Ngày càng có nhiều triệu phú và tỷ phú trên khắp hành tinh. Theo Oxfam, COVID-19 đã tạo ra 20 "tỷ phú đại dịch" mới ở khu vực châu Á. Còn theo The Guardian ngày 22/6/2021 dẫn báo cáo cho biết có tổng cộng 56,1 triệu người trên toàn cầu có tài sản hơn 1 triệu USD trong năm 2020. Con số này lần đầu tiên chiếm hơn 1% dân số thế giới khi tính theo số người trưởng thành trên thế giới.
Một số người có được của cải nhờ may mắn, nhưng phần nhiều là họ sở hữu ý chí để biết cách tích lũy lâu dài. Nếu không, tất cả của cải có được đều “đổ sông đổ biển” theo thời gian.
Chẳng hạn, nếu bất ngờ trúng số 1 tỷ, bạn sẽ làm gì đầu tiên?
Một nhân viên văn phòng có mức thu nhập khá, mỗi tháng đều tiêu hết đồng lương của mình cho biết: "Tôi sẽ bỏ ra 1 phần để khao bạn bè, gia đình và người thân, sau đó cũng tự thưởng cho bản thân nữa".
Một người khác làm việc tại công ty truyền thông thì cho rằng: "Nếu có trong tay một khoản tiền lớn như vậy thì chẳng dại gì mà không ăn chơi nhảy múa cho sướng. Do đó, tôi muốn dành 70% để đi du lịch, tới hết những nơi mình không thể đến và ăn hết những món chưa được ăn".
Nếu bất ngờ trúng số 1 tỷ, bạn sẽ làm gì đầu tiên? Ảnh: Freepik
Tuy nhiên, cũng có những người thì lập ra một kế hoạch tài chính rất cẩn thận. Họ phân bổ khoản tiền 1 tỷ ra những quỹ tài chính khác nhau, trong đó bao gồm tiết kiệm, bảo hiểm, đầu tư, chi tiêu và dự phòng khẩn cấp. Tỷ lệ để phân chia cũng được tính toán kỹ càng để đảm bảo tiền không "nằm chết" một chỗ hoặc lãng phí vào những khoản không cần thiết.
Tom Corley, một chuyên gia quản lý tài sản ở Hoa Kỳ, đã khẳng định rằng: Cách một người duy trì sự giàu có cũng quan trọng không kém cách mà họ trở nên giàu có.
Có thể thấy rằng, với mỗi một sự lựa chọn khác nhau, khoản tiền trúng số sẽ đi vào những hoạt động khác nhau. Có hoạt động khiến tiền ngày một ít đi, cũng có hoạt động giúp "tiền đẻ ra tiền".
Do đó, đôi khi chúng ta có thể may mắn thu hoạch một khoản tài chính khổng lồ, nhưng nếu thiếu đi ý chí để biết cách tích lũy lâu dài thì cũng có ngày mất hết.
Chuyên gia Tom Corley, đã dành 5 năm để nghiên cứu thói quen của 233 triệu phú tự thân để đúc kết về cách những người này trở nên giàu có và duy trì sự giàu có của họ sau khi giàu có. Ông đã phát hiện, tất cả đều có điểm chung này.
Cho dù sở hữu tài phú đủ để bốc đồng nhưng họ ít khi nào cho mình cơ hội mua sắm một cách bốc đồng. Phần lớn tài sản của họ luôn chảy vào các lĩnh vực đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và các cơ hội kinh doanh khác. Họ theo dõi dòng tiền một cách cẩn trọng, luôn nắm bắt chính xác nó được sử dụng ở đâu, đem tới tác dụng gì, cũng như kịp thời đưa ra quyết định điều chỉnh trong thời điểm quan trọng.
Vị chuyên gia cho rằng: "Đừng bao giờ đặt bản thân vào tình thế bốc đồng, hấp tấp. Những quyết định đó chỉ đem về những thứ mà bạn không thực sự cần thiết, lại không tạo ra bất cứ lợi ích nào".
Ý chí tích lũy lâu dài cũng giúp họ luôn kiểm soát cuộc sống của mình trong phạm vi "an toàn". Họ có thể mua một ngôi nhà có giá khiêm tốn ở một vị trí bình thường, nhờ vậy chỉ phải chi trả tiền thế chấp thấp hơn, thuế bất động sản thấp hơn, chi phí tiện ích thấp hơn, chi phí bảo trì nhà cửa thấp hơn... Một quyết định có thể dẫn tới phản ứng dây chuyền hàng loạt, giúp họ tiết kiệm rất nhiều chi phí không cần thiết.
Còn nếu thấy bản thân có tiền trong tay, để mặc cho lối sống leo thang thì sớm muộn bạn cũng rơi vào cái bẫy tài chính khắc nghiệt. Do đó, dù có ăn nên làm ra từ kinh doanh hay may mắn trúng một số tiền lớn, điều quan trọng là đừng nên thay đổi tiêu chuẩn sống ban đầu của mình.
Bên cạnh đó, chia sẻ về con đường làm giàu của những người này, Tom Corley cho biết: Bước đầu tiên là tập trung phát triển một kỹ năng và tạo thói quen tiếp thu kiến thức hàng ngày, cho đến khi bạn trở thành chuyên gia trong ít nhất một lĩnh vực nào đó.
Sau đó, xây dựng mối quan hệ với những chuyên gia khác trong lĩnh vực của mình, hoặc mở rộng ra đủ mọi lĩnh vực. Nâng cấp các mối quan hệ là cách để bạn không ngừng “thăng hoa” trong cả sự nghiệp và đời sống cá nhân.
Corley nhận thấy rằng, thay vì dựa vào một kỹ năng để kiếm tiền, những người giàu có tạo ra nhiều nguồn thu nhập. Trong số những triệu phú được khảo sát thì có tới 65% có ít nhất ba nguồn thu nhập.
Đa dạng nguồn thu nhập để tài chính bền vững hơn. Ảnh: Internet
Họ sử dụng chính kỹ năng, kiến thức và những mối quan hệ "cao cấp" để tìm hiểu về một số lĩnh vực nhất định. Sau khi đã am hiểu ở một mức nào đó, họ mới đưa ra quyết định đầu tư.
Giống như ý chí tích lũy lâu dài trong chi tiêu, họ cũng sở hữu sự bền bỉ trong quá trình tích lũy tài sản. Để tạo ra của cải phải mất một thời gian dài và bạn phải học cách kiên nhẫn. Có tới 70% người khảo sát trở thành triệu phú khi đã bước qua tuổi 50.
Họ cũng sở hữu cái nhìn tích cực về cuộc sống. Khoảng 3/4 trong số họ tin tưởng vào bản thân và luôn lạc quan trong nhiều tình huống. Thái độ sống tích cực này đã ảnh hưởng đến những người xung quanh, trở thành thỏi nam châm thu hút người khác.
Theo Businessweekly
https://cafef.vn/neu-bat-ngo-trung-so-1-ty-ban-se-lam-gi-dau-tien-muon-giau-co-mai-mai-thi-tuyet-doi-khong-quen-1-thu-thieu-sot-khien-tien-cua-deu-khong-canh-ma-bay-20220130170210454.chnNhịp sống kinh tế