Khi đó, con trai của anh bỗng lên cơn ho. Thằng bé càng lúc càng ho dữ dội hơn, rồi bỗng nhiên cổ họng của cậu bị nghẹt khiến cậu không thể thở được. Vị mục sư trẻ hoảng loạn gọi cấp cứu, nhưng cả anh và vị bác sĩ trực điện thoại đều biết cậu bé sẽ không thể chờ đến khi xe cấp cứu đến. Vì vậy, vị mục sư trẻ cúp máy và gọi đến những nơi khác để hỏi cùng một câu: “Anh có biết bác sĩ nào ở gần làng chúng ta không?”. Câu trả lời luôn là “Không”, nhưng vị mục sư vẫn gọi điện cầu cứu khắp nơi.
Con trai của anh đang hấp hối. Anh chợt nhớ đến lời Chúa mà anh thường giảng cho các giáo dân vào mỗi sáng Chủ Nhật. Thế là anh đặt điện thoại xuống và bắt đầu cầu nguyện.
“Lạy Chúa, xin cứu lấy con trai của con. Xin Ngài làm phép lạ và cứu sống thằng bé. Nhưng nếu đó không phải là ý của Ngài, chúng con cũng xin tạ ơn Ngài vì đã ban cho chúng con đứa trẻ quý giá này. Chúng con xin vâng theo mọi thánh ý Chúa.”
Bỗng điện thoại nhà anh đổ chuông, và câu đầu tiên mà người ở đầu dây bên kia nói là: “Tạ ơn Chúa, cuối cùng điện thoại của anh cũng hết bận! Tôi mới hay tin là ngay bây giờ, có một bác sĩ đang ở làng của anh đấy”. Nhưng dù nghe được những lời kỳ diệu ấy, vị mục sư cũng biết con trai mình khó qua khỏi, trừ khi bác sĩ có thể đến đây gần như ngay lập tức.
Người ở đầu dây bên kia nói tiếp: “Tôi không biết vị trí chính xác của ngôi nhà mà ông ấy đến khám bệnh, nhưng tôi có địa chỉ của ngôi nhà ấy”.
Vị mục sư cuống cuồng tìm giấy bút để ghi lại và ngỡ ngàng nhận ra đó chính là địa chỉ của nhà hàng xóm ngay bên cạnh. Vẫn chưa hết kinh ngạc, anh vội bế con chạy sang nhà hàng xóm, mở toang cánh cửa và hét lớn, “Mở khí quản!”. Trong tích tắc, vị bác sĩ tiến hành thủ thuật mở khí quản cho cậu bé.
Con trai của vị mục sư đã được cứu sống.
Phép mầu này xảy ra nhờ vị mục sư biết dừng lại để nhớ đến sức mạnh của lời cầu nguyện.