Tiếng Việt thật giàu đẹp và phong phú! Để diễn tả một sự vật, hiện tượng có nhiều lối nói khác nhau. Nhiều cụm từ hay cách nói có từ xa xưa, được lưu truyền từ đời này qua đời khác nhưng ít ai hiểu được ý nghĩa sâu xa của nó. Những cụm từ thú vị phải kể đến như: Chuột rút, giời leo, vọp bẻ, nghèo rớt mồng tơi,… Và từ "trộm vía" cũng là một từ khiến nhiều người thắc mắc về nguồn gốc của nó.
Tại một số địa phương, nhất là miền Bắc, khi khen một đứa bé, người ta thường thêm từ "trộm vía" ở trước. Chẳng hạn như: "Trộm vía bé kháu khỉnh quá!", "Trộm vía bé ngoan quá!",… Vậy vì đâu hình thành lối khen trẻ nhỏ như vậy?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, cách nói "trộm vía" bắt nguồn từ quan niệm "ba hồn bảy vía" trong dân gian. Người Việt quan niệm hồn vía là năng lượng tinh thần để con người sống khoẻ mạnh. Người mang bệnh là người có một vía nào đó bị xâm phạm do những tác động bên ngoài.
Người xưa cho rằng vía trẻ em còn yếu, cần được giữ gìn nên trước khi khen, phải "xin phép" các vía trước. Vì vậy mà có cách nói "trộm vía" như ngày nay chúng ta thường dùng.
Chúng ta cần lưu ý rằng ở đây, "trộm vía" được dùng như một lời xin phép, nhưng như vậy không có nghĩa "trộm" tương đương với "xin phép". Điều này cũng giống như người Việt khi gặp nhau hay hỏi "Anh/chị đang đi đâu đấy?" thay cho lời chào. Nhưng điều này không nói lên rằng "đi đâu đấy" có nghĩa là "chào".
Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, từ "trộm" ban đầu có nghĩa là "lén lút". Trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng giảng: "Trộm: Lén giấu, thầm vụng". Vậy bên cạnh nghĩa "lấy đi tài sản của người khác khi họ không để ý", "trộm" còn có thể dùng để chỉ chung sắc thái "lén, vụng". Vì thế, "trộm vía" có thể hiểu sát nghĩa là "xin lén các vía (để khen em bé)".
Tất nhiên việc phân tích sát nghĩa sẽ dễ gây khó hiểu, vậy nên chúng ta có thể xem đây là một lời xin phép. Điều này cũng giống như "xin lỗi" hiểu cho sát là "xin lấy lỗi về". Nhưng như vậy thì khá rối rắm nên chỉ cần hiểu đơn giản đây là lời dùng để bày tỏ sự ăn năn khi phạm phải sai lầm.
Tóm lại, "trộm vía" nghĩa là "lén các vía (để làm gì đó)", hiểu nôm na là một lời xin phép.
Ngôn ngữ Việt thật thú vị phải không nào? Hy vọng qua bài viết, bạn sẽ có thêm kiến thức hữu ích về quan niệm dân gian cũng như nguồn gốc của cách khen "trộm vía" đối với trẻ nhỏ.