Tự cổ chí kim, việc đưa ra những đề bài khó thử thách người tài đã trở thành việc làm thường thấy của những vị lãnh đạo, đặc biệt là vua chúa thời xưa. Trong số đó, phép thử của vua Đường Cao Tông, Trung Quốc để lại những bài học quan trọng về cách ứng xử trong gia đình.
Nỗi khổ của Đường Cao Tông
Đường Cao Tông tên thật là Lý Trị, là vị hoàng đế thứ 3 của triều đại nhà Đường, Trung Quốc, trị vì từ năm 649 đến năm 683. Cũng nổi tiếng là người nạp phi tần của cha là Võ Tắc Thiên làm hoàng hậu.
Dưới thời cai trị của ông, chính trị ổn định, biên cương vững chắc, dân chúng được hưởng cuộc sống thái bình, ấm no khiến uy thế nhà Đường được duy trì vững chắc. Tuy giang sơn ổn định nhưng trong lòng hoàng đế luôn dậy sóng không yên vì những nỗi lo đến từ chính nội bộ gia đình.
Tranh vẽ hoàng đế Đường Cao Tông. Ảnh: Sohu
Theo lịch sử ghi lại, những hoàng đế thời phong kiến xưa đa số đều trải qua các cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt mới có thể ngồi lên ngai vàng. Cha ông là Đường Thái Tông hoàng đế đã phải trừ khử hai huynh đệ ruột thịt của mình là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát tại sự biến Huyền Vũ môn mới thuận lợi đăng cơ.
Bản thân Lý Trị cũng đã chứng kiến cảnh các hoàng tử tranh đấu đầu rơi máu chảy, sau khi lên ngôi lại luôn phải xa cách, lạnh nhạt với các huynh đệ để bảo toàn ngôi vương. Ngoài ra, việc ông nạp lại phi tần của cha là Võ Tắc Thiên cũng gây ra nhiều điều tiếng, hậu cung Cao Tông hoàng đế không một ngày yên ổn.
Trong lúc hoàng đế đang buồn phiền với bất ổn trong hoàng tộc, ông nghe tin ở vùng Hà Nam có một gia tộc họ Trương luôn hòa thuận, chưa bao giờ xảy ra xích mích dù có đến 900 người chung sống quây quần gần nhau. Câu chuyện này khiến hoàng thượng vô cùng tò mò!
Hoàng thân quốc thích từ nhỏ đã đọc sách thánh hiền, hiểu được đạo lý nhân sinh, nhưng cuối cùng vẫn rơi vào cảnh tàn sát lẫn nhau. Vậy vì sao một gia tộc dân thường như Trương gia lại có thể giữ được tình hữu hảo, đoàn kết lâu đời như vậy?
Gặp gỡ gia tộc họ Trương
Đến năm Lân Đức thứ 2 (năm 665), trong một lần lên núi Thái Sơn thực hiện nghi lễ cúng tế trời đất, Đường Cao Tông đã cố ý đi qua vùng đất Vận Châu, Hà Nam nơi gia tộc họ Trương sinh sống để tự mình kiểm chứng lời đồn về gia đình này.
Khi được tận mắt chứng kiến, hoàng đế không khỏi bất ngờ. Trưởng tộc họ Trương tên là Trương Công Nghệ, lúc đó đã 88 tuổi, con cháu sống quây quần bên nhau trong một khu rộng lớn, tổng số người trong khu này lên đến con số 900.
Khu vực của Trương gia được phân chia thành từng khu sinh hoạt riêng cho mỗi gia đình. Thu nhập mỗi gia đình đều góp vào quỹ chung của gia tộc, sau đó được trưởng tộc chia đều cho mỗi hộ. Hàng xóm xung quanh đều nói gia tộc họ sinh sống rất vui vẻ với nhau, mỗi người đều biết giữ hòa khí chung nên việc tranh cãi, xích mích gần như không xảy ra.
Tranh vẽ Trương Công Nghệ. Ảnh: Baidu
Hoàng thượng nghe vậy vô cùng tò mò, gặng hỏi Trương Công Nghệ cách để giữ gìn hòa khí giữa nhiều người như vậy. Vị trưởng tộc họ Trương nhấn mạnh vào việc giữ gìn sự công bằng giữa mọi người:
“Tài sản của Trương gia đều là của chung, mọi người bình đẳng, 900 người cùng nhau ăn uống, mỗi lần ăn cơm đều được phân chia một chỗ ngồi ngang hàng nhau, món ăn cũng hoàn toàn giống nhau, không ai hơn ai.”
Chia 2 quả lê cho 900 người
Lý Trị nghe xong thầm cảm phục trong lòng, nhưng ông vẫn băn khoăn liệu có phải lúc nào cũng có thể chia đều cho tất cả mọi người. Do vậy, ông quyết định thử tài Trương Công Nghệ bằng việc ban thưởng 2 quả lê, yêu cầu ông chia đều cho mỗi thành viên trong gia đình, không được thiếu một ai.
Đây quả là một nhiệm vụ dường như bất khả thi bởi chỉ vỏn vẹn 2 quả lê, cho dù có dùng con dao sắc bén nhất để gọt ra miếng lê mỏng nhất cũng không thể đủ cho 900 miệng người.
Tuy nhiên, đây không phải đề bài khó với Trương Công Nghệ, lão Trương gọi người hầu đến yêu cầu giã 2 quả lê thành bã rồi hòa vào nước, sau đó mang nước lê đi chia đủ cho mọi người.
Cảnh tượng cả gia tộc đầy đủ già trẻ vui vẻ uống ly nước khiến hoàng đế vô cùng cảm động và thán phục. Ông liền thỉnh giáo Trương Công Nghệ về bí quyết trị gia, Trương Công Nghệ lập tức viết xuống 100 chữ “Nhẫn” và nói:
“Trương gia xưa nay đông người, không thể tránh được việc có người mắc lỗi. Nhưng chỉ cần mỗi người trong gia đình biết nhẫn nhịn, vì đại cục mà bỏ qua lỗi lầm nhỏ sẽ giữ được hòa khí.
Cha mẹ không nhẫn phụ lòng hiếu thảo, anh em không nhẫn người ngoài dị nghị, chị em không nhẫn náo loạn phân khu, những đạo lý này người trong Trương gia đều nắm trong tay, vì vậy ai nấy đều chú ý tu thân, thực hành chữ Nhẫn”
Dòng chữ “Bách Nhẫn Đường” còn được treo cho đến hiện tại. Ảnh: Sohu
Hoàng đế nghe xong tâm phục khẩu phục, ban thưởng cho Trương gia 4 chữ “Bách Nhẫn Nghĩa Môn” mang ý nghĩa ca ngợi phẩm chất nhẫn nhịn của toàn bộ gia tộc họ Trương. Đây cũng là nguồn gốc của dòng chữ “Bách Nhẫn Đường” treo tại gia tộc này trong suốt nhiều thế hệ và tồn tại đến ngày nay.
Câu chuyện được truyền lại dưới cái tên “Đường vương thăm hiền”, đây cũng là bài học cho các thế hệ mai sau về giá trị của chữ “Nhẫn” trong cuộc sống.