Dù có gọi bằng cái tên gì thì Sài Gòn vẫn luôn nơi lưu giữ những ký ức - minh chứng cho một hòn ngọc quý rực rỡ, Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương.
Có lần trên một chuyến tàu về quê, tôi ngồi cạnh một bác trai gốc Sài Gòn. Sau vài câu chào xã giao thông thường, rồi bắt đầu bằng mấy câu chuyện lông gà lông vịt, chuyện thằng con trai nhà bác… sau đó trong tiếng tàu xập xình xập xình, có một đứa nhóc gen Z say sưa nghe kể chuyện xưa.
Tôi là dân tỉnh, bác người Sài Gòn gốc. Bác kể tôi nghe về 5 đại lộ cũ ở Sài Gòn, hủ tiếu gõ từ đâu mà ra, vì sao lại gọi là quận nhứt - quận nhì, vì sao gọi là hồ con Rùa mà không có rùa, rồi cả chuyện về chiêm tinh gia Huỳnh Liên… Vì trí nhớ không còn tốt, bác đôi lúc phải ngừng lại để nhớ chính xác vị trí của những quận số ngày xưa, nơi những con kênh cũ trồng đầy rau muống… Bác chỉ tôi nhiều thứ lắm, nhiều đến mức khiến tôi ngỡ ra một điều, những gì tôi biết về nơi này là quá ít. Hòn Ngọc Viễn Đông đâu chỉ là cái tên.
Sài Gòn cái tên nghe thân thương biết bao nhiêu. Sài Gòn mảnh đất trù phú, hào phóng, rộng lượng. Đây cũng là tên cuốn sách được viết bởi tác giả Cù Mai Công - một người “sống nơi đó, đã qua lại hàng vạn lần, đã “đằm” mình ở những nơi ấy suốt cuộc đời mình”.
Đến giờ tôi vẫn ước mình có thể đọc cuốn sách này sớm hơn. Bởi như thế tôi đã có thể nói chuyện với bác ấy được nhiều hơn. Không nhất thiết bạn phải là một người yêu thích các môn xã hội mới hứng thú với những câu chuyện lịch sử. Trí tưởng tượng cũng không cần TV màu, màn hình Led để gợi mở. Đôi khi chỉ cần có sự giao thoa giữa hai cá thể đại diện cho hai thế hệ cũ và mới thì câu chuyện đã trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.
“Gia Định là nhớ - Sài Gòn là thương” tuyển tập những bài viết của nhà báo Cù Mai Công về TPHCM trong hai thời kỳ. Nếu trong cuốn một, chủ yếu là những câu chuyện trước năm 1975, thì ở cuốn hai, mốc thời gian sẽ xa xôi hơn, đưa ta về với thời điểm thành Gia Định còn “rừng rậm, đầm lầy”. Cuốn sách dắt bạn đọc bước chân trên những đại lộ đầu tiên của Sài Gòn thời Pháp thuộc, dạo một vòng chợ Bến Thành, lúc mà vẫn còn hàng xe đò trước chợ hồi thập niên 1920. Thăm thú những ngôi nhà có kiến trúc kiểu “Sài Gòn tánh sao nhà vậy”, vốn là sự sáng tạo từng được các kiến trúc sư thế giới khen ngợi nhưng ngày nay đã bị lãng quên.
Những con đường thân quen tưởng như đã nằm lòng bàn tay bỗng nhuộm lên màu sắc lạ lẫm. Giống như được phát tấm vé du hành về lại quá khứ vậy, không phải là những tòa nhà cao chọc trời sừng sững, mà là những Dinh Norodom xưa, Dinh Xã Tây, Hotel de Ville hay Dinh Thống đốc Nam Kỳ qua lời kể lấp lánh chất liệu cuộc sống của tác giả, kích thích tột đỉnh sự tò mò, thích thú vô cùng cho người đọc như tôi.