Khát vọng kiến tạo sức mạnh quốc gia
Tây Ban Nha vốn là đế quốc đầu tiên được gọi là “đế quốc mặt trời không bao giờ lặn”, đạt tới thời kỳ siêu cường về quân sự, quyền lực chính trị và cực thịnh về kinh tế. Nhưng, đến giữa thế kỷ 17, Tây Ban Nha liên tiếp vướng vào cuộc nội chiến tranh ngôi quyền lực và mối đe dọa từ các cường quốc lân bang, vì thế Tây Ban Nha ngày càng suy yếu và mất dần vị thế.
Thế kỷ 18, Tây Ban Nha tiếp cận tư tưởng khai sáng (ở Tây Ban Nha còn được gọi là El Siglo de las Luces). Nhìn thấy sức mạnh của tri thức trong việc giải quyết các vấn nạn thời đại, chuyển hóa tư duy và sự vận động phát triển của các lĩnh vực trong đời sống, giới trí thức Tây Ban Nha nhanh chóng tham gia vào phong trào khai sáng với tham vọng sẽ đưa quốc gia trở lại vị thế đế chế toàn cầu. Hoàng gia ra lời kêu gọi “những người yêu nước” nghiên cứu thấu đáo các vương triều lớn mạnh đã tồn tại trong diễn trình lịch sử Tây Ban Nha, mở rộng ra thành tựu giáo dục, khoa học, kinh tế, chính trị… của các cường quốc đương thời để hiểu rõ bản chất con đường đạt được sự thịnh vượng.
Chính trong giai đoạn này, cà phê và hàng quán cà phê du nhập vào Tây Ban Nha đã trở thành trung tâm của phong trào Khai sáng, còn được gọi là “Trường đại học của cuộc sống - Universidad de la Vida”. Quán cà phê là nơi những con người “hiện đại và tiên phong” bàn luận về tư tưởng khai phóng, những sáng tạo thúc đẩy các yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh tổng thể của quốc gia.
Quán cà phê Fonda de San Sebastián quy tụ giới trí thức Madrid thuộc các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, triết học… cùng nhau khảo luận các định đề chủ nghĩa Tân Cổ Điển. Những buổi luận bàn này được xem là một trong những hoạt động quan trọng nhất của thế kỷ 18, góp phần truyền bá các giá trị đạo đức cao thượng. Tại Cádiz – thành phố tiên phong trong phong trào Khai sáng, sự phát triển của hàng quán cà phê được gọi là hiện tượng phi thường. Năm 1788, Cádiz có 35 quán cà phê, trở thành nơi gặp gỡ thường xuyên của giai cấp tư sản mới và trí thức tinh hoa. Những cuộc họp chính trị công khai tại quán cà phê đã có tác động đến sự kiện ban hành Hiến pháp đầu tiên ở Tây Ban Nha (vào năm 1812) và cuộc cách mạng dẫn đến nền cộng hòa Tây Ban Nha năm 1873.
Không bao lâu, Tây Ban Nha tiếp tục rơi vào cuộc xung đột với thuộc địa và đối đầu với Mỹ vào mùa xuân 1898. Thất bại sau trận chiến đã gây nên khủng hoảng đạo đức, chính trị và xã hội ở Tây Ban Nha. Trước thời thế đó, một nhóm trí thức “Generación del 98” được thành lập với những nhân vật tiêu biểu của thời đại như Ángel Ganivet, Pío Baroja, Miguel de Unamuno, Enrique de Mesa, Ramiro de Maeztu, Azorín, Valle-Inclán… “Generación del 98” nhận lãnh sứ mệnh khắc phục sự suy tàn và tái sinh Tây Ban Nha, hay nói rõ hơn là tìm kiếm con đường tái tạo quốc gia tương xứng với quá khứ vĩ đại của dân tộc thông qua việc đổi mới các giá trị sống.
Hàng quán cà phê tiếp tục đóng vai trò là trung tâm kết nối những tài danh văn nhân, nghệ sỹ, triết gia, nhà khoa học, chính trị gia… Quán cà phê Café de Fornos, Café de Madrid, Café Lyon, Café de Levante… là nơi tổ chức những cuộc hội họp của “Generación del 98”, khởi nguồn cho sự ra đời của các tác phẩm văn học, nghệ thuật cổ vũ xây dựng phẩm tính người Tây Ban Nha và lối sống đẳng cấp Tây Ban Nha – “Casta Íntima”.
“Generación del 98” cho rằng, đế chế suy tàn là do sự thờ ơ của con người trước hiện thực xã hội, vì vậy mỗi người cần thức tỉnh để trở thành một người Tây Ban Nha lý tưởng – mẫu mực trong tinh thần, trí tuệ sáng tạo, ý chí đấu tranh mạnh mẽ cho công lý và sự thật, và đó chính là sức mạnh tìm lại sự vĩ đại cho Tây Ban Nha.
Từ quốc gia thức tỉnh đến quốc gia thịnh vượng
Tây Ban Nha trong thế kỷ 20 vượt qua sự hỗn loạn chính trị, kinh tế và xã hội, tăng trưởng mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Lối sống của người Tây Ban Nha đã thay đổi sâu sắc, tư tưởng thời kỳ này là “thánh hóa cuộc sống”, được hiểu là sống và làm việc bằng tư duy vĩ đại trong từng khoảnh khắc. Nhờ vậy, giữa thế kỷ 20, Tây Ban Nha đạt được bước phát triển thần kỳ “El Milagro Español” – phép màu Tây Ban Nha. Tốc độ kinh tế tăng trưởng cao thứ hai trên thế giới, trở thành một trong những cường quốc kinh tế, chỉ số phát triển con người thăng hạng, văn hóa Tây Ban Nha phát triển ảnh hưởng đến toàn cầu…
Hàng quán cà phê Tây Ban Nha thế kỷ 18, 19 là nơi nhận thức thời đại thì trong thế kỷ 20 đã trở thành biểu tượng văn hóa của người Tây Ban Nha trong thời đại mới. Người Tây Ban Nha sáng tạo loại cà phê nóng có tên “Carajillo” đọc từ coraje nghĩa là “dũng cảm” và thường thưởng thức vào mỗi buổi sáng để khởi đầu ngày mới.
Cà phê cũng là thức uống chủ đạo trong ngày. Có đến 87% dân số Tây Ban Nha từ 18 đến 64 tuổi tiêu thụ cà phê hàng ngày, trung bình mỗi người dành hơn 230 giờ và uống 599 tách cà phê trong một năm. Người Tây Ban Nha xem cà phê là năng lượng kích hoạt lối sống năng động, sáng tạo để sẵn sàng vươn ra tranh đua cùng thế giới. Ngày nay, ngành công nghiệp sáng tạo (Creative Industries) của Tây Ban Nha đang bùng nổ mạnh mẽ, đứng thứ 5 tại châu Âu. 22% dân số Tây Ban Nha trở thành nguồn lực chủ chốt trong ngành, đặt biệt tập trung tại những thành phố có văn hóa thưởng thức cà phê phát triển mạnh như Madrid, Barcelona, Valencia… Chính nguồn nhân lực “ghiền cà phê” này đã góp phần làm thay đổi diện mạo quốc gia và nâng cao vị thế Tây Ban Nha trên trường quốc tế.
Hơn cả một thức uống, cà phê được người Tây Ban Nha xem như “Elixir del Significado de la Vida” – tiên dược về ý nghĩa của sự sống. Hàng quán cà phê cũng đã quy tụ thường nhật tập thể những con người có chí hướng lớn, xả thân cho đại cuộc tìm kiếm và tạo dựng một tương lai vĩ đại.
Đón đọc kỳ sau: Cà phê trong quá trình thức tỉnh sáng tạo của danh họa huyền thoại Picasso