Căn tính (identity) được hiểu là bản sắc của một người hay một vật thể. Mỗi người chúng ta đều có một bản sắc riêng được gọi là căn tính cá nhân (personal identity). Hay nói cách khác, căn tính là cách để phân biệt bạn với những người khác, là những đặc trưng để nhận diện bạn trong đám đông.
Khi nói đến căn tính, tất cả chúng ta đều muốn duy trì một hình ảnh tích cực. Chúng ta muốn tin rằng mình luôn nhất quán và sáng suốt, rằng mình không phạm sai lầm và niềm tin của mình về thế giới đều đúng đắn. Chúng ta cũng muốn người khác nhìn mình theo cùng cách đó. Chúng ta sợ rằng nếu người khác thấy những quyết định hoặc hành động trong hiện tại và quá khứ của mình không nhất quán, họ sẽ phán xét rằng chúng ta sai lầm, thiếu sáng suốt, thất thường hoặc dễ mắc lỗi.
Tuy nhiên, khát khao duy trì một hình ảnh tích cực cho bản thân cũng ảnh hưởng đến quyết định từ bỏ. Bởi khi từ bỏ một niềm tin cũng là lúc bạn thừa nhận mình đã phạm sai lầm. Chọn một phương hướng hành động rồi lại đổi ý tức là khi bạn đi từ “sắp thất bại” thành “đã thất bại”. Và bạn nghĩ, nếu đã thất bại thì chẳng phải là bạn đã phạm sai lầm ngay từ đầu sao?
Trong cuốn sách “Từ bỏ”, Annie Duke cho biết: “Khi căn tính của bạn là điều bạn làm, thì bạn sẽ rất khó từ bỏ việc mình đang làm, vì như vậy nghĩa là từ bỏ con người mình”.
Một trong những ví dụ điển hình cho điều này là câu chuyện thăng trầm của Sears, Roebuck and Co. (thường gọi tắt là Sears). Trong 30 năm hoạt động đầu tiên, công ty Sears chỉ bán hàng bằng catalog đặt hàng qua bưu điện. Thời điểm ấy, hai phần ba dân số Mỹ sống ở nông thôn và gần như không thể tiếp cận những sản phẩm sản xuất hàng loạt.
Nhờ có sự ra đời của cuốn Book of Bargains (tạm dịch: Cuốn sách về những món hời) đầu tiên, những người sống ở các thị trấn nhỏ và những trang trại tách biệt bỗng dưng có được cơ hội mua xe đạp, xe ngựa, quần áo, nội thất, nông cụ, máy may, thuốc men và dường như mọi thứ khác trên thế giới. Sears nhanh chóng trở thành một nhà bán hàng tiêu dùng qua đường bưu điện thành công phi thường và là công ty bán lẻ đầu tiên của Mỹ phát hành chứng khoán ra công chúng.
Sears tiếp tục phát triển thần tốc trong mười lăm năm tiếp theo, cho đến thập niên 1920 thì phải đối mặt với một số thách thức về mô hình kinh doanh của mình: khả năng di chuyển bằng ô tô, mức độ cạnh tranh lớn hơn, sự suy yếu của nông nghiệp và cuộc di cư về các thành phố. Sears đã ứng phó với những thách thức trên bằng cách chuyển từ hình thức bán hàng tiêu dùng bằng catalog sang các cửa hàng bán lẻ.
Cho đến năm 1929, Sears có hơn 300 cửa hàng bách hóa hoạt động. Trong thời Đại Khủng hoảng, công ty này thậm chí còn trở nên phát đạt hơn, với số địa điểm bán lẻ tăng gần gấp đôi. Sau Thế chiến thứ II, công ty tiếp tục tăng trưởng và mở rộng. Tính đến đầu thập niên 1970, Sears đã trở thành bộ mặt của văn hóa tiêu dùng tại nước Mỹ. Doanh thu hằng năm của công ty xấp xỉ 1% tổng sản lượng quốc gia. Cứ ba người Mỹ thì sẽ có hai người mua sắm tại các chi nhánh Sears trong thời gian ba tháng bất kỳ.
Sau này, khi sự đổi nhân khẩu học diễn ra và sự cạnh tranh ngày càng tăng, Sears một lần nữa phải đối mặt với khó khăn. Một mặt, sự bành trướng của các nhà bán lẻ giá rẻ (nhất là Walmart, Kmart và Target) đang dần gặm nhấm hình ảnh “nơi mua sắm tiết kiệm nhất” của Sears. Mặt khác, những người tiêu dùng khá giả lại dần bị thu hút bởi hình ảnh cao cấp của những cửa hàng mua sắm khác như Saks Fifth Avenue, Nordstrom, Macy’s và Neiman Marcus.
Sears đã nỗ lực giải quyết những khó khăn nổi cộm trong lĩnh vực bán lẻ của mình theo rất nhiều cách, nhưng không thể ngăn được sự tuột dốc không phanh. Sears không còn là nhà bán lẻ thành công nhất và cho đến đầu những năm 1990, Sears cũng mất danh hiệu nhà bán lẻ lớn nhất. Họ trở nên lỗi thời, yếu thế, phải đóng cửa nhiều chi nhánh bán lẻ, nhiều lần hứa hẹn sửa chữa hoặc nâng cấp các cửa hàng, thương vụ sáp nhập đầy thảm họa với Kmart vào năm 2005 (có ít nhất một tờ báo đã miêu tả nó là “một vụ tự sát kép”), vốn đầu tư bốc hơi, và cuối cùng là tuyên bố phá sản vào năm 2018 – một hệ quả mà nhiều người đã hình dung ra từ lâu.
Nhưng bên cạnh có một câu chuyện ít được biết đến hơn, đó là công ty dịch vụ tài chính của Sears. Trong quãng thời gian đầu kinh doanh, Sears đã mở bộ một bộ phận ngân hàng với hoạt động bán hàng cho khách bằng tín dụng. Vào năm 1931, khi cơ sở khách hàng của họ ngày càng có nhiều người sở hữu ô tô, Sears nhận ra tiềm năng của thị trường bán bảo hiểm ô tô cho khách quen của mình. Họ sáng lập Allstate, một công ty bảo hiểm với các sản phẩm ban đầu được giới thiệu qua catalog, và ba năm sau đó, là tại các điểm trong cửa hàng bán lẻ của Sears. Đến đầu thập niên 1990, Allstate, Dean Witter, Discover và Coldwell Banker đều là những công ty con thành công, có lợi nhuận và đang tăng trưởng của Sears ngay cả khi công ty bán lẻ đang xuống dốc.
Việc Sears nắm trong tay nhiều thương hiệu đáng thèm muốn như thế khiến ta tự hỏi: Làm thế nào họ có thể phá sản được chứ?
Hóa ra, thủ phạm chính là quyết định từ bỏ. Chính xác hơn là từ bỏ những thứ không nên bỏ. Khi phải lựa chọn nên bán tài sản nào và giữ tài sản nào, Sears đã tăng cường cam kết với hệ thống cửa hàng bán lẻ và hy sinh mọi tài sản khác để có tiền cho cuộc chiến đó.
Tại sao họ lại quyết định như thế?
Một phần nguyên do là vì mọi người thường chỉ biết đến Sears với tư cách là công ty bán lẻ. “Sears” và “bán lẻ” luôn đồng nghĩa. Bán lẻ chính là căn tính của họ. Họ nghĩ, nếu giữ lại mảng dịch vụ tài chính và đóng cửa hoặc bán công ty bán lẻ, thì theo một nghĩa nào đó, họ sẽ không còn là Sears, ít nhất không phải là Sears mà mọi người từng biết. Khi phải quyết định từ bỏ, điều đau đớn nhất là từ bỏ chính mình.
Có thể bạn không biết, mỗi người chúng ta đều nằm trong một “giáo phái” tôn thờ căn tính của mình. Chúng ta muốn căn tính của mình được giữ nguyên qua năm tháng. Vì niềm tin của chúng ta tạo nên nền tảng của căn tính đó, nên chúng ta cũng có động lực để giữ cho niềm tin đó vẹn nguyên. Tuy nhiên, từ trường hợp của Sears, chúng ta hiểu rằng cần phải thật thận trọng khi gắn căn tính của mình với bất kỳ điều gì ta tin tưởng. Đồng thời, bạn cũng đừng dễ dãi khi lựa chọn việc mình muốn tiếp tục theo đuổi. Bởi lẽ thành công chỉ đến khi ta kiên trì với những việc có ý nghĩa và từ bỏ hết mọi thứ khác để dành nguồn lực theo đuổi những mục tiêu đích thực.