Giúp đỡ người khác không phải là ban ơn
Một cặp vợ chồng nọ đã kết hôn được 50 năm. Mỗi năm vào dịp kỷ niệm ngày cưới, người vợ sẽ nướng một ổ bánh mì đặc biệt. Khi ổ bánh nóng hổi vừa ra lò, bà sẽ cắt đôi nó ra: nửa trên có vỏ giòn, ruột xốp và mềm; còn nửa dưới thì đặc ruột, vỏ giòn nhưng hơi cứng. Người vợ trét bơ lên hai nửa, để phần nửa dưới cho mình và luôn đưa nửa ổ bánh xốp mềm, giòn tan phía trên cho người chồng vì nghĩ rằng ông sẽ thích phần bánh ấy.
Vào ngày kỷ niệm lần thứ 50, bà thầm nghĩ: “Tuy không muốn làm người ích kỷ, nhưng mình thật sự rất muốn được một lần ăn thử lát bánh xốp mềm, giòn tan phía trên. Mình xứng đáng được ăn và mình muốn ăn miếng bánh ngon lành này”. Thế là dù có hơi áy náy, bà vẫn phết bơ vào hai miếng bánh và đưa phần bánh phía dưới cho chồng.
Không ngờ người chồng mừng rỡ thốt lên: “Ôi em yêu, em đã đưa cho anh miếng bánh giòn rụm này. Đây là phần anh thích nhất trong ổ bánh, và anh cảm thấy thật hạnh phúc khi em nhường nó cho anh vào dịp kỷ niệm ngày cưới lần thứ 50 của chúng ta. Thật đặc biệt làm sao. Anh có cảm tưởng như anh đã làm việc gì đó tử tế lắm nên mới được nhận phần thưởng này”.
Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể rút ra một bài học: đôi khi chúng ta vẫn cho rằng mình hiểu rõ người khác muốn gì mà không cần phải hỏi họ, nhưng suy nghĩ của ta không phải lúc nào cũng đúng với thực tế. Chẳng hạn, người vợ trong câu chuyện trên đã hết lòng hy sinh vì người chồng, nhưng đó lại là sự hy sinh không cần thiết. Giao tiếp chính là mấu chốt vấn đề.
Có lẽ bạn từng nghe ai đó than vãn: “Lúc nào tôi cũng phải làm việc này cho họ. Tôi chán lắm rồi, nhưng vẫn cứ phải làm”. Có thể người này nghĩ rằng họ sẽ được xem là người tốt khi giúp đỡ người khác, mặc dù thật lòng họ không muốn giúp chút nào, hay thậm chí là không biết đối phương có cần đến sự hỗ trợ của họ hay không. Cũng có thể là đối phương muốn họ hãy ngừng giúp đỡ, thay vì cứ miễn cưỡng rồi lại mặt nặng mày nhẹ hoặc tệ hơn là giúp với tâm thế: “Tôi đã làm quá nhiều cho họ. Họ mắc nợ tôi”.
Bạn giúp đỡ người khác không có nghĩa là họ đang nợ bạn. Vì vậy, tốt hơn là bạn nên hành động với tư duy đúng đắn và chỉ làm những việc thật sự cần thiết cho bản thân bạn cũng như cho người khác. Hãy làm vì bạn thật lòng muốn làm, chứ không phải để ban ơn cho ai đó.
Điều đó không có nghĩa là khuyên bạn đừng làm những việc mà mình không thích, mà là hành động của bạn phải đi kèm với tư duy đúng đắn. Hãy chân thành khi hỗ trợ người khác, chứ đừng khiến họ phải cảm thấy áy náy. Quyết định cuối cùng luôn tùy thuộc ở bạn, bất kể là từ chối hay nhận lời giúp đỡ.
Chuyên gia giao tiếp Katherine Molloy kể: “Trong thời gian ở Ấn Độ, tôi được biết có một nhà hiền triết từng nói rằng những suy nghĩ điên rồ vẫn có thể xuất hiện ngay cả khi tâm trí chúng ta đang ở trong trạng thái tỉnh táo nhất. Hiểu được điều này, tôi càng thấy rõ tầm quan trọng của việc giao tiếp tốt, bởi ngay cả một người lý trí nhất cũng có thể nhìn nhận thiện chí của chúng ta theo hướng tiêu cực hoặc hiểu sai ý của ta.”
Học hỏi từ những thất bại
Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta hiểu lầm nhau khi giao tiếp chính là mỗi người đều có cách nhìn nhận khác nhau. Đó là những suy nghĩ cũng như niềm tin mà chúng ta đã có từ trước khi ta gặp gỡ người khác, theo đuổi cơ hội giúp ta kiếm được một triệu đô-la hay chuẩn bị bắt tay một đối tác.
Khi ta thực hành tư duy cầu tiến để có những ý nghĩ và hành động tích cực chính là lúc ta bắt đầu tạo nên những thay đổi lớn lao, có sức ảnh hưởng. Hãy can đảm đón nhận thử thách để bản thân được khơi nguồn cảm hứng, và khi thấy người khác thành công thì hãy mừng cho họ. Hãy học hỏi từ phản hồi của mọi người cũng như từ thất bại của chính bạn. Đây chính là cách để chúng ta bắt đầu rèn luyện tư duy của mình.
Nếu để bản thân mắc kẹt trong tư duy cố định, cố tránh né thử thách, dễ dàng đầu hàng, phớt lờ phản hồi và luôn cảm thấy bị người khác đe dọa, bạn sẽ tự làm hại mình và sẽ mãi nhỏ bé trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay. Đã đến lúc bạn cần nghĩ lớn và làm việc lớn. Tôi không tin rằng chúng ta có mặt trên hành tinh này chỉ để suy nghĩ tủn mủn và làm những việc lặt vặt.
Bạn cần hiểu rằng bạn là độc nhất vô nhị và không ai có thể thay thế. Điều này cũng đúng với người đang ở ngay bên cạnh bạn lúc này, những người bạn gặp trên đường, bạn bè hoặc người thân của bạn. Khi bắt đầu đối xử với bản thân và những người xung quanh như những cá thể độc đáo mà không ai có thể thay thế, chúng ta sẽ thật sự chú tâm và ý thức rõ về hành động, suy nghĩ cũng như lời nói của mình. Đó cũng chính là lúc sự thay đổi đích thực diễn ra.
Nếu muốn cảm nhận mình là người đáng giá triệu đô, bạn cần hiểu rằng bạn vốn đã có giá trị hơn thế và giờ là lúc bạn hành động để thể hiện giá trị của mình. Nếu bạn nghĩ mình làm được thì bạn sẽ làm được, còn nếu bạn cho rằng mình không có khả năng thì tất nhiên bạn sẽ không thể nào đạt được mục tiêu. Chính bạn đã đánh bại bản thân mình.
Một người có tư duy cầu tiến sẽ chủ động tìm hiểu nhược điểm của mình khi kết nối và giao tiếp với người khác, đồng thời tìm kiếm những cơ hội cũng như bài học giúp họ cải thiện bản thân.