Tôi thấy trên mạng có người hỏi: "Sau khi xem "Tây Du Ký" bạn cảm thấy thế nào?" Có một câu trả lời nhận được rất nhiều lượt tán đồng rằng: "Khán giả trẻ ghen tị với sự toàn năng của Tôn Ngộ Không, nhưng khán giả trung niên lại mong được khôn ngoan như Đường Tăng."
Một nửa cuộc đời đã trôi qua, có lẽ tất cả chúng ta đều muốn xem nhẹ những thăng trầm của cuộc đời, suy cho cùng, đời người khó thoát khỏi sự vô thường.
Đường Tăng từng nói: "Khi tâm sinh khởi, các loại ma quỷ sinh khởi; khi tâm chết, các loại ma quỷ biến mất."
Cuộc sống giống như một rạp hát, nơi diễn ra mọi niềm vui nỗi buồn của đời người, nhưng lại gây nghiện đến mức khó thoát ra được. Bước vào tuổi trung niên, khoảnh khắc bị cuốn theo cảm giác bất lực bị ham muốn trói buộc, tôi dần nhận ra: Giữa thế gian xô bồ, sống như "Đường Tăng", bạn chính là người chiến thắng.
01
Tại nơi làm việc, bao dung những sai lầm
Nếu xem việc đi Tây thiên lấy kinh là một dự án tại nơi làm việc, vậy thì Đường Tăng chính là nhà lãnh đạo đang được thử thách của dự án này. Bề ngoài, Đường Tăng là người thiếu quyết đoán nhưng thực tế, Đường Tăng cũng có những suy tính riêng cho nhiệm vụ lấy Kinh quan trọng này.
Đường Tăng có thể kiên nhẫn dạy dỗ Tôn Ngộ Không liều lĩnh và bốc đồng, cũng có thể bao dung cho Trư Bát Giới, người vốn không đặt cái tâm của mình vào việc đi lấy kinh. Sự khôn ngoan của Đường Tăng không nằm ở việc đánh bại được ma quỷ mà ở khả năng bao dung được cả cái đúng và cái sai.
Người ta thường nói: "Trưởng thành thực sự là vừa theo đuổi những điều tốt đẹp vừa, có thể bao dung với những điều không hoàn hảo của bản thân". Phạm sai lầm là điều không thể tránh khỏi nhưng việc tha thứ cho sai lầm lại không phải điều ai cũng có thể làm.
Ở nơi làm việc, hãy cư xử linh hoạt như một chiếc lò xo, bao dung được cả những khiếm khuyết của người khác, con đường sự nghiệp mới ngày càng rộng mở hơn.
Cách đây không lâu, một người bạn tên Văn kể một câu chuyện khiến tôi có ấn tượng sâu sắc. Trong dịp kỷ niệm tri ân khách hàng, việc tổ chức sự kiện được giao cho nhóm của Văn, tuy nhiên, nhóm lại nhận lại phản hồi không tốt, nhiều khách hàng phàn nàn với lãnh đạo.
Người phụ trách đề nghị lãnh đạo trao đổi với các thành viên trong nhóm để phân tích nguyên nhân và giải quyết các tồn tại.
Lãnh đạo không chấp nhận đề nghị này, đã nói: "Chúng ta nên thấy được sự nhiệt tình của nhóm họ khi tổ chức các hoạt động này. Nếu chỉ trích họ chỉ vì một số vấn đề nhỏ, vậy thì sau này mỗi khi tổ chức những hoạt động tương tự, họ sẽ không dám mạnh dạn làm hết mình."
Vì vậy, sau đó lãnh đạo đã thay thế những lời chỉ trích bằng sự động viên và khẳng định khả năng chuyên môn của các thành viên trong nhóm.
Các thành viên trong nhóm cũng chủ động phản ánh và tổng kết sự việc: phản hồi kém chứng tỏ sự chuẩn bị chưa đầy đủ, nếu lần sau tránh mắc lỗi tương tự, vậy thì chắc chắn sẽ làm tốt hơn. Chính nhờ lãnh đạo là người biết "khoan dung", không gây áp lực lên nhân viên, họ mới có đủ không gian để thể hiện bản thân.
Hầu hết những tài năng xuất sắc đều có những ý tưởng của riêng mình tại nơi làm việc, họ cũng sẽ ý thức được rằng kết quả công việc chính là trách nhiệm của bản thân.
Nhà khoa học hành vi, Lyman Porter, đã nói: "Luôn tập trung vào sai lầm của cấp dưới là sai lầm lớn nhất mà một nhà lãnh đạo có thể mắc phải". Sai lầm chưa bao giờ là điều làm giảm hiệu quả công việc, chính những lời buộc tội vô căn cứ mới là nguyên nhân.
Thiên tài là người biến những ý tưởng mới thành hiện thực, tài năng là người đề xuất đổi mới nhưng vẫn chưa thành công. Để so sánh, cái trước có rất ít, cái sau mới là "người xây dựng" mà doanh nghiệp nào cũng cần.
"Định luật Porter" trong quản lý cũng chỉ ra: Khi bị chỉ trích, nhân viên chỉ nhớ phần đầu tiên và bỏ qua phần còn lại vì họ quá bận nghĩ ra những lý lẽ để bác bỏ những lời chỉ trích ban đầu.
Nếu bạn lo lắng về sai lầm, kết quả sẽ phản tác dụng; nếu biết bao dung với sai lầm, bạn có thể đạt được kết quả gấp đôi chỉ với một nửa công sức.
02
Về tình trường, khắc chế
Đường Tăng có thể bình tĩnh trước rất nhiều người phụ nữ, nhưng cuộc gặp gỡ với quốc vương của Nữ nhi quốc lại là một kiếp nạn với ông. Một lòng hướng về Phật pháp, ông chỉ còn cách ép bản thân nhắm mắt làm ngơ trước lời tỏ tình của quốc vương Nữ nhi quốc. Tuy nhiên, nữ quốc vương lại nhìn thấu được sự lo lắng và né tránh của Đường Tăng:
"Tại sao lại nhắm chặt mắt? Tại sao lại không dám nhìn ta?"
Đường Tăng nhắm mắt lại đáp: "Ta đã nguyện theo Phật. Nếu có kiếp sau..."
Cuộc trò chuyện tuy ngắn gọn, nhưng cảm xúc lại là điều rất rõ ràng.
Có người nói: "Kẻ vô tình dường như lại là người có tình nhất".
Có những cảm xúc giống như một đống lửa nhảy múa, quá gần, chúng sẽ khiến ta bị bỏng, quá xa, chúng sẽ mất đi ý nghĩa.
Đàn ông bước vào tuổi trung niên nên biết kiềm chế cảm xúc của bản thân, biết trân trọng người bạn đời sẽ đi cùng mình đến hết cuộc đời, chỉ khi đó con đường cuộc sống mới trở nên tươi sáng hơn.
Rabindranath Tagore từng nói: "Tình yêu không phải là sự chiếm hữu hay bị chiếm hữu. Tình yêu là sự thỏa mãn trong tình yêu".
Đúng vậy. Thứ khiến con người ta đau đớn, trước giờ không phải là không có được, mà là không cam tâm.
Người yêu bạn sẽ chạy đến bên bạn, người bạn yêu thương sẽ tự cân nhắc lựa chọn của mình. Khi yêu, không cần xây lên một bức tường phong ấn trái tim mình, biết kiềm chế cũng là một loại bảo vệ.
03
Đối mặt với tiền bạc, bình tĩnh
Không biết bạn còn nhớ cảnh Trư Bát Giới ở Cao Lão Trang hay không?
Có người không tán đồng lòng tham của Trư Bát Giới, cũng có người khen ngợi Đường Tăng vì đã từ chối sự cám dỗ.
Để cảm ơn Đường Tăng đã giúp con gái mình, Cao Thái Công muốn tặng hai trăm lượng bạc làm lộ phí để thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh Phật.
Nhưng Đường Tăng từ chối và nói: "Chúng tôi là người nhà Phật, đi tới đâu chúng tôi xin đồ ăn tại đó, làm sao dám nhận vàng nhận bạc?"
Chỉ khi không bị tiền bạc cám dỗ, tâm mới có thể thực sự tĩnh lại.
Người bị tiền bạc ràng buộc sẽ lạc lối trong dục vọng.
Định luật Barledo trong kinh tế học phát biểu: Trên thế giới này, 80% dân số chia nhau 20% tài sản của thế giới; 80% tài sản còn lại nằm trong tay một số ít 20% dân số. Vì vậy, việc có sự chênh lệch về giàu nghèo giữa chúng ta và người khác cũng là điều bình thường. Điều chúng ta cần làm không phải là chú ý đến thành công của người khác mà phải chú ý đến sự trưởng thành của chính bản thân. Bằng cách này, bạn mới có thể giữ tâm trí bình tĩnh, không bị ảnh hưởng bởi lợi ích.
Đứng giữa thị trường tiền tệ, chỉ khi không bị ám ảnh bởi tiền bạc, luôn giữ được cái tâm đơn thuần ban đầu, bạn mới có thể tập trung, mới có thể bình tĩnh giải quyết mọi việc.
Khi đối mặt với lợi ích, thái độ của bạn đối với tiền bạc chính là thái độ của bạn với tư cách là một con người.
Thấy lợi mà quên chính nghĩa thường dẫn kết cục thảm bại. Với tất cả chúng ta, tiền, là tự do khi tâm tĩnh, nhưng sẽ là xiềng xích khi tâm loạn. Chỉ những người khôn ngoan và biết cách sử dụng tiền một cách hợp lý, mới là những người thực sự thông minh.
Có một câu nói rằng: "Cuộc sống trước tuổi trung niên là phép cộng, tràn đầy hy vọng; cuộc sống sau tuổi trung niên là phép trừ, là không ngừng trầm mình lại".
"Hướng ngoại" là câu chuyện của tuổi trẻ, bước vào tuổi trung niên, học cách "hướng nội" mới là bản lĩnh.
Nửa chặng đường cuộc đời, dù không phải trải qua 81 kiếp nạn của Đường Tăng nhưng chúng ta vẫn phải tìm ra ý nghĩa cuộc sống.
Có những trở ngại khó vượt qua, nhưng một khi vượt qua được, phía trước sẽ là một tương lai tươi sáng;
Có người khiến chúng ta khó quên, nhưng chỉ có buông tay mới tìm được đích đến;
Có một số việc rất khó thực hiện, nhưng chỉ khi đối mặt với chúng, bạn mới có thể thoát khỏi lo lắng.
Tháng ngày phía trước còn dài, mong cả bạn và tôi có thể tha thứ cho những sai lầm, rèn luyện cho bản thân chữ "tĩnh", tìm ra ánh sáng cho riêng mình.