Các con của nhà đầu tư chứng khoán Warren Buffett sẽ như thế nào? Khác với tưởng tượng của mọi người về những "cậu ấm, cô chiêu", 3 người con của Buffett đều tìm thấy niềm đam mê và hướng đi ngoài lĩnh vực tài chính.
Peter Buffett là con trai út của tỷ phú Warren Buffett và hiện ông rất thành công, có sự nghiệp cho riêng mình. Trong một cuộc chia sẻ với giới truyền thông, Peter đã bật mí một vài nguyên tắc giáo dục của những gia đình giàu nhất thế giới cũng như suy nghĩ của họ về cuộc sống và lý tưởng.
Peter Buffett có lối sống khá giản dị. Dù là con trai của người giàu nhất thế giới, nhà đầu tư chứng khoán Warren Buffett nhưng công việc chính của ông không liên quan đến ngành tài chính. Ở tuổi 20, ông bỏ học tại Đại học Stanford và trở thành một nhạc sĩ.
Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng cuối cùng ông cũng đạt được thành công trong sự nghiệp âm nhạc nhờ sự chăm chỉ và niềm đam mê. Ông vinh dự đạt giải Emmy danh giá, trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, nhạc sĩ và nhà soạn nhạc ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, Peter Buffett còn tập trung vào hoạt động từ thiện của gia đình.
Tỷ phú Warren Buffett là người tài giỏi, giàu có, địa vị hàng đầu thế giới nhưng không lấy những tiêu chí này để làm thước đo cho sự thành công của các con. Vị tỷ phú luôn để các con theo đuổi đam mê, sở thích riêng. Peter Buffett đã bật mí một vài nguyên tắc giáo dục mà người cha vĩ đại đã áp dụng, các bậc phụ huynh có thể tham khảo.
Cuộc sống của gia đình Peter rất đơn giản. Trong trí nhớ của ông, thuở nhỏ, ông sống trong một ngôi nhà bình thường nằm ở Omaha, Mỹ. Ông luôn cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc vì được cha mẹ yêu thương và ủng hộ, nhà bà ngoại cách đó không xa, hàng xóm cũng rất thân thiện.
Sau khi cha của Peter kiếm được số tiền đáng kinh ngạc từ đầu tư chứng khoán, cha cũng không mua một ngôi nhà lớn hơn hay một chiếc xe hơi sang trọng. "Vì vậy, từ thời thơ ấu, tôi đã thấy, tiền không có mối liên hệ tất yếu và tác động đến cảm giác an toàn, hạnh phúc", ông cho biết.
Peter vẫn nhớ trên bàn ăn thời thơ ấu, cha luôn kể về công việc bằng sự say mê. Và ông cùng các anh chị tò mò, điều gì có thể khiến cha quanh năm tràn đầy niềm vui khi đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ như vậy?
Lý do đầu tiên, Peter phát hiện ra, cha thực sự không làm việc vì tiền. Cha dành phần lớn thời gian làm việc ở nhà. "Cha dành hàng giờ trong căn phòng nhỏ, nghiên cứu vô số sách và tài liệu bằng sự tập trung siêu việt", ông nói.
Peter vẫn còn nhớ cha thường mặc quần kaki và áo len sờn cũ. Khi cha xuất hiện trong căn phòng, toàn bộ không gian đều toát ra cảm giác yên tĩnh. Nhìn thấy cha yêu thích công việc, Peter đã hiểu một chân lý đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc: Công việc phải là thứ khiến chúng ta sẵn sàng theo đuổi mục tiêu cao nhất, nỗ lực hết mình và mang lại cảm giác hạnh phúc.
Peter thấy bản thân rất may mắn vì được cha ủng hộ mọi thứ. Cha ông không đặt ra khuôn mẫu sự thành công. Vì thế, ông không bị ám ảnh bởi những nghề nghiệp được gọi là "chất lượng cao", "đàng hoàng" hoặc "được xã hội công nhận".
Mặc dù cha là một ông trùm đầu tư nổi tiếng thế giới nhưng Peter hầu như không học tài chính từ cha, dù chỉ trong một ngày. Ông bày tỏ bản thân không hứng thú với công việc của cha. Cha cũng từng gửi cho Peter bản báo cáo thường niên của công ty và nói chuyện với Peter, thế nhưng không hề ép buộc ông phải làm.
Peter cho biết: "Cha không bao giờ ép buộc tôi, ông ấy chỉ đặt vấn đề tài chính như một phương án bình thường để tôi lựa chọn. Cha từng nói rằng, tôi có thể trở thành bất cứ ai mà tôi mong muốn".
Câu nói này nghe có vẻ hơi ngớ ngẩn nhưng xét từ sự nghiệp của 3 người con của tỷ phú, chúng ta thấy Warren Buffett đã thực sự thực hiện triết lý giáo dục này. Con gái cả Susan là Chủ tịch của Quỹ Sherwood, chuyên về giáo dục và xóa đói giảm nghèo; Howard Buffett là Chủ tịch điều hành của Quỹ Howard G. Buffett, một tổ chức đầu tư vào an ninh lương thực toàn cầu và giảm thiểu xung đột; Peter là một nhạc sĩ chuyên sản xuất phim, và đồng Chủ tịch của NoVo Foundation, tổ chức hỗ trợ các cô gái vị thành niên, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và hỗ trợ các cộng đồng bản địa ở Bắc Mỹ.
Peter nhớ khi mới theo đuổi âm nhạc ở độ tuổi 20, chưa thể kiếm ra tiền, khi trở về nhà trò chuyện với cha, ông đã mong được nghe những lời khuyên, định hướng. Như thường lệ, cha không đưa ra phán xét hay gợi ý rõ ràng mà chỉ chăm chú lắng nghe.
"Peter, con biết đấy, âm nhạc là bức vẽ của con, Berkshire (công ty đầu tư của Buffett) là bức vẽ của cha và cha thêm một vài nét vào đó mỗi ngày", tỷ phú Warren Buffett đưa ra lời khuyên dành cho con trai út.
Đối với Peter, tham vọng trở thành nhạc sĩ không được thực hiện dễ dàng. Peter học piano từ năm 6 tuổi, luôn yêu thích âm nhạc nhưng chưa bao giờ dám chọn âm nhạc làm hoài bão của đời mình. Ông từng có khá nhiều nỗi sợ: Sợ mình nổi tiếng trong 3 phút ngắn ngủi; sợ mình chỉ là một người tầm thường, không làm được gì nhiều; sợ rằng không thể nuôi sống bản thân bằng âm nhạc; sợ sự lựa chọn của mình là sai lầm,...
Đến khi lên bậc trung học, Peter lại có niềm đam mê nhiếp ảnh. Ông thường xuyên cung cấp ảnh chụp cho tờ báo của trường, đồng thời làm thêm vào mùa hè cho tờ tuần báo địa phương. Nhưng rồi tia lửa dường như lại tắt.
Vì vậy, trong những ngày mới vào Đại học ở Stanford, ông đăng ký tham gia nhiều khóa học nhất có thể, mong muốn tìm được hướng đi cụ thể cho cuộc sống tương lai. Peter dần dần chấp nhận sự thật rằng, không dễ để tìm hoài bão cuộc đời. Điều kiện tiên quyết để trở thành chính mình là bạn biết mình là ai.
"Tôi thừa nhận rằng tôi đang bối rối. Nhưng không phải cứ lang thang đều có nghĩa là lạc lối. Trong nhiều trường hợp, một người lang thang giữa những lựa chọn phức tạp không phải là lạc lối mà là cách duy nhất để tìm thấy chính mình. Điều này không gây lãng phí thời gian mà còn là một trong những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất", Peter hào hứng chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, giới trẻ có xu hướng tìm kiếm một công việc ổn định hơn là tìm kiếm bản thân và đam mê thông qua suy ngẫm và thử nghiệm.
Về Stanford, Peter thẳng thừng thừa nhận, cha mình đã viết thư giới thiệu ông đến trường đại học hàng đầu thế giới. "Nhưng thành thật mà nói, tôi không hiểu tại sao ngay từ đầu tôi lại đồng ý đến Stanford", Peter nói. Vào thời điểm đó, ông không đam mê giáo dục đại học và cũng không đặc biệt yêu thích Stanford. Peter nhập học, nhưng "vì nghĩa vụ hơn là hạnh phúc." Điều này đã mở đường cho việc ông bỏ học và rời khỏi trường sau 3 học kỳ.
Peter gặp bối rối sau một thời gian dài ở trường đại học. Một đêm nọ khi nghe buổi biểu diễn guitar trong ký túc xá, ông như được khơi dậy niềm đam mê và đã viết 2 bài hát.
Nhiều người cho rằng Peter có xuất phát điểm cao trong cuộc đời và không có áp lực kiếm sống nên việc thực hiện ước mơ của mình đương nhiên sẽ dễ dàng hơn. Nhưng bản thân Peter không đồng tình với điều này. Sau khi bỏ học, ông chuyển đến San Francisco và sống một cuộc sống đạm bạc - một căn hộ nhỏ, một chiếc ô tô cũ kỹ. Lần duy nhất ông tốn nhiều tiền là đầu tư thiết bị âm thanh với tư cách là một nhạc sĩ chuyên nghiệp.
"Sau khi rời đại học, tôi bắt đầu tự lập. Tôi không chỉ phải gánh chi phí cho phòng thu âm mà còn phải trả tiền thế chấp. Tôi cũng không khác gì các bạn xung quanh. Tôi không ngừng vật lộn với công việc và cuộc sống", ông nói về quãng thời gian khó khăn.
Cha ông chính là tấm gương để ông nhìn vào. Cha là đại diện điển hình cho việc "dựa vào nỗ lực của bản thân để thực hiện giấc mơ Mỹ", tự dựa vào sức lực của để độc lập, tự chủ.
Năm 2006, Buffett tuyên bố quyên góp dần 99% tài sản cho các quỹ từ thiện. Về vấn đề này, Peter chia sẻ: "Cha tôi tin rằng chiếc thìa vàng trong miệng của chúng ta khi sinh ra, trong hầu hết các trường hợp, sẽ biến thành một con dao găm vàng".
Thực tế đã chứng minh, sau này các con của vị tỷ phú đều không vướng phải scandal, sống giản dị giống cha của mình. Ngoài sự nghiệp riêng, cả 3 người con còn tập trung vào hoạt động từ thiện của gia đình.