Đường Tăng từng lập ra một tâm nguyện lớn: thấy chùa sẽ thắp hương, thấy Phật sẽ bái lạy, gặp tháp sẽ quét tháp.
Khi đi ngang qua chùa Kim Quang, bắt gặp các nhà sư bị đối xử bất công vì bị nghi ngờ đã lấy cắp một viên minh châu, Đường Tăng đã cầu nguyện một điều khi đứng trước cửa chùa, hy vọng có thể tìm được viên ngọc quý càng sớm càng tốt, rửa sạch nỗi oan cho các nhà sư.
Sau khi cầu nguyện, Đường Tăng và Tôn Ngộ Không, mỗi người cầm một cây chổi và đèn lưu ly, mở cửa tháp, quét từ tầng 1 đến tầng 12.
Chúng ta thường quét cầu thang từ trên xuống dưới, vì bụi rơi xuống, như vậy mới có thể quét sạch. Nhưng Đường Tam Tạng lại quét tháp từ dưới lên trên. Chi tiết này đúng với tiểu thuyết gốc và trong phim truyền hình cũng vậy. Đây không phải là một sai lầm, nó ẩn chứa một phương pháp tự tu hành của người Trung Quốc.
Xuất phát điểm của mỗi người đều như nhau
Mọi sự tu dưỡng không đến trong một sớm một chiều. Xuất phát điểm của mỗi người đều thấp, khi mới bắt đầu, chúng ta không biết, không hiểu rất nhiều điều. Điều này không có gì đáng xấu hổ, tất cả chúng ta đều như nhau, thừa nhận điều này mới là bước khởi đầu cho sự tiến bộ.
Vào cuối thời nhà Thanh tại Trung Quốc, Lý Hồng Chương là một nhân vật nổi bật trong triều đình. Nhưng, bản thân ông đã từng có những lúc không thể dậy được vào buổi sáng hay những lời nói không hoàn toàn thành thật. Lười biếng, kiêu ngạo và không thành thật. Dù có đi đâu, cũng không có ai sẵn lòng chấp nhận ông. Sau này, tại quân doanh của Tăng Quốc Phiên, ông dần dần bỏ được những tật xấu của mình.
Bản thân Tăng Quốc Phiên cũng từng chỉ là một cậu bé nhà quê. Sau khi vượt qua kỳ thi Tiến sỹ, trong đầu ông đều là việc thăng quan tiến chức và kiếm tiền. Mãi cho đến khi gặp người thầy Đường Giám của mình, cuộc đời ông mới bắt đầu đi đúng hướng. Không sợ xuất phát điểm thấp, chỉ sợ không chăm chỉ, nỗ lực.
Tháp có cao tới mấy cũng bắt đầu từ mặt đất, hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Chỉ cần bạn kiên trì, cát và đá cũng có thể chất thành núi cao, gạch ngói cũng có thể xây nên nhà cao tầng.
Tập trung vào thời điểm hiện tại
Khi quét tháp, Đường Tăng quét từ dưới lên trên. Vậy là bụi cứ rơi xuống, cứ quét xong thì lại bẩn. Người xưa nói: "Gấu ngựa bẻ cây, bẻ một cây vứt một cây", làm như vậy là lãng phí công sức. Nhưng Phật gia lại không nghĩ như vậy. Hiện tại có "tịnh", chỗ lập thân mới "tịnh".
Điều quan trọng nhất trong việc tu dưỡng bản thân là học cách tập trung vào thời điểm hiện tại.
Thiền sư Hữu Nguyên đến thăm Thiền sư Đại Châu Huệ Hải và xin lời khuyên về việc tu đạo. Ngài hỏi Thiền sư Huệ Hải: "Sư phụ, Người cũng tu Đạo phải không?"
Thiền sư Huệ Hải trả lời: "Hãy 'dụng công'!" (nỗ lực)
Thiền sư Hữu Nguyên lại hỏi: "Làm sao để 'dụng công'?"
Thiền sư Huệ Hải trả lời: "Đói thì ăn, buồn ngủ thì ngủ".
Thiền sư Hữu Nguyên có chút bối rối hỏi: "Nếu đây là dụng công, vậy chẳng phải mọi người đều có thể dụng công như Người sao?"
Thiền sư Huệ Hải nói: "Dĩ nhiên là khác!"
Thiền sư Hữu Nguyên lại hỏi: "Tại sao lại khác? Chẳng phải đều là ăn ngủ ư?"
Thiền sư Huệ Hải nói: "Hầu hết mọi người đều không ăn uống đàng hoàng, trong đầu luôn nghĩ ngợi linh tinh, khi ngủ cũng không ngủ ngon giấc, có đủ thứ ảo tưởng trong đầu. Ta tất nhiên là khác với họ".
Ăn là ăn, ngủ là ngủ. Ý nghĩa thực sự của việc tu hành là gạt bỏ những tạp niệm, tập trung vào thời điểm hiện tại. Tương lai không thể có được, quá khứ cũng không thể giữ lại. Tất cả những gì một người có thể nắm bắt được là thời điểm hiện tại.
Chỉ bằng cách làm tốt trong từng khoảnh khắc, chúng ta mới có thể hiểu được chân lý của cuộc sống. Nhiều người có thói quen làm nhiều việc cùng một lúc, làm việc này, nghĩ về việc kia, để rồi cuối cùng, họ chẳng đạt được kết quả gì.
Suy ngẫm về bản thân
Khi bước lên những bậc thang cao hơn và nhìn lại, bạn lại thấy những bậc thang phía sau lại bẩn thỉu. Nhưng điều đó không có nghĩa là trước đây bạn làm không tốt mà là bạn đã tiến bộ. Khi tiến bộ và nhìn lại, bạn sẽ thấy bản thân còn nhiều thiếu sót.
Một người khi nhìn lại quá khứ của mình và chỉ thấy mọi vinh quang, thuận lợi, điều đó có nghĩa là người đó đang trên đà tuột dốc.
Trong những năm cuối đời của Tăng Quốc Phiên (nhà Nho nổi tiếng của Trung Quốc), nhiều người cho rằng ông đã tu hành cả đời, vậy thì có lẽ đã cảm thấy rất hài lòng với bản thân, tuy nhiên, khi mở nhật ký của ông ra, họ vẫn bắt gặp rất nhiều những suy ngẫm và tự vấn về bản thân. Trách bản thân tại sao lại lười biếng, tại sao lại không làm hết sức mình? Cứ như vậy hàng chục năm.
Trên thực tế, bản thân ông đã làm tốt hơn nhiều so với nhiều người bình thường, nhưng ông vẫn luôn không cảm thấy hài lòng, không ngừng nỗ lực. Sống ở đời, chúng ta cần phải học cách nhìn lại, suy ngẫm và sửa mình để không ngừng cập nhật và tiến về phía trước.
Tu từ đời sống thường nhật
Vương Dương Minh từng có một học trò, vì bận bịu công việc nên không thể đến lớp nghe giảng bài. Vì vậy, người học trò đã đến gặp Vương Dương Minh để bày tỏ sự nuối tiếc của mình.
Vương Dương Minh nói: "Công việc cũng là một dạng tu hành."
Tu hành chân chính không có nghĩa là ngồi thiền hay phải ngồi rất nghiêm túc. Nó hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày, trong mỗi bữa ăn, trong công việc, trong cách ăn mặc và dọn dẹp. Nó không phải là thứ gì đó quá cao sang mà là những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, làm tốt những điều đó, cũng chính là bạn đang tu hành.
Trước khi Đường Tam Tạng quét tháp, ở đầu có đoạn mô tả: "Đêm đó, bầu trời đầy sao và cả ánh trăng, gió lạnh thổi qua bốn bức tường. Tắm xong, Tam Tạng mặc áo ống tay gọn gàng, chân đi một đôi giày nam mềm mại, tay cầm một cây chổi mới, nói với các vị hòa thượng: "Các vị có thể đi ngủ, bần tăng sẽ đi quét dọn tòa tháp."
Đường Tăng kỳ thực dọc đường đã quét rất nhiều tòa tháp, chuyện này với Đường Tăng mà nói chỉ là một việc hết sức bình thường. Nhưng ông vẫn luôn giữ một thái độ rất trang trọng, rất nghiêm túc và cũng vẫn rất tỉ mỉ. Đây là sự tu hành của một người.
Chuyên tâm và tận tâm làm mọi việc nhỏ nhặt trong cuộc sống cũng chính là tu tập. Nó cho thấy trách nhiệm với cuộc sống và cũng là thái độ tốt nhất đối với cuộc sống.
Có người từng nói: Cuộc sống là một cuộc tu hành. Là việc dù lớn hay nhỏ, khẩn cấp hay không, chúng ta đều có thể nhìn nhận nó một cách nghiêm túc, suy ngẫm về nó một cách nghiêm túc.
Đừng tiếc nuối vì sai lầm, đừng phàn nàn vì hối tiếc. Kiên trì tiến về phía trước.
Mong bạn không sợ xuất phát điểm thấp, có tâm hồn tĩnh tại, mỉm cười khi nhìn lại quá khứ, tu hành từ những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống.