Bây giờ bạn hãy thử hình dung việc mình phải huấn luyện một con khỉ đứng trên bệ đỡ ở công viên và tung hứng những ngọn đuốc đang cháy. Nếu màn trình diễn thành công, bạn sẽ kiếm được tiền. Nhưng trước đó, bạn cần phải quan tâm đến hai yếu tố. Một là huấn luyện chú khỉ. Hai là xây dựng bệ đỡ. Chú khỉ là đại diện cho trở ngại khó trị trên đường dẫn đến thành công. Còn bệ đỡ là mảnh ghép rất dễ xây dựng.
Cái khó ở đây chỉ có vấn đề huấn luyện chú khỉ tung hứng những ngọn đuốc đang cháy. Nếu bạn không thể huấn luyện được chú khỉ thì việc xây dựng bệ đỡ sẽ không còn ý nghĩa. Nói cách khác, trong một dự án, công việc hay quyết định nào đó, bạn cần phải xử lý phần khó khăn nhất của vấn đề trước. Đây được gọi là mô hình bệ đỡ và con khỉ.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, khi gặp phải một chú khỉ khó giải quyết, con người có xu hướng chuyển sự chú ý sang việc xây dựng bệ đỡ thay vì từ bỏ. Bởi lẽ, chúng ta thích ảo tưởng về sự tiến triển hơn là nhìn nhận sự thất bại của mình. Nhưng khi xây bệ đỡ cũng là lúc chúng ta đang tích lũy chi phí chìm khiến việc từ bỏ trở nên khó khăn hơn, dù cho sau này chúng ta phát hiện rằng mình không có khả năng huấn luyện chú khỉ.
Dự án tàu cao tốc California là một minh chứng rõ ràng cho việc này. Vào năm 2008, cử tri tiểu bang California thông qua việc phát hành 9 tỷ đô-la dưới hình thức trái phiếu để xây dựng một hệ thống tàu cao tốc nối hai thành phố Los Angeles và San Francisco. Người ta dự tính rằng tuyến tàu này sẽ hoàn thành vào năm 2020 với chi phí 33 tỷ đô-la và toàn bộ hệ thống sẽ tạo ra doanh thu hoạt động hằng năm là 1,3 tỷ đô-la vào năm 2020, lợi nhuận thặng dư sau hoạt động là 370 triệu đô-la. Nhìn qua, đây là một dự án đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải hai “chú khỉ” khổng lồ là đèo Pacheco và dãy Tehachapi. Việc xuyên qua dãy núi, vật lộn với những trở ngại về kỹ thuật địa chất và vượt qua một đứt gãy địa chấn đang hoạt động sẽ đòi hỏi một khoản chi phí khổng lồ cùng vô vàn khó khăn, thậm chí không biết chắc có thực hiện được hay không. Tuy nhiên, thay vì giải quyết chú khỉ chủ chốt này, Cơ quan Đường sắt Cao tốc California đã chuyển sang xây dựng thêm hai bệ đỡ nữa – đoạn đường ray nối liền Bakersfield và Merced và một đoạn nữa nối liền San Francisco và Thung lũng Silicon.
Hai khu vực này vốn đã có hệ thống giao thông đường bộ khá chằng chịt, do vậy, việc xây dựng phần này là chưa cần thiết, và tệ hơn nữa, cả hai thành phố đều nằm ở phía bắc Đèo Pacheco. Hành động này không chỉ làm tăng chi phí của dự án mà còn kéo dài thời gian khiến tuyến tàu cao tốc ấy ngày càng khó từ bỏ hơn.
Lúc này, chúng ta không chỉ đang tiêu tốn nguồn lực vào một thứ không còn giá trị mà còn hao phí nguồn lực cho những dự án khả thi hơn. Việc ưu tiên xử lý chú khỉ trước sẽ giúp bạn giảm được những mảnh vụn dồn ứ khi cố giải quyết một việc mà thực tế đã hoàn toàn ngã ngũ.
Nhìn chung, khi từ bỏ, chúng ta nghĩ rằng mình sẽ lãng phí công sức, thời gian, tiền bạc… mà trước đó đã đầu tư vào. Do vậy, bạn thường có xu hướng đi đường vòng, lựa chọn xây dựng những "bệ đỡ" để tiếp tục dự án. Tuy nhiên, nếu bạn có thể cắt giảm tổn thất sớm hơn, đó đã là một thắng lợi lớn.
Như Annie Duke đã viết trong cuốn sách “Từ bỏ”: “Nhận ra mình nên cất bước ra đi càng sớm thì bạn sẽ càng nhanh chóng chuyển sang một thứ khác tốt đẹp hơn. Và chuyển đổi càng sớm, bạn sẽ càng tiết kiệm được nhiều nguồn lực hơn, để có thể dồn sức cho những dự định khả quan hơn”.