Chúng ta vẫn thường dùng từ này cho những hành động của trẻ con bởi chúng không hiểu hệ quả của những việc mình làm, vậy còn người lớn chúng ta thì sao? Chúng ta có thực sự hiểu những điều mình làm không? Chúng ta có thực sự sống một cách trọn vẹn chưa, hay cũng giống như trẻ con, chúng ta nghịch đủ trò rồi để lại hậu quả và bỏ đi một cách vô trách nhiệm?
Càng nghĩ tôi càng cảm thấy thực ra mình không khác gì trẻ con, chỉ là mình lớn tuổi hơn chúng, nghịch những thứ có quy mô hơn và để lại hậu quả cũng lớn hơn.
Câu chuyện về cuộc hôn nhân đầy nước mắt của Á hậu Hàn Quốc mà truyền thông vừa đưa tin có lẽ khiến không chỉ tôi mà còn nhiều người khác thương cảm. Cô ấy bước vào cuộc hôn nhân cùng nhà tài phiệt bậc nhất Hàn Quốc với trái tim đầy ắp tình yêu, nhưng lại mang đầy vết thương lòng bước ra. Sống trong hào môn nhưng cô lại không được hạnh phúc. Cô chịu đựng những tuổi hờn nhà chồng gây ra cho đến khi bị đuổi ra khỏi nhà và bị tước quyền được gặp con. Cuối cùng, với mong ước để các con có thể nhìn thấy mẹ trên màn ảnh, cô một lần nữa đứng dậy, trải qua bao khó khăn gầy dựng lại sự nghiệp và trở thành bà hoàng của nền điện ảnh Hàn Quốc.
Nhiều người nói đây là cái giá cô ấy phải trả khi bước vào hào môn, số khác lại bảo do cô ấy nhẫn nhịn nên mới bị bức đến bước đường cùng, vài người bày tỏ đồng cảm và vui mừng vì cô ấy đã lấy lại vương miện của mình. Tôi cho rằng đây không lỗi tại ai, tất cả chỉ là sự lựa chọn. Cô ấy nhẫn nhịn bởi cô ấy lựa chọn gia đình.
Cô ấy cũng như chúng ta, luôn cố gắn kết mình với điều gì đó – gia đình, công việc hoặc một ai đó – và sẵn sàng nhẫn nhịn để giữ những mối gắn kết đó. Thế nhưng tại sao chúng ta không thể sống một mình? Tôi vẫn trăn trở câu hỏi này cho đến khi Krishnamurti cho tôi câu trả lời: vì chúng ta sợ – sợ phải đối diện với chính mình, hoặc đối diện với con người mà ta sẽ trở thành nếu ai đó rời bỏ ta.
Sự thật này có vẻ phũ phàng nhưng chỉ khi dám nhìn nhận nó, ta mới có thể thoát khỏi nó. Chúng ta từ bé đã bị cho vào khuôn khổ: phải thế nào mới được xã hội chấp nhận, phải có bao nhiêu bằng cấp mới có được công việc ổn định, phải đạt tiêu chuẩn thế nào mới xứng đáng là thành viên gia đình tài phiệt,… và chỉ có thể theo đó mà sống.
Đúng là nếu không có những truyền thống, quy tắc thì xã hội khó mà theo nề nếp, nhưng cũng chính chúng đang đẩy chúng ta vào lối mòn và từng bước hủy hoại những ý nghĩ và cảm xúc của riêng chúng ta, điển hình chính là cuộc hôn nhân danh giá của Á hậu Hàn Quốc.
Hãy can đảm xóa bỏ mọi quy định về việc ta “phải” làm hay “không được” làm. Điều đó không có nghĩa là ta trở nên phóng túng, mà là ta bắt đầu nhận biết về tâm trí đã từng ép buộc ta “phải” thế này và “không được” thế nọ. Hãy khiến tất cả những giáo điều, tín ngưỡng có thể tự cởi trói và tự thoát khỏi ràng buộc của bất kỳ hệ thống, niềm tin, hay tri thức đặc thù nào.
Có một cuộc đối thoại mà tác giả đưa ra khiến tôi rất ấn tượng và tôi nghĩ có lẽ nó cũng sẽ cho bạn vài suy nghĩ.
– “Tôi có thể hỏi điều này không? Người ta nên sống mỗi ngày như thế nào?”
– Sống như thể người đó chỉ còn tồn tại trên cõi đời này thêm một ngày hay một giờ nữa.
– “Tức là như thế nào?”
– Nếu chỉ còn một giờ để sống, bạn sẽ làm gì?
– “Tôi thực sự không biết.”