách nhiệm của cha mẹ trẻ. Đoạn video nhận được hàng trăm nghìn lượt thích và chia sẻ. Bày tỏ sự tức giận đúng cách trong trường hợp này đã phát huy tác dụng.
Hay một câu chuyện khác sau đây cũng khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Wenwen (Trung Quốc) không hài lòng với chồng của mình là Xiaochao bởi anh luôn thất hứa. Vào cuối tháng trước, chồng của Wenwen đã hứa đưa cô đi cắm trại nhưng sau đó, anh đã đi dự tiệc với đồng nghiệp nên chuyến cắm trại bị lùi sang cuối tuần sau. Nhưng tuần sau, anh ấy lại hoãn vì mệt mỏi khi phải làm thêm giờ, tuần tiếp theo thì anh lấy lý do về thăm cha mẹ. Chuyến đi bị hoãn nhiều lần khiến Wenwen buồn bã, tủi thân.
Dù thất hứa với vợ nhiều lần nhưng chồng của Wenwen không xin lỗi, giải thích khiến cô càng thêm bực dọc. Suốt cả tháng, cô sống trong cảnh hậm hực, khó chịu. Cơn tức giận cuối cùng cũng bùng phát, khi chồng hỏi cô về thái độ nặng nề, cô đã "phát hoả", quát mắng chồng, thậm chí cô còn bỏ nhà, đến nhà bạn ngủ.
Sau đó, bạn cô đã đưa ra lời khuyên, chỉ cho Wenwen cách giải quyết vấn đề bằng 3 bước:
- Bước 1: Làm dịu cảm xúc bản thân. Trước tiên, bạn cần hít một hơi thật sâu và để tâm trí bình tĩnh. Đừng có những hành động bộc phát trong cơn tức giận bởi hậu quả về sau rất khó lường. Hãy để cảm xúc tạm "nguội" đi, dùng lý trí để bình ổn cảm xúc.
- Bước 2: Nêu lý do khiến bản thân tức giận. Trong câu chuyện của Wenwen, cô có thể mời chồng đi ăn, rồi nêu lý do khiến cô buồn bực. Diễn đạt rõ ràng có thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất và tránh rơi vào vòng luẩn quẩn “Bạn không biết à?” và “Làm sao tôi biết nếu bạn không nói cho tôi biết?”.
- Bước 3: Đưa ra yêu cầu.Cách tốt nhất để giải quyết cơn giận là đạt được kết quả như mong muốn. Khi nhu cầu được đáp ứng, cảm xúc sẽ được xoa dịu tự nhiên. Như trong câu chuyện của Wenwen, chồng cô có thể nói lời xin lỗi, và cô sẽ đưa ra yêu cầu của bản thân.
Thực chất, mục đích của việc bộc lộ sự tức giận là để đối phương nhận ra mình đã sai và có thể sửa chữa. Người trưởng thành sẽ tập trung vào cách giải quyết vấn đề thay vì tranh cãi chỉ để khẳng định bản thân đúng.