"Con là con gái sao mặc đồ của con trai?"; "Mẹ nói cho con biết bao nhiêu lần rồi. Mẹ cấm con mặc đồ con trai, mẹ cấm con đội nón con trai, mẹ cấm con hành xử theo kiểu con trai. Con là con gái…" Nghe những lời mắng nhiếc của mẹ, Linh (Gia Linh) lao ra đường. Và rồi…
Sinh ra và lớn lên trong hình dáng một người con gái đáng yêu, nhưng Linh từ lâu hiểu được rằng đó không phải là thân xác mà mình muốn. Cô gái nhỏ lúc nào cũng khao khát cởi bỏ chiếc váy để khoác lên mình trang phục của một đứa con trai.
Cũng như biết bao nhiêu ông bố bà mẹ khác, mẹ của Linh ra sức cấm cản con gái làm những điều như thế. Bà sợ cái cách dòng họ đánh giá Linh và sợ cả ánh nhìn miệt thị của xã hội dành cho gia đình mình.
Nhưng mẹ Linh lại quên một điều rằng nếu đến cả bà cũng không ủng hộ Linh thì chắc chắn cô gái nhỏ sẽ thật sự bơ vơ với sự dè bỉu của mọi người.
Trước phản ứng kịch liệt của mẹ, Linh cũng đã cư xử theo bản năng. Bởi đó chính là lúc cô nhận ra, mình cần gì và muốn gì.
Sẽ có rất nhiều chàng trai, cô gái cảm thông cho hành động tức thời lúc bấy giờ của cô bé, nhưng chắc chắn, chắc chắn chưa một ai có thể thấu hiểu được cho một người làm mẹ. Vì chúng ta là những đứa con…
Những bậc làm cha làm mẹ luôn mong muốn tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con cái của mình nhưng chưa bao giờ tự hỏi con của họ cần và muốn điều gì nhất và phải làm gì cho con hạnh phúc.
Chúng ta không phán xét Linh sai hay đúng trong câu chuyện này, vì cô bé cũng là một con người và cô xứng đáng có một cuộc đời của riêng mình.
Nhưng hãy công bằng hơn với mẹ của Linh, bà cũng chỉ là một nạn nhân. Chính định kiến xã hội đã giết chết Linh và để lại trong lòng mẹ cô bé sự dày vò, ân hận và hối tiếc.
Người mẹ nào cũng cố chấp, cũng ngang ngược theo cái cách rất bản năng, rất đàn bà như thế, vì họ là những-người-phụ-nữ-có-con. Duy chỉ có một điều là bất biến giữa cuộc đời này, chính là không một người mẹ nào không lấy con mình làm trung tâm kí gửi thương yêu. Hãy yêu thương khi chưa quá muộn.
HẢI TRUNG