Sau thế chiến II, Đức rơi vào “Thời khắc số 0 - Stunde Null”. Đất nước chia cắt, kinh tế kiệt quệ, gần 50% nhà cửa bị xóa sạch, nạn đói kéo dài, quốc gia đặt dưới quyền kiểm soát của Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô. Giữa tro tàn đổ nát đó, nguồn lực còn lại của Đức chính là con người. Từ sức mạnh của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và sự toàn kết sức mạnh dân tộc, Đức đã đạt được bước phát triển thần kỳ, vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ tư toàn cầu.
Cà phê – năng lượng tỉnh thức và sáng tạo
Con người là động lực cơ bản tạo nên sự thịnh vượng. Tuy nhiên, con đường đi đến sự thịnh vượng được rút ngắn, đạt bước nhảy vọt hay chậm tiến lại hoàn toàn phụ thuộc vào độ lớn của khát vọng, trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người. Nghịch cảnh “Thời khắc số 0” tưởng chừng là rào cản, nhưng trước khát vọng tái thiết “Nước Đức vượt lên trên tất cả mọi thứ, hơn bất kể điều gì trên thế giới” lại là cơ hội để đào luyện toàn diện tâm thức lẫn tâm thế một con người, làm giàu “vốn liếng” còn sót lại. Điều này đã tạo ra Chủ nghĩa Hoàn hảo và lối sống sáng tạo mỗi ngày mà người Đức luôn tuân thủ.
Chủ nghĩa Hoàn hảo chính là nỗ lực hơn 100% để tạo ra những sản phẩm tuyệt vời nhất, kỷ luật cao độ để đạt năng suất tối ưu, không bao giờ thỏa mãn với bản thân, luôn đặt mục tiêu lớn và hướng đến sự sáng tạo. Thực thi Chủ nghĩa Hoàn hảo, người Đức đã cần cà phê như nguồn năng lượng cấp thiết để luôn luôn sáng tạo, tỉnh thức, và dần dần Đức đã trở thành quốc gia cà phê (Kaffee-Nation).
Cà phê là thức uống được tiêu thụ nhiều nhất ở Đức. 86% người Đức trưởng thành uống cà phê mỗi ngày. Trung bình một người Đức uống đến 164 lít cà phê trong một năm, nhiều hơn cả uống nước (148 lít). Họ uống cà phê mọi lúc, mọi nơi, trong các cuộc họp, khi làm việc, gặp gỡ bạn bè và cả trong bữa ăn. Bởi chủ đề thường xuyên trong cuộc trò chuyện là các giao dịch, các ý tưởng mới. Cà phê là chất xúc tác đặc biệt để tư duy nhanh và đưa ra những quyết định đúng đắn.
51,6% công ty Đức cung cấp cà phê miễn phí cho nhân viên nhằm tạo nên sự tỉnh thức, tập trung kỷ luật tuyệt đối. Đó là lý do người Đức chỉ làm 35 giờ mỗi tuần, nhưng năng suất làm việc vượt trội so với các quốc gia khác. Dù dân số chỉ khoảng 83 triệu so với khoảng 331 triệu của Mỹ và 1,4 tỉ của Trung Quốc, nhưng Cộng hòa Liên bang Đức là một trong những quốc gia vô địch xuất khẩu thế giới. Hiện nay là nền kinh tế hàng đầu, có vai trò dẫn dắt kinh tế khối Liên minh Châu Âu.
Đức cũng là nơi khai sinh ra chiếc phễu lọc cà phê (coffee filter), một phát minh vào đầu thế kỷ 20, làm ảnh hưởng, thay đổi cách thức thưởng thức cà phê của nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Sách – sức mạnh của nền tảng tri thức
Sáng tạo, tỉnh thức là đòn bẩy phát triển kinh tế Đức, nhưng đạt bước nhảy vọt thần kỳ lại cần thiết phải có sức mạnh tri thức. Trên con đường đi đến sự thịnh vượng, tri thức là sức mạnh định hướng biến khát khao thành hành động, hoạch định đưa ý tưởng thành thực tiễn, kết nối các nguồn lực cùng nhau thực thi kế hoạch…
Cũng như uống cà phê, đọc sách, sống cùng sách là đặc trưng văn hóa Đức. Mỗi 6 giờ sinh hoạt, người Đức dành 65 phút đọc sách. Người Đức quan niệm, sách là di sản vượt thời gian, là công trình không chỉ của tác giả mà còn của cả tập thể xã hội. Vì vậy, đọc sách là cách thức tiếp cận tri thức nhân loại để làm giàu cho mỗi người và làm giàu cho quốc gia.
Đức có hơn 11.000 thư viện công cộng phủ rộng từ thành thị đến nông thôn. Trong từng gia đình, doanh nghiệp đều có tủ sách, thậm chí là tủ sách được đặt trên đường phố và những buồng điện thoại công cộng để người dân có thể đọc mọi lúc. Mỗi năm, có khoảng 94.000 đầu sách được xuất bản hoặc tái bản.
Việc đọc sách ban đầu là học hỏi sự thành công của các nền văn minh, tìm hiểu các luận thuyết làm thay đổi thế giới. Và khi tri thức càng sâu rộng, năng lực tự thức tỉnh trong chiều sâu tâm hồn càng mạnh mẽ, càng tự giác về bổn phận của bản thân với vận mệnh tổ quốc.Tiếp đến là ứng dụng tri thức vào thực tiễn quốc gia nhờ năng lực sáng tạo. Tri thức nếu không ứng dụng thì vô nghĩa, ứng dụng một cách rập khuôn sẽ không tạo nên khác biệt tạo đà cho bước nhảy vọt, thậm chí nếu ứng dụng không phù hợp, phản khoa học lại càng nguy hại. Sáng tạo cần tri thức là sức mạnh định hướng và tổ chức tạo ra sản phẩm có giá trị. Tri thức cần sáng tạo để thúc đẩy sự tiến bộ trong mọi lĩnh vực hiểu biết. Trong sáng tạo và tri thức cần có khát vọng lớn để giải phóng năng lực tiềm ẩn, thôi thúc con người vượt lên mọi xuất phát điểm hướng tới những thành tựu vĩ đại hơn.
Khát vọng vĩ đại, sự tỉnh thức, sáng tạo và sức mạnh tri thức đã kiến tạo nên “tinh thần Đức” và những công dân theo đuổi Chủ nghĩa Hoàn hảo đưa đất nước từ tro tàn trỗi dậy thành cường quốc dẫn dắt, ảnh hưởng toàn cầu. Sau thế chiến II, Đức đạt bước nhảy vọt thần kỳ trong tăng trưởng nhờ các “siêu ý tưởng”. Đức là quốc gia sáng tạo mô hình “Kinh tế Thị trường Xã hội” - một chính sách độc đáo giải quyết vấn nạn xung khắc giữa các tầng lớp xã hội, đồng lòng vực dậy nền kinh tế đất nước. Những phát minh trong ngành công nghiệp hiện đại như: máy tính kỹ thuật số, ngôn ngữ lập trình, máy nghe nhạc MP3, kính hiển vi điện tử, tivi, máy ghi âm, xe ô tô… là đòn bẩy góp phần đưa Đức trở thành nền kinh tế đứng đầu châu Âu chỉ trong chưa đầy 2 thập kỷ. Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ với những đột phá trong lĩnh tự động hóa, Internet Vạn Vật (IoT), điện toán… Đức càng khẳng định vị thế là cường quốc sáng tạo. Năm 2019, Đức có 46.634 bằng sáng chế có giá trị. Đầu năm 2020, Bloomberg xếp hạng Đức là nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới.
Không chỉ riêng Đức, hơn 50 năm qua, thế giới đã trải qua giai đoạn tăng trưởng tái thiết và có gần 10% quốc gia đạt bước nhảy vọt. Đặc biệt, những quốc gia và vùng lãnh thổ có diện tích nhỏ bé, nghèo tài nguyên hoặc rơi vào nghịch cảnh “Thời khắc số 0” như Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, Tây Ban Nha… là những nước tạo nên hiện tượng phép màu kinh tế. Điểm chung rất đặc biệt của các quốc gia này chính là lượng tiêu thụ cà phê và tỷ lệ người dân đọc sách luôn đứng đầu thế giới.
Hiện nay những quốc gia tiêu thụ cà phê nhiều nhất toàn cầu và đọc sách nhiều nhất đều nằm trong nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới, phát triển nhất thế giới thuộc nhóm G7 hay nhóm G20. Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế hiện đại đã nhận định rằng sự thịnh vượng của các quốc gia đến từ năng lực sáng tạo và sự hiểu biết. Cà phê và sách đã đóng vai trò quan trọng trong con đường đi đến sự thịnh vượng của mỗi quốc gia, thành công của mỗi cá nhân. Trong khi cà phê là năng lượng cho não sáng tạo thì sách cung cấp nền tảng tri thức cần thiết cho sự hiểu biết đầy đủ, góp phần rút ngắn con đường đi đến giàu có, thành công và hạnh phúc đích thực cho mỗi người, thịnh vượng bền vững cho các quốc gia.
Đón đọc kỳ sau: Cà phê trong tiến trình thăng hoa âm nhạc của Johann Sebastian Bach.