Nhạc sĩ vĩ đại bẽ bàng vì bị "thất sủng" sau một đêm
Trong một ga tàu điện ngầm ở Washington, một người đàn ông đã chơi sáu tác phẩm bằng một cây đàn violin trong khoảng 45 phút. Trên mặt đất, có một chiếc mũ để thả tiền trông chẳng khác gì một nghệ sĩ biểu diễn đường phố. Anh đã chơi những tác phẩm phức tạp nhất trên thế giới. Sử dụng cây vĩ cầm của mình một cách điêu luyện, anh cứ đắm chìm phô diễn tài năng với sáu tiểu phẩm của Fritz Kreisler, Bach, Franz Schubert, Jules Massenet, Manuel Ponce.
Không ai biết rằng người nghệ sĩ trong tàu điện ngầm này chính là Joshua Bell, một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất thế giới. Chỉ hai ngày trước đó, Joshua Bell đã biểu diễn tại một nhà hát ở Boston. Tất cả vé đã được bán hết. Để nghe anh ấy chơi cùng một bản nhạc, mỗi người sẽ phải bỏ ra 200 đô la Mỹ.
Nhưng thực tế bẽ bàng lúc đó anh phải đối mặt là trong khoảng 2.000 người đã đi qua ga tàu điện ngầm này trong 45 phút biểu diễn của Josha Bell, anh chỉ được cho 32 đô la với vỏn vẹn 6 người nán lại thưởng thức trong vài khoảnh khắc rồi vội lướt đi, tầm 20 người vội vã đặt lại chút tiền mà còn chẳng quan tâm đến âm nhạc hay anh nghệ sĩ.
Thử nghiệm này có thể tạo ra rất nhiều tranh luận, nhưng có một điều đáng để suy nghĩ: hình ảnh, thanh danh quan trọng đến vậy sao! Cho dù Josha Bell có giỏi đến đâu, anh ấy có lẽ chỉ được tính phí cao hơn vài đô la so với những nhạc sĩ lang thang khác khi anh:
Không có dàn nhạc đệm. Không có sân khấu âm nhạc tráng lệ. Không có tuyên truyền hay đầu tư của công ty quản lý.
Tại sao Joshua Bell lại bị đối xử một cách khác biệt như vậy?
Có nhiều cách để giải thích, tuy nhiên, ta không thể không kể đến lí do được rút ra thông qua những kiến thức từ bộ sách “Thuật hùng biện” (Rhetoric) của Aristoteles từ hơn 2000 năm trước. Đây chính là nơi ông bàn về nguyên tắc của “tính thuyết phục”. Mỗi lập luận, mỗi buổi trình diễn, chiêu hàng kinh doanh, bài luận văn hay mỗi sự thể hiện ra ngoài, để chiều được lòng người, cần đến 3 yếu tố sau:
Trong số các phương thức thuyết phục được mang lại bởi lời nói, có ba loại. Loại thứ nhất dựa trên tính cách cá nhân của diễn giả; loại thứ hai dựa trên việc đưa khán giả vào một tâm thái nhất định; loại thứ ba dựa trên bằng chứng, hoặc bằng chứng rõ ràng, được đưa ra bởi chính những lời trong bài nói.
Ethos - Mọi thứ liên quan đến các đặc điểm bên trong của cá nhân bạn và mức độ đáng tin cậy, đáng tín nhiệm bạn thể hiện.
Pathos - Mọi thứ liên quan đến cảm xúc và hình ảnh bạn tạo ra trong tâm trí khán giả
Logos
1. Logos - Mọi thứ liên quan đến các lập luận logic được sử dụng trong bài nói.
Nếu xét đến bản nhạc mà Bell chơi, những kĩ thuật điêu luyện mà nghệ sỹ này thể hiện bên cạnh những đường ray tàu điện ngầm thì yếu tố logos ở đây đã vô cùng được đảm bảo. Từng nốt nhạc, giai điệu, từng nhấn nhá đều khớp hoàn toàn với bản gốc của những nhà soạn nhạc đại tài. Dù Joshua Bell có trình diễn sau một tấm màn để không ai nhìn thấy anh là ai, thì sự thật là anh chơi đúng vẫn không ai có thể chối cãi.
Rất nhiều người nổi tiếng, CEO và người giàu nhờ kiến thức, kinh nghiệm của mình thì dẫu cho có phát ngôn ẩn danh vì lời nói của họ vẫn là có căn cứ, rõ ràng rành mạch, đặc biệt khi đi kèm dữ liệu chứng minh và được khoa học kiểm chứng.
Tuy nhiên, thứ vũ khí làm nên sự đáng tin cậy của những người này, khiến ai nghe họ nói cũng phải gật gù tán thưởng đồng thuận chính là ở 2 yếu tố sau đó.
Kiềng ba chân để mọi lập luận đều đáng tin và có sức ảnh hưởng.
2. Ethos
Ở điểm này thì Joshua Bell đành phải chào thua. Không có sân khấu hoa lệ, không có dàn nhạc đệm phía sau, cũng không có công ty hay cá nhân nào PR tuyên truyền về anh.
Trước đó, mọi khán giả đều đến nhà hát với một sự bảo chứng về “uy tín” ngay từ khi họ còn chưa nghe Joshua Bell trực tiếp. Thậm chí họ có thể không cần biết Joshua Bell là ai. Vì họ biết rằng cái giá của anh này trong một buổi hòa nhạc lên đến 200 đô la, ai cũng nói đây là “nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng” và đây là cây đàn Stratovarius trị giá 3,5 triệu USD.
Nhưng giờ đây, anh chỉ còn ở trong hình dáng của một nghệ sĩ lang thang vô danh, kéo một cây đàn nhãn hiệu nào đó, không biết đến từ đâu, tại sao lại biểu diễn ở đây và trình diễn bài gì, vả lại còn trình diễn miễn phí. Anh hoàn toàn không còn chút uy tín hay thanh danh nào về mình.
Những người có khả năng thuyết phục người khác nhờ yếu tố ethos thường sẽ là những nhân vật quan trọng trong lĩnh vực nào đó (giáo sư, bác sĩ, CEO,...) hoặc tỏ ra thông thạo các thuật ngữ của lĩnh vực. Sự chuyên gia, kinh nghiệm lão làng chính là lí do để nhiều người tin tưởng thậm chí vô điều kiện vào một lời khuyên nào đó của người khác, ví dụ như “nhà tôi ba đời chữa xương khớp”.....
Đó cũng là lí do tại sao dù bạn có livestream 1 tiếng và nói chuyện một cách đầy nhiệt huyết thì người khác cũng còn nghi ngờ và thậm chí không quan tâm. Nhưng hãy thử tưởng tượng xem nếu bạn là giám đốc một công ty nổi tiếng, một ca sĩ nhiều bản hit trong showbiz hay một người có khối tài sản hàng nghìn tỷ đô, xây nhà trên vũ trụ; thì từng lời nói của bạn sẽ hóa vàng bạc ngay tức khắc.
3. Pathos
Yếu tố pathos đánh vào sự đồng cảm, thương cảm. Nó tác động mạnh mẽ tới cảm xúc của khán giả thông qua việc sử dụng một số phương pháp như: phép ẩn dụ, so sánh, tuyên bố gây sốc với ngôn từ mạnh mẽ. Pathos có thể đánh vào nỗi sợ, vào niềm hy vọng, vào tưởng tượng, hay là viễn cảnh lạc quan...
Làm sao mà những người dân của một trong những thành phố xô bồ, bận rộn nhất trên thế giới như Washington DC, vào giờ cao điểm, ở nơi đông đúc ngột ngạt như sân ga, lại có đủ thời gian thể đồng cảm với tiếng nhạc du dương và tiếng lòng sâu thẳm của người nghệ sĩ ấy.
Do đó, mặc dù bạn có khuyên răn, nói đi nói lại với người khác rằng phải thức dậy sớm đi, phải ăn uống điều độ, phải đọc sách mỗi ngày thì bạn vẫn không thể thuyết phục được họ. Nhưng chỉ một vài câu nói ngắn như: "Muốn vượt tôi các bạn trẻ phải làm 14 tiếng và đọc 6 quyển sách" được một CEO thành công có kinh nghiệm điều hành vài cái công ty, đầu tư vào những thương vụ bạc tỷ nói ra là đã được hàng triệu người like, share và rất nhiều trong số đó tán thành vô điều kiện, tìm đủ mọi lí do để tự thuyết phục mình rằng điều người này nói là đúng. Vì người này đã xây dựng được câu chuyện thương hiệu của cá nhân, quá trình khởi nghiệp, đầu tư, kinh doanh,... nên những con người có "cùng tần số" chắc chắn sẽ cảm thấy mình liên quan và dần dần tin tưởng nhiều hơn.
Tóm lại: 3 yếu tố Logos, Ethos và Pathos chính là lí do khiến ai cũng gật gù: "Người giàu nói gì chẳng đúng", hay "Nổi tiếng rồi nói gì chẳng hay". Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng được kiến thức về 3 yếu tố này để trở nên thuyết phục hơn, khiến mỗi lời bạn nói đều là vàng ngọc, được trân trọng và khắc sâu trong trí nhớ người khác.