Khi người Việt biết yêu thương chia sẻ đùm bọc nhau, thì mùa nào trong năm cũng có thể là mùa xuân, và tình yêu thương bất cứ lúc nào cũng có thể là đầu tiên cả.
Nhiều năm sau hòa bình, tôi mới được nghe ca khúc Mùa xuân đầu tiên của nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao (sáng tác năm 1976), nhưng những gì tôi cảm nhận được trong những ngày hòa bình đầu tiên ấy lại như trùng hợp với tư tưởng, hình ảnh, lời và nhạc trong ca khúc bất tử này của Văn Cao.
Cảm xúc đầu tiên của những người đi kháng chiến như chúng tôi khi mới về Sài Gòn là cảm xúc yêu thương và được yêu thương, chia sẻ và nhận lại niềm hạnh phúc rất chung mà rất riêng khi chúng tôi nhập cùng hàng vạn người dân Sài Gòn đổ ra đường phố mừng hòa bình, mừng đất nước từ nay thống nhất.
Đó là một cảm giác thật kỳ lạ, nó theo tôi cả ban ngày và ban đêm. Ban ngày, chúng tôi cùng bà con Sài Gòn tham gia các hoạt động giao lưu, thăm hỏi... Còn ban đêm, khi đã về ngôi nhà cơ quan tôi đóng ở đường Hồng Bàng, Q.5, mấy anh em chúng tôi lại lên ban công tầng 3 nhìn ngắm phố xá Sài Gòn hoạt động náo nhiệt với những dòng xe bật sáng đèn chạy như một dòng ánh sáng chảy bất tận.
Với tôi, đó là sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, dù tôi đã nhiều năm sống ở Hà Nội, nhưng Hà Nội chưa bao giờ có cảnh xe động cơ, xe gắn máy chạy như một dòng sáng kỳ ảo thế này.
Sài Gòn, cái vùng sáng mà những đêm băng qua đồng Tháp Mười, những đêm bám vùng ven lộ Bốn tôi đã nhìn thấy, nhìn một cách say mê với bao ước ao một ngày mình sẽ được chìm trong vùng sáng ấy, ngày hòa bình thống nhất, ngày “Cả dân tộc tụ về đường số Một”. Đó cũng là giấc mơ dang dở của cố nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân và của nhiều người lính cùng tuổi với tôi, những người lính Cụ Hồ đêm đêm luồn lách qua những hiểm nguy, dưới ánh pháo sáng nhập nhòe.
Nhưng khi đã ở Sài Gòn được dăm ngày, tôi lại nhận ra ngay, thành phố này không chỉ toàn ánh sáng. Còn rất nhiều góc khuất, nhiều con hẻm tối tăm, nhiều khu ổ chuột ven rạch Thị Nghè và đặc biệt, ở ngay Chợ Lớn, tôi đã tận mắt thấy những túp lều được dựng lên hoàn toàn bằng... các-tông từ các hộp đựng hàng. Rất nhiều gia đình nghèo sinh sống trong những "chiếc hộp giấy" ấy, cùng với con cái họ. Tôi và bạn tôi, nhà thơ Ngô Thế Oanh, đã đứng lặng trước những chiếc hộp kỳ lạ là “nhà” này và cảm thấy đau nhói. Đó là nỗi đau thực lòng của những người đi kháng chiến khi nhìn thấy những bà con nghèo ở Sài Gòn của mình sống trong cảnh cơ cực như vậy.
Thành phố mới thoát khỏi chiến tranh, còn biết bao cảnh đời cơ cực, bao nhiêu câu hỏi cần được trả lời, bao nhiêu vấn nạn cần giải pháp và giải đáp. Nhưng những ngày của tháng 5 năm 1975 ấy, thực sự chính quyền quân quản còn biết bao việc cấp thiết hơn, lớn lao hơn phải làm. Giữ vững an ninh cho thành phố, an toàn cho nhân dân là việc lớn đầu tiên. Cứu đói cho người nghèo là việc lớn phải làm ngay. Tổ chức cuộc sống cho nhân dân thành phố được bừng tỏa tất cả niềm hân hoan vì hòa bình thống nhất của mình, là việc lớn thứ ba.
Nhưng còn một điều nữa, lặng lẽ hơn, nhưng vô cùng thiết yếu, là chân thành kết nối để, như câu hát trong ca khúc của Văn Cao, rằng “Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người”. Điều lặng lẽ ấy, hóa ra, lại là điều lớn lao nhất cần phải làm. Đó là làm sao để toàn thể nhân dân cùng cảm thấy, nhân dân chính là “người thắng cuộc”. Điều này quả thật vô cùng khó khăn, nhưng không thể không làm.
Tướng Trần Văn Trà - Chủ tịch Ủy ban quân quản Sài Gòn đã nói với tướng Dương Văn Minh rằng: “Chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cùng thắng trong cuộc chiến này. Hòa bình và thống nhất là thành quả của cả dân tộc, của cả đất nước Việt Nam”.
Trong suốt 5 năm ở chiến trường Nam Bộ, tôi chuyên viết về chủ đề hòa giải và hòa hợp dân tộc cho hai đài phát thanh Giải phóng và Tiếng nói Việt Nam, chủ đề này như đã ngấm vào máu tôi, nên tôi tâm huyết với câu nói của Tướng Trà. Đó là vị tướng tài ba quê Quảng Ngãi, nhưng rất nhiều năm đã tham gia lãnh đạo lực lượng Giải phóng quân ở chiến trường Nam Bộ. Là người Quảng Ngãi, tôi có thể tự hào về một người đồng hương lớn lao và nhân ái như vậy.
Hai tháng đầu tiên sau hòa bình, TP.HCM an ninh được bảo đảm, nhân dân thanh thản và vui tươi đón hòa bình thống nhất, thì cách hành xử đầy nhân văn và luôn giữ kỷ cương của tướng Trần Văn Trà đóng góp một phần quan trọng. Tôi cứ nghĩ mãi, vì sao dọc bờ sông Trà lại là nơi sinh thành ba vị tướng tài ba và nhân ái, tướng Nguyễn Chánh, tướng Phạm Kiệt và tướng Trần Văn Trà. Chỉ một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm từ hàng nghìn năm mới sản sinh được những vị tướng tài ba như thế.
Và tôi nhớ ngay tới bài hát Về lại sông Trà của cố nhạc sĩ Vĩnh An. Đó là bài hát tôi nghĩ là một trong những bài hay nhất viết về Quảng Ngãi. Nó xuất phát từ nội tâm, phát triển từ nội tâm và lan tỏa cũng bằng nội tâm. Ai là người Quảng Ngãi, trong thời điểm những năm sau chiến tranh, nghe bài hát này đều rưng rưng thương quê mình. Cũng xin nói, nhạc sĩ Vĩnh An quê Bình Định, nhưng thời chống Pháp ông sống, làm việc và sáng tác tại Quảng Ngãi. Trước tập kết, ông có người vợ quê Quảng Ngãi và sông Trà là nỗi niềm tha thiết của nhạc sĩ trong suốt 21 năm tập kết.
“Từ đây người biết thương người” là như vậy. Còn “Từ đây người biết yêu người” là câu hỏi, đồng thời là câu trả lời của tất cả những người Việt Nam, sau bao năm tháng chiến tranh.