Google và các dịch vụ của hãng như Gmail, Youtube, Maps… đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người.
Các dịch vụ của Google chủ yếu đều được cung cấp miễn phí, đổi lại Google sẽ thu thập thông tin cá nhân của người dùng. Nhiều người biết đến điều này, nhưng vì các dịch vụ của Google quá tốt và cần thiết nên họ đã chấp nhận đánh đổi thông tin cá nhân để tiếp tục sử dụng các sản phẩm của Google.
Vậy Google đang nắm những thông tin cá nhân nào của bạn và hiểu rõ về người dùng của mình đến đâu? Để đi tìm câu trả lời, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
- Đầu tiên, bạn truy cập vào trang web tại địa chỉ https://myadcenter.google.com/controls. Đăng nhập vào tài khoản Gmail bạn muốn kiểm tra những thông tin cá nhân mà Google đang nắm giữ.
- Sau khi đăng nhập tài khoản, bạn chọn mục "Quản lý quyền riêng tư" ở menu bên trái.
- Tại đây, Google sẽ liệt kê rõ những thông tin cá nhân mà hãng đang nắm giữ của người dùng. Bên cạnh những thông tin cơ bản do người dùng khai báo như giới tính, độ tuổi, Google còn nắm giữ các thông tin ở mức độ riêng tư như tình trạng hôn nhân, học vấn, lĩnh vực công việc, mức thu nhập, tình trạng kết hôn, có nuôi con hay không…
Chắc hẳn nhiều người sẽ phải giật mình khi nhận ra Google đang nắm giữ nhiều thông tin cá nhân của họ và thậm chí hiểu về bản thân họ còn nhiều hơn cả những người quen ngoài đời thực.
Google thu thập thông tin từ người dùng theo nhiều cách, thông qua các ứng dụng, dịch vụ của hãng hoặc thông qua các hoạt động trực tuyến của người dùng, chẳng hạn như lịch sử tìm kiếm trang web, các nội dung người dùng xem qua Youtube hoặc các địa điểm người dùng thường xuyên lui tới…
Google khẳng định hãng không lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng, mà suy đoán các thông tin cá nhân dựa vào hoạt động trực tuyến của họ. Chẳng hạn với những ai thường xuyên tìm kiếm các nội dung về trẻ em như bỉm, sữa, xe nôi… Google sẽ suy đoán người dùng đó đã có con.
Hoặc dựa vào các từ khóa người dùng thường xuyên tìm kiếm, Google sẽ suy đoán về mức thu nhập hoặc lĩnh vực nghề nghiệp của họ…
Ngay trong quá trình đăng ký tài khoản và dùng các dịch vụ của Google, người dùng đã chấp nhận để Google thu thập thông tin cá nhân và quá trình hoạt động trên internet của họ, nhưng ít người chú ý đến chi tiết này.
Google cho biết dựa vào thông tin cá nhân của người dùng, công ty sẽ tối ưu hóa nội dung quảng cáo để giúp hiển thị các quảng cáo phù hợp với sở thích và mối quan tâm của người dùng.
Chẳng hạn nếu bạn thường xuyên tìm kiếm các từ khóa liên quan đến đồ chơi mô hình hoặc các loại thiết bị nhà thông minh… Google sẽ ưu tiên hiển thị các quảng cáo liên quan đến những loại sản phẩm này, giúp người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm mình yêu thích thông qua quảng cáo.
Về cơ bản, việc tối ưu nội dung quảng cáo cũng mang lại lợi ích cho người dùng khi giúp họ có thể tiếp tục khám phá và tìm hiểu các sản phẩm mình yêu thích thông qua các quảng cáo của Google.
Trong trường hợp bạn cảm thấy việc Google đang thu thập thông tin cá nhân và thói quen dùng internet sẽ ảnh hưởng đến sự riêng tư, bạn có thể tắt đi các chức năng thu thập thông tin của Google và các dịch vụ của hãng.
Để thực hiện điều này, bạn truy cập vào trang web tại https://myadcenter.google.com/, đăng nhập vào tài khoản Gmail của mình. Sau khi đăng nhập, bạn nhấn nút "Đang bật" tại mục "Quảng cáo được cá nhân hóa" ở góc bên phải.
Nhấn nút "Tắt" tại hộp thoại hiện ra tiếp theo.
Sau khi tắt đi chế độ "Quảng cáo được cá nhân hóa", bạn nhấn tiếp vào mục "Hoạt động của tôi" ở trang web hiện ra.
Tại trang web tiếp theo, bạn chuyển từ chế độ "Bật" sang "Tắt" ở các tính năng "Hoạt động trên web và ứng dụng", "Lịch sử vị trí" và "Lịch sử hoạt động trên Youtube" để Google ngừng thu thập thói quen hoạt động của người dùng trên internet, giúp bảo vệ sự riêng tư của người dùng.
Như vậy, bạn đã tắt đi các tính năng thu thập dữ liệu và thói quen người dùng của Google, điều này sẽ giúp bạn cảm thấy an tâm hơn vì không còn bị Google "nhòm ngó" khi truy cập mạng internet.
Tuy nhiên, điều này cũng sẽ khiến các nội dung quảng cáo hiển thị trên các dịch vụ của Google không còn nhắm đúng sở thích và sự quan tâm của bạn.