Chùa Quốc Ân - một trong những ngôi tổ đình danh tiếng và lâu đời bậc nhất tại cố đô Huế, nơi đây vẫn còn bảo lưu nhiều dấu ấn văn hóa Phật giáo trong các thời kỳ từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và Huế ngày nay. Đây cũng là ngôi cổ tự nằm trong nhóm 153 công trình, địa điểm, di tích cần được bảo vệ theo quyết định số 1046/ QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày 8.10.1993.
Thế nhưng, cách đây một tháng, trụ trì chùa Quốc Ân đã bắt đầu cho tháo dỡ (hạ giải) hoàn toàn chùa để xây mới lại. Sự việc khiến nhiều người không khỏi sửng sốt và nuối tiếc cho một công trình cổ mang nhiều giá trị về lịch sử văn hóa và dấu ấn Phật giáo Đàng Trong có nguy cơ sẽ... không còn gì sau lần đại trùng tu này.
Chùa Quốc Ân thời sơ khai - Ảnh: T.L
Dù có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại (ngày 10.8) chùa vẫn đang tiến hành tháo dỡ những phần còn lại. Theo thông tin từ Ban Trị sự chùa Quốc Ân, khu chánh điện sẽ được xây mới bằng nền móng bê tông cốt thép và hệ khung gỗ cũng được dựng mới lại theo kiểu nhà rường truyền thống của Việt Nam.
Việc hạ giải một công trình tôn giáo nằm trong nhóm 153 công trình, địa điểm, di tích cần được bảo vệ của Thừa Thiên-Huế liệu có hợp lý, đúng với Luật Di sản hay không đang là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm.
Trả lời về việc thẩm định cấp phép cho đại trùng tu lại chánh điện chùa Quốc Ân, ông Lê Hữu Ngọc - Trưởng phòng Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết Sở Xây dựng tỉnh đã thẩm định hồ sơ và cấp phép xây dựng cho việc xây mới chánh điện chùa Quốc Ân từ ngày 14.9.2016. Theo quy định, giấy phép xây dựng sẽ được gia hạn 2 lần, mỗi lần có hiệu lực 12 tháng.
Cổ tự Quốc Ân khi chưa bị tháo dỡ - Ảnh:T.L
Tuy nhiên qua 2 lần gia hạn thì đến nay giấy phép xây dựng lại chánh điện chùa Quốc Ân đã hết hạn. “Nhà chùa chỉ mới tháo dỡ công trình cũ, chưa khởi công xây mới. Để thực hiện việc xây chánh điện, nhà chùa phải làm lại hồ sơ, thủ tục để được thẩm định và cấp phép như lần đầu tiên. Nếu không Đội Quản lý đô thị sẽ kiểm tra và xử phạt theo quy định”, ông Ngọc thông tin.
Việc cho phép xây mới lại chánh điện cổ tự Quốc Ân được Sở Xây dựng dựa trên văn bản lấy ý kiến của Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên-Huế từ năm 2016. Đáng chú ý là trong hồ sơ này không có văn bản nào của sở VH-TT tỉnh (đơn vị quản lý các di tích văn hóa, lịch sử ở địa phương.)
Hoa văn, phù điêu trên tường chùa Quốc Ân sau khi bị đập bỏ - Ảnh: Thái Lộc
Ông Lê Hữu Ngọc cũng thông tin thêm, vào ngày 9.9.2016, Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức một cuộc họp để bàn về việc hạ giải chùa Quốc Ân. Cuộc họp đã thống nhất cho xây mới chánh điện chùa Quốc Ân. Sau cuộc họp, ngày 12.9.2016, Ban Tôn giáo đã có văn bản kèm theo các nội dung liên quan gửi đến Sở Xây dựng.Trên cơ sở đó, Sở đã cấp phép xây dựng cho công trình này chứ vẫn không có văn bản ý kiến của Sở VH-TT.
Như vậy có thể nhận thấy rằng, dù chưa được công nhận là di tích nằm trong danh mục được kiểm kê, nhưng chiếu theo quyết định số 1046/ QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng như Luật Di sản thì chùa Quốc Ân nằm trong diện quản lý của ngành văn hóa. Vì vậy việc hạ giải trùng tu chùa Quốc Ân nhất định phải có ý kiến từ Sở VH-TT tỉnh.
Báo điện tử Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc sau khi nhận ý kiến phản hồi từ Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Chùa Quốc Ân là một trong những ngôi tổ đình danh tiếng và lâu đời bậc nhất tại cố đô Huế. Hiện tại chùa Quốc Ân vẫn còn bảo lưu nhiều dấu ấn văn hóa Phật giáo trong các thời kỳ từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và Huế ngày nay. Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, do tổ sư Tạ Nguyên Thiều khai sơn vào khoảng những năm 1682-1684 với tên ban đầu là thảo am Vĩnh Ân. Chùa là ngôi tổ đình đầu tiên của phái thiền Lâm Tế từ Trung Quốc truyền sang.
Lịch sử xây dựng Chùa gắn liền với cuộc đời tổ sư Nguyên Thiều. Sư Nguyên Thiều là người được chúa Nguyễn Phúc Thái trọng vọng, năm 1689, Chúa cho miễn thuế đất và đổi hiệu chùa là Quốc Ân và ban tấm biển "Sắc tứ Quốc Ân tự".
Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), khi Hòa thượng Mật Hoằng dâng sớ xin trùng tu chùa Quốc Ân, vua cấp 500 quan tiền và các vật dụng. Trong đợt trùng tu này, chùa xây dựng lại chánh điện, chú tạo lại tôn tượng Phật A Di Đà, tổ đường và long vị chư Tổ...
Năm 1851, Hòa thượng Từ Hòa - Liễu Triệt tiếp tục trùng tu và dựng cổng tam quan. Sau đó ít lâu, chùa được Thái trưởng công chúa cúng dường 400 quan tiền để hòa thượng Liễu Chơn tu tạo tượng Phật Thích Ca và Di Lặc...
Từ đó theo thời gian chùa đã được trùng tu, tôn tạo lại nhiều lần. Mặc dù như thế nhưng những mô típ nguyên bản, nguyên gốc của ngôi Chùa vần còn được lưu giữ.
Tiểu Vũ
TIN BÀI LIÊN QUAN:
>>Huế: Sau chùa Từ Hiếu đến chùa Quốc Ân bị hạ giải trùng tu