Thoắt cái đã 8 năm ở TPHCM với bao nhiêu kỉ niệm buồn vui. Nhiều bạn bè đại học năm ấy của tôi đã về quê, chọn công việc ổn định, sống bình yên bên gia đình. Tôi của những năm 18 tuổi cũng từng suy nghĩ như vậy!
Hồi ấy, thành phố này khiến tôi sợ đủ thứ. Sợ cảnh ở thuê, ở ghép trong căn phòng chật chội hơn 10m2. Sợ kẹt xe, bóp còi inh ỏi giờ cao điểm. Sợ mưa lớn ngập đường xá, xe cộ. Sợ cướp giật, móc túi… Thậm chí sợ cả việc mình gắn bó với ai đó, rồi phải bám trụ nơi đây, chọn Sài Gòn làm chốn nương thân lập nghiệp. Tỉ tỉ lý do khiến tôi chối từ thành phố này!
Vậy mà trong một lần trở về Hội An, tạm xa TPHCM dăm ba hôm, tôi lại nhớ những điều mà mình cho là tù túng, bức bối. Tôi thực tập ở Đài truyền hình thành phố, hứa hẹn công việc nhẹ nhàng, môi trường ổn định, nhưng điều gì đó khiến tôi vẫn thèm khát sự mới mẻ, náo nhiệt, năng động ở xứ Nam kỳ. Cuối cùng tôi trở về TPHCM! Và thành phố cũng đón nhận tôi nhẹ nhàng, thư thái như chưa bao giờ giận hờn tôi từng chối từ.
TPHCM là vậy! Nơi cho tôi những người bạn tốt, "người dưng" nghĩa tình, rộng lượng, hào sảng đến từng khuôn mặt nụ cười!
Đó là lần đầu tiên tôi chủ quan khi xe sắp hết xăng mà vẫn cố chạy về nhà. Đến đoạn Phan Xích Long (quận Bình Thạnh, TPHCM) xe tắt máy cái rụp. Điện thoại sập nguồn, xung quanh không có ai cầu cứu khiến tôi vừa bất lực, vừa xấu hổ chết đi được. Nhìn sang cửa hàng tạp hóa bên kia đường, tôi toan đẩy xe sang mua ít xăng lẻ và sạc nhờ điện thoại. Thế mà, cô chủ liền gọi anh nhân viên chở gas về, dặn dò đẩy hộ tôi đến cây xăng gần nhất.
Đến nơi, tôi mới biết bản thân không chỉ hết xăng, hết pin mà còn hết cả tiền mặt. Lúc anh chở gas còn hì hục đẩy xe, tôi đã ngần ngại quay sang hỏi: "Anh ơi! Cho em sang cây ATM được hông?". Nhìn khuôn mặt ái ngại của tôi, anh bật cười khúc khích, móc ra tờ 100 nghìn đồng: "Mạnh mẽ đổ xăng đi em, có tiền trả anh sau".
Xong xuôi, tôi chạy đi rút tiền, gửi lại trả anh 100 nghìn đồng cùng ít công đẩy xe nhưng anh nhất nhất không nhận. Đang nài nỉ thì anh đã phóng xe, chỉ kịp ngoái đầu nói to: "Anh tiện đường chở gas cho khách nên đẩy giùm thôi, hông tiền bạc gì hết trơn". Ấy vậy chứ sau lưng anh có bình gas nào đâu!
Lần thứ hai, tôi ghé vào hàng bánh mì ở Hai Bà Trưng, "não cá vàng" để quên điện thoại trong hộc xe. Mua xong ổ bánh mì, lật đật chạy ra thì chú bảo vệ gọi vào dặn dò: "Cẩn thận nghen! Gặp người khác là mất rồi con…", giọng chú ấm áp như giọng ba chỉ dạy con.
Lần thứ ba, một hôm trên đường chở lỉnh kỉnh đồ, tôi lỡ đánh rơi túi đồ có chứa điện thoại, ví tiền, thẻ ngân hàng,… ở đoạn Điện Biên Phủ (quận 3, TPHCM). Về đến quốc lộ 13, lục tung các túi tôi mới phát hiện mất đồ. Lòng vòng qua đoạn đường cũ với hi vọng nhỏ nhoi tìm thấy giấy tờ, nhưng đến lần 3 thì tôi đã tuyệt vọng, òa lên khóc.
Về nhà, trong lòng tôi vẫn nhen nhóm hy vọng ai đó nhặt được túi, tôi sẽ xin lại giấy tờ, điện thoại, tiền bạc còn hay mất không quan trọng. Mở máy tính lên, điện thoại vẫn đang bật định vị, không có dấu hiệu di chuyển hay tắt nguồn. Tôi lập tức gửi tin nhắn SOS, vậy mà 5 phút sau có một giọng trung niên gọi lại, hẹn sang tiệm hoa trên đường Mai Thị Lựu (quận 1, TPHCM).
Tôi lật đật chạy sang thì thấy chiếc túi vẫn nguyên vẹn, tiền, điện thoại, giấy tờ,… đủ cả. Chú buộc tôi đọc tên, số chứng minh thư rồi cười xuề xòa: "Nãy chú chở hoa đi sau thấy con rớt túi. Chú mới cầm lên đã có hai đứa thanh niên chạy tới nói của nó, chú bảo đọc số chứng minh đi thì tụi nó ú ớ, bỏ đi… Lần sau phải cẩn thận nghen con!".
8 năm ở TPHCM, không phải là chưa bao giờ tôi gặp chuyện xấu, nhưng chắc chỉ 1% xui xẻo trong 99% sự thiện lương, tốt bụng và bao dung. Ngay cả khi chia sẻ câu chuyện này với bạn, tôi vẫn vừa nhận được điều tử tế từ những người xa lạ.
Chiều rời công ty, tấp xe vào con chợ "cóc" bên đường, không có tiền mặt trong túi là chị bán rau đã hồ hở: "Mai mốt ghé đưa sau". Hôm khác nữa vào hàng cá, mình muốn con cá này mà chị chủ nhất định bán loại khác: "Cá này hông ngon mà mắc cưng ơi! Cưng ăn thử đi, hổng ngon ra mắng chị!"
Cái chốn thành phố hoa lệ này gì đâu mà cứ sơ hở là tốt bụng, giúp đỡ nhau vậy đó! Rồi từ cảm giác chối bỏ, khó chịu, tự nhiên tôi thương nó như thương nhà mình. Chú bảo vệ, chị giao hoa, cô hàng rau, bà hàng cá… những người tôi chưa kịp nhớ mặt, hỏi tên nhưng luôn là một phần ký ức tươi đẹp, để nhắc nhớ rằng thành phố mang tên Bác đã yêu thương, bao dung và chia sẻ với tôi như thế nào!
Nội dung: Phương Loan, Huy Hậu
Ảnh: Trần Đạt
Thiết kế: Đỗ Diệp.