Một ngày đẹp trời, bạn đang đi dạo, đột nhiên có một người phụ nữ lạ mặt tiến về phía bạn và đưa ra một lời đề nghị lạ lùng. Người này đưa cho bạn một bao thư có 20 đô-la, kèm theo một điều kiện: trước 5h chiều, bạn phải dùng số tiền này để mua cho bản thân một món quà. Sau khi trao xong bao thư, người phụ nữ ấy bỏ đi.
Cũng một ngày đẹp trời, người phụ nữ tiến về phía bạn, cũng đưa cho bạn bao thư 20 đô-la nhưng kèm điều kiện: trước 5h chiều, bạn phải dùng số tiền này để mua cho người khác hoặc cho một tổ chức từ thiện.
Và đó là một cuộc thử nghiệm trên đường phố Vancouver (Canada) của các nhà nghiên cứu gồm: Elizabeth Dunn, Lara Aknin và Mike Norton. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện những người tiêu tiền vì người khác thường cảm thấy hạnh phúc hơn so với những người tiêu tiền vì bản thân họ. Nhóm nghiên cứu nhận thấy bản thân số tiền mà các đối tượng nhận được là nhiều hay ít dường như cũng không quan trọng, nghĩa là không có sự khác biệt nào giữa mức độ hạnh phúc của người nhận được 5$ và người nhận được 20$.
Nhưng những người dùng 5 đô-la để mua quà cho chính mình không hạnh phúc bằng người mua một món gì đó cho người khác hoặc tổ chức từ thiện. Phần tiền thưởng họ trích ra để “chi tiêu xã hội” càng lớn thì họ càng cảm thấy hạnh phúc hơn, và điều này thậm chí còn quan trọng hơn giá trị của tổng số tiền thưởng đó.
Đa số chúng ta đều sẽ nói ta cảm thấy hạnh phúc hơn khi chi 20$ cho chính mình, nhưng thực tế cuộc kiểm chứng giả thuyết này đã cho kết quả hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta vẫn tưởng. Chúng ta mơ ước có một căn nhà rộng rãi ở nông thôn mà không nhận ra rằng việc phải di chuyển xa hơn đến chỗ làm có thể sẽ khiến chúng ta thấy kém hạnh phúc hơn. Chúng ta mua sắm nhiều vật dụng vì nghĩ rằng sự tiện nghi sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, nhưng nghiên cứu đã chứng minh cuộc sống của chúng ta thường được cải thiện nhiều hơn khi ta đầu tư cho các trải nghiệm như du lịch hay nghỉ dưỡng.
Và dù nhiều người thường dành hàng giờ đồng hồ để ngồi trước màn hình vi tính hay tivi, nhưng các bằng chứng lại cho thấy chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi đầu tư vào những mối quan hệ xã hội của mình. Vì vậy, trước khi chọn ra mục tiêu cho mình, bạn cần suy nghĩ thật kỹ xem điều gì sẽ khiến bạn hoặc những người xung quanh bạn hạnh phúc, bạn có thể tập trung vào 5 yếu tố hạnh phúc đã được chứng minh sau:
- Củng cố các mối quan hệ xã hội
- Củng cố sức khỏe và sự năng động
- Trau dồi kiến thức và kỹ năng
- Phát triển tính hiếu kỳ
- Giúp đỡ người khác
Sau khi đã trình bày 5 yếu tố có thể cải thiện mức độ hạnh phúc của bạn, bạn sẽ dành thời gian để suy ngẫm về mục tiêu mà bạn muốn theo đuổi. Trong vòng hai hoặc ba tuần tiếp theo, bạn có thể liệt kê ra giấy tất cả những điều mà bạn muốn đạt được trong cuộc sống cá nhân cũng như trong công việc của mình. Dù sao đi nữa, chỉ bạn mới là người có quyền quyết định bạn muốn theo đuổi mục tiêu nào và vì lý do gì. Sau khi liệt kê xong, có lẽ bạn sẽ có một danh sách dài với rất nhiều mục tiêu.
Phương pháp này được chỉ dẫn bởi tác giả Owain Service & Rory Gallagher trong cuốn sách: Dám nghĩ nhỏ. Cuốn sách giúp bạn biết cách lên kế hoạch và chia nhỏ mục tiêu nhằm dễ dàng thực hiện hơn: Nghĩ nhỏ để theo đuổi các mục tiêu lớn.