Cho và nhận - Sức mạnh của lòng tốt vô tư: Bài học về thành công từ việc 'cho khế nhận vàng'

23/09/2020 08:30
Cho và nhận - Sức mạnh của lòng tốt vô tư: Bài học về thành công từ việc 'cho khế nhận vàng'

Trích dẫn cuốn sách "Cho Và Nhận"

Nếu bạn cảm thấy hứng thú với việc áp dụng những quy tắc trong cuốn sách này vào cuộc sống cũng như công việc, tôi đã liệt kê sẵn một số hành động mà bạn có thể tập luyện và áp dụng. Một số hành động được dựa trên chiến lược cũng như thói quen của những người tử tế thành đạt, và trong mỗi trường hợp, tôi đều cung cấp những thông tin hữu ích giúp bạn có thể đánh giá, thực hiện hoặc nhân rộng sự giúp đỡ của mình.

Bên cạnh đó là một số hành động có liên quan đến việc đòi hỏi việc học hỏi cách cư xử hướng đến lợi ích của người khác trong chính đời sống thường nhật của bạn, một số khác thì nhấn mạnh đến những cách thức giúp bạn điều chỉnh hành vi của mình, nhận diện những người cùng chí hướng, hoặc khuyến khích người khác cùng cho đi với mình.

Kiểm chứng bản thân: Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, nơi mà mọi hành động của bạn có thể gây tác động đến người khác. Vì thế bạn có thể theo dõi kết quả của những việc tốt mình đã làm và đánh giá chính bản thân mình. Tôi đã thiết lập một loạt công cụ trực tuyến hoàn toàn miễn phí giúp bạn làm được điều này.

Hãy truy cập vào trang web: www.giveandtake.com để thực hiện một bài khảo sát có thể cho bạn biết mức độ tốt bụng của mình. Bên cạnh việc hoàn thành bảng khảo sát, bạn có thể mời những người trong mạng xã hội của mình đánh giá cách hành xử của bạn, và bạn sẽ biết được ý kiến nhận xét của mọi người về mình: bạn thường được nhìn nhận là người dung hòa, người ích kỷ hay một người rộng lượng bao dung?

Tạo một Vòng tròn cho-nhận: Đâu là lợi ích dành cho tổ chức hay tập thể và mô hình cho đi nào có thể áp dụng được nếu mọi người trong nhóm có thể dành ra 20 phút gặp nhau mỗi tuần để đưa ra những yêu cầu giúp đỡ đồng thời giúp đỡ người khác? Để biết thêm thông tin chi tiết về cách thiết lập một Vòng tròn cho-nhận trong công ty hay tổ chức của mình, hãy vào trang web công ty Hymax của Cheryl và Wayne Baker để tiếp cận với rất nhiều công cụ kết nối xã hội cho các cá nhân và tổ chức: www.humaxnetworks.com.

Bạn sẽ được hướng dẫn cách xây dựng một Vòng tròn cho-nhận cũng như cách sử dụng những công cụ trực tuyến để phát triển mô hình này. Số lượng thành viên lý tưởng cho một Vòng tròn cho-nhận là từ 15 đến 30 người. Mỗi người sẽ đề xuất một yêu cầu với các thành viên khác trong nhóm và những người còn lại sẽ vận dụng kiến thức, mối quan hệ, nguồn lực của mình để đáp ứng yêu cầu đó. Ngoài ra, bạn cũng có thể truy cập vào trang http://favo.rs để có thể đưa ra và nhận về sự giúp đỡ thông qua Internet.

Giúp đỡ người khác mài giũa kỹ năng làm việc của họ - hoặc của chính bạn để có thể giúp đỡ nhiều hơn và hiệu quả hơn. Thông thường, mọi người thường phải tiếp nhận những công việc không hẳn phù hợp với kỹ năng và mong muốn của bản thân. Một cách hay là khiến cho công việc đó trở nên thú vị, có ý nghĩa và có triển vọng hơn.

         Nhằm giúp mọi người có thể cải tiến hiệu suất làm việc, Amy Wrzesniewski (của Đại học Yale), Jane Dutton (của Đại học Michigan) và Justin Berg đã phát triển một công cụ có tên là Bài tập Cải tiến Công việc. Bài tập này đã được chúng tôi áp dụng với nhóm nhân viên Google, nó liên quan đến việc tạo ra một bản phác thảo về cách thức phân bổ thời gian và công sức hiện tại của bạn, sau đó xây dựng một biểu đồ trên đó vạch ra những yếu tố cần được điều chỉnh. Bạn có thể đặt hàng trực tuyến (www.jobcrafting.org) và mô phỏng áp dụng cho nhóm hoặc cho chính mình để giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp tìm thấy niềm vui và ý nghĩa ở công việc của họ.

Khởi động cỗ máy yêu thương: Trong nhiều tổ chức, những người hết lòng vì người khác thường không được chú ý đến. Để giải quyết vấn đề này, các tổ chức bắt đầu áp dụng chương trình trao thưởng cho những nhân viên có những hành động giúp đỡ người khác mà cấp quản lý hiếm khi nhận ra. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong năm 2001, khoảng 25% các công ty lớn đã triển khai các chương trình trao thưởng kiểu này, và con số này tăng lên 35% vào năm 2006 – bao gồm cả những công ty danh tiếng như Google, South-West Airline và Zappos.

Trung tâm thí nghiệm Linden, công ty đứng sau tổ chức Second Life, đã công bố một phương pháp tên là Love Machine (tức Cỗ máy yêu thương). Ở một công ty công nghệ cao, nhiều nhân viên thường tìm cách giữ lấy thời gian cũng như thông tin cho riêng mình thay vì chia sẻ chúng với đồng nghiệp. Và cỗ máy yêu thương ra đời nhằm khắc phục vấn nạn này. Cụ thể, nó khuyến khích nhân viên gửi đi một thông điệp yêu thương khi họ đánh giá cao sự giúp đỡ nhận được từ một đồng nghiệp.

Thông điệp này sẽ được gửi cho tất cả mọi người – và đây là sự khen ngợi lẫn xác nhận sự giúp đỡ đó khi nó gắn liền với địa vị và uy tín của các cá nhân. Người trong cuộc sẽ coi đó là một cách “để các nhân viên cạnh tranh với nhau xem ai mới thực sự là người hữu ích nhất”. Tình yêu thương đã kích thích mọi người hướng sự chú ý đến những người từng làm việc tốt trong thầm lặng.

         Để áp dụng mô hình cỗ máy yêu thương này tại công ty của bạn, hãy tìm đến một công cụ điện tử tên là SendLove đã được giới thiệu chi tiết trên trang web sau: www.lovemachine.com. Như vậy, các thành viên trong nhóm có thể gửi cho nhau những tin nhắn ngắn để bày tỏ sự biết ơn một hành động giúp đỡ nào đó và tất cả mọi người đều đọc được tin nhắn này.

Thực hiện những việc tốt năm phút. Nếu bạn truy cập vào trang 106 Miles Meetup (www.meetup.com/106miles), bạn có thể thấy Adam Rifkin Panda là người nổi tiếng nhất. Anh ấy thực sự là một chuyên gia về những việc tốt năm phút, và bạn có thể học tập anh ấy bằng cách hỏi xem mọi người có nhu cầu gì không và cố gắng tìm cách giúp đỡ với chi phí tiết kiệm nhất. Hai đề xuất thường được Rifkin đưa ra là phản hồi chân thành đến người cần giúp đỡ những ý kiến và nhận xét và giới thiệu họ với người có khả năng giúp đỡ.

Lấy ví dụ, có một bài tập đơn giản như sau có thể giúp bạn có thể trở thành người kết nối. Hãy bắt đầu bằng cách dạo một vòng quanh trang Rolodex, LinkedIn hoặc Facebook, xác định những đối tượng đang chia sẻ những thông tin đặc biệt. Sau đó, mỗi tuần chọn ra hai người và gửi email làm quen với họ. Nếu học theo Rifkin, bạn cũng nên hâm nóng lại mối quan hệ với những người đã lâu không liên lạc – không phải là để nhận được thứ gì đó mà là để trao đi. Một tháng một lần, hãy nối lại liên lạc với những người bạn đã qua lại trong một năm qua. Hãy cố gắng tìm hiểu xem họ đang làm việc ở đâu và liệu bạn có thể giúp đỡ gì cho họ hay không. Và bạn cũng có thể tìm hiểu thêm một số ý kiến chia sẻ tại blog Venture Blog của David Hornik (www.ventureblog.com/).

Tập đối thoại một cách khiêm nhường, nhưng cũng phải biết thích ứng với từng trường hợp. Để có thể cảm thấy thoải mái hơn và phát triển các kỹ năng vốn có được qua lối trò chuyện nhẹ nhàng cởi mở, bạn cần phải thay đổi một số thói quen của bản thân – hãy học cách lắng nghe thay vì tìm cách cướp lời người khác, tìm kiếm lời khuyên thay vì tự mình đưa ra quyết định, đưa ra yêu cầu giúp đỡ thay vì tìm cách biện hộ cho quan điểm của mình. Jim Quigley là một cộng sự cấp cao tại Deloitte và trước đó là một cựu CEO, anh quyết định sẽ áp dụng lối trao đổi nhẹ nhàng nhún nhường.

Anh tự đặt cho mình mục tiêu là không nói quá 20% thời gian trong các cuộc họp: “Tôi muốn lắng nghe ý kiến của mọi người. Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ thu được những kết quả tuyệt vời nếu biết cách đưa ra câu hỏi đúng, thay vì chỉ tập trung phát biểu ý kiến của bản thân. Tôi chẳng học được gì khi chỉ thao thao bất tuyệt điều mình muốn.

Ngược lại, tôi sẽ học được rất nhiều thứ khi lắng nghe những gì mọi người nói”. Nhờ lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người khác, Quigley có thể thấu hiểu được mong muốn của họ. “Đây không phải là bản năng sẵn có. Nó là một thói quen tốt và mỗi người cần tập luyện để có được thói quen này”. Để biết thêm nhiều thông tin hữu ích, bạn có thể truy cập vào blog của Susan Cain (www.thepowerofintroverts.com) và của Jennifer Kahnweiler (www. theintrovertedleaderblog.com).

         Ngoài ra, còn một yếu tố quan trọng khác là hãy đảm bảo rằng sự nhường nhịn này sẽ không khiến bạn trở nên ngần ngại trong những trường hợp cần giúp đỡ người khác hoặc đáp ứng mong muốn của chính bản thân mình. GetRaised là nơi bạn có thể tìm thấy những lời khuyên hữu ích và hoàn toàn miễn phí để thương lượng tăng lương (https://getraised.com).

Gia nhập vào cộng đồng của những người luôn hết lòng vì người khác. Để tìm kiếm những người cùng chí hướng với mình, hãy gia nhập cộng đồng Freecycle để cho đi những vật dụng, đồ đạc và nhận biết nhu cầu của mọi người (www.freecycle.org). Ngoài ra, còn có một cộng đồng khác là ServiceSpace (www.servicespace.org), ngôi nhà chung của những người theo chủ nghĩa trao đi quà tặng được Nipun Mahta khởi xướng. Trụ sở chính đặt tại Berkeley, California, ServiceSpace có hơn 400.000 thành viên với khối lượng email giao dịch mỗi năm là hơn 50 triệu. Tuy nhiên, họ vẫn hoạt động dựa trên ba nguyên tắc cơ bản: “không nhân viên, không ngân sách và không cần sự đền đáp”.

Nhờ ServiceSpace, Nipun đã tạo ra một nền tảng để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ, tập trung vào ba mảng: các dự án quà tặng vật chất, những nội dung truyền cảm hứng, cuối cùng là tình nguyện và những hỗ trợ phi lợi nhuận. Một trong những dự án quà tặng vật chất là Karma Kitchen, nơi các món ăn đều không đề giá; khi thanh toán, hóa đơn thể hiện số tiền là 0 đồng kèm theo lời nhắn “Bữa ăn của bạn là món quà của một người đã đến đây trước bạn. Để giúp duy trì chuỗi quà tặng này, chúng tôi mong rằng bạn có thể trả tiền cho bữa ăn của người đến sau bạn”. Một dự án khác là HelpOthers.org, mọi người sẽ giúp đỡ người khác một cách thầm lặng hoặc giấu danh tính, rồi để lại mẩu giấy với lời nhắn khuyến khích người vừa được giúp đỡ tiếp tục mang sự giúp đỡ đến một người khác đang cần nó.

 Nipun đã kể chuyện một người phụ nữ làm việc cho một công ty trong nhóm Fortune 500 tới mua đồ uống tại một máy bán hàng tự động, và bỏ thêm tiền lẻ vào máy với lời nhắn “Nước uống của bạn đã được trả bởi một người mà bạn không quen biết. Hãy giúp tôi mang tình yêu đến với cả thế giới”. Sau đó, cô để lại bánh donut có kèm theo một lời nhắn tương tự ở đằng sau. Nipun kể: “Một anh chàng đã nhìn thấy sự khác lạ này và sau đó quyết định gửi email cho cả tòa nhà”, và cười lớn “Anh ta đã viết thế này ‘Tôi đã cố gắng tìm ra người tốt bụng giấu tên đó, có lẽ ở đâu đó tầng hai hoặc tầng ba’. Giờ đây mọi người đều ý thức được hành động đẹp đó và bắt đầu làm theo”.

Trên trang web của ServiceSpace, bạn có thể đặt hàng những tấm thiệp mang thông điệp yêu thương, giúp đỡ những trường hợp có thể, mua ấn bản tuần hoặc đọc một danh sách liệt kê những việc tốt, chẳng hạn như trả tiền cho người tiếp sau bạn hoặc cảm ơn người đã giúp bạn bằng cách gửi lời khen ngợi đến cấp trên của họ. Nipun chia sẻ: “Càng cho đi, bạn càng muốn đóng góp nhiều hơn – và những người quanh bạn cũng vậy. Cũng giống như việc tập thể hình. Nếu bạn kiên trì, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ lực lưỡng hơn. Sự giúp đỡ cũng được nuôi dưỡng theo cách tương tự”.

         Một tổ chức khác ấn tượng không kém là HopeMob, nơi tập hợp “những người tử tế xa lạ để mang lại hy vọng cho những người đang có nhu cầu cấp bách trên toàn thế giới” (http://hopemob.org). Để biết được cách hướng dẫn và tổ chức sao cho tập thể của bạn thực hiện những hành vi giúp đỡ ngẫu nhiên, bạn có thể tham khảo mô hình của Extreme Kindness ở Canada (http://extremekindness.com) và The Kindness Offensive ở Anh (http://thekindnessoffensive.com). The Kindness Offensive là một nhóm có xu hướng giúp đỡ vô cùng tích cực, họ đã làm được một số điều tốt vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Họ cung cấp đồ chơi cho tất cả trẻ em tại các bệnh viện ở London, tặng miễn phí nửa triệu chiếc bánh kếp, biếu hàng tấn đồ đạc và hàng hóa cho các lễ hội trên khắp vương quốc Anh, cung cấp vật dụng y tế và cả chỗ ở miễn phí cho những gia đình có nhu cầu, tổ chức tiệc trà cho những người lớn tuổi, tặng ghi-ta điện cho một cậu bé mười tuổi, phát vé mời hàng ghế đầu và tham quan hậu trường huấn luyện của đoàn xiếc Moscow cho một ông bố muốn tặng con gái mình một món quà bất ngờ. Và có vẻ không phải là ngẫu nhiên khi người sáng lập tổ chức này tên là David Goodfellow.

         Bạn cũng có thể tham khảo BNI (www.bni.com), mạng kết nối doanh nghiệp của Ivan Misner, nơi hoạt động với phương châm “Những người tốt sẽ thành công” cũng như cộng đồng Go-Giver Community (www.thegogiver.com/community) – một nhóm người hâm mộ tác phẩm The Go-Giver của Bob Burg và John David Mann đến mức quyết định rằng cho đi là cách tốt nhất để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tự trải nghiệm khi làm một điều tốt. Nếu bạn muốn tự mình làm việc tốt, hãy thử với GOOD thirty-day challenge (www.good.is/post/the-good-30-day-challenge-become-a-good-citizen). Đều đặn mỗi ngày trong suốt một tháng, GOOD sẽ gợi ý cho bạn những cách giúp đỡ khác nhau. Nếu muốn biết thêm thông tin, hãy vào trang của Sasha Dichter (http://sashadicher.wordpress.com) và Ryan Garcia (www.366randomacts.com). Dichter, trưởng phòng cải tổ của Quỹ Acumen, đã quyết tâm làm người tốt và cam kết sẽ nói Có với tất cả đề nghị giúp đỡ anh nhận được trong một tháng.

Garcia, nhân viên bán hàng tại ZocDoc, thì quyết định là mỗi ngày sẽ làm một việc tốt trong suốt một năm và viết blog về những câu chuyện mình đã trải qua. Như chúng tôi đã đề cập trong Chương 6, những việc làm tốt này sẽ phát huy hiệu quả nhất và có tác dụng kích thích tâm lý nhất nếu bạn tập trung nhiều hành động giúp đỡ vào một lần trong một tuần, thay vì làm rải rác mỗi ngày một việc tốt. Và quan trọng, hãy nhớ quy tắc 100 GIỜ TÌNH NGUYỆN mỗi năm.

Gây quỹ cho một dự án. Nhiều người đang tìm nguồn đầu tư tài chính cho các dự án của họ. Với Kickstarter (www.kickstarter.com), tổ chức cấp vốn lớn nhất thế giới cho các dự án có tính sáng tạo và triển vọng phát triển, bạn có thể tìm thấy có những người đang tìm kiếm sự giúp đỡ trong nhiều lĩnh vực, từ thiết kế và phát hành phim điện ảnh, sách, chương trình trò chơi, âm nhạc, kịch, tranh vẽ cùng với các sản phẩm và dịch vụ khác. Một đề xuất khác của tôi là Kiva (www.kiva.org), nơi bạn có thể tìm ra cơ hội để thực hiện những khoản vay “siêu nhỏ” trị giá tối thiểu 25 đô-la Mỹ để có cơ hội thành lập doanh nghiệp tại các quốc gia đang phát triển. Ở cả hai trang web trên, bạn có thể tìm thấy và theo dõi chặng đường phát triển của những người đã và đang được giúp đỡ.

Chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ. Nếu bạn muốn giúp người khác trở thành người tốt, một trong những cách đơn giản nhất là đưa ra yêu cầu với họ. Không phải lúc nào yêu cầu giúp đỡ của bạn cũng trở thành gánh nặng đối với người khác, vẫn có một số người tốt thực sự và khi nhờ giúp đỡ, bạn đang tạo cơ hội để họ thể hiện giá trị của mình cũng như trải nghiệm cảm giác trở thành người có ích.

Khi yêu cầu một việc tốt năm phút, bạn đang phải chịu một phiền toái nho nhỏ, và nếu bạn đề nghị một người dung hòa giúp đỡ, bạn có thể tìm cơ hội để đền đáp họ. Wayne và Cheryl Baker đã nhận xét như sau: “Mọi người có thể bắt đầu hành trình cho-nhận bằng cách đưa ra đề nghị giúp đỡ đồng thời giúp đỡ người xung quanh. Hãy giúp đỡ một cách vô tư, không đòi hỏi, nhưng cũng cần biết cách chủ động đưa ra đề nghị giúp đỡ khi cần”.

Nhập mã TIKITDT9 giảm thêm 5% khi mua sách do "Cho Và Nhận" do Tiki Trading phân phối: https://bit.ly/chovanhan-tk. hời hạn sử dụng: đến hết ngày 31/10/2020. Số lượng mã giảm giá có hạn.

Trạm Đọc trích đăng | 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024