Ra mắt năm 1986, Nhóc Maruko (Tên tiếng Anh: Chibi Maruko-Chan ) là một bộ manga siêu nổi tiếng không chỉ ở quê nhà Nhật Bản mà còn ở Việt Nam. Những câu chuyện đời sống hằng ngày ngốc nghếch nhưng vô cùng đáng yêu của cô bé Maruko không chỉ vui vẻ, giải trí mà còn truyền tải không ít bài học nhẹ nhàng về gia đình, tình bạn, cuộc sống cho trẻ nhỏ.
Cho đến hiện nay, bộ truyện tranh Maruko vẫn được nhiều bậc phụ huynh và trẻ em yêu mến. Ai đó đã từng nói: "Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi xem Maruko và thấy bóng dáng mình trong đó. Khi tôi lớn lên, tôi xem Maruko và muốn nuôi dạy một cô con gái như vậy".
Cô bé Maruko thông minh và ngây thơ, và thỉnh thoảng cô công chúa nhỏ có thể nghĩ ra một loạt các câu nói như dát vàng dát ngọc. Và sự dí dỏm, dễ thương và ngoan ngoãn của Maruko không thể tách rời ra khỏi môi trường giáo dục của gia đình.
Tạo sao cha mẹ nên tạo cảm giác an toàn khi con lạc lối?
Mẹ của Maruko là một bà nội trợ "full time". Bà luôn nghĩ về Maruko và bất cứ khi nào Maruko buồn, mẹ của cô bé lập tức nhẹ nhàng động viên: "Dù có chuyện gì xảy ra, mẹ sẽ luôn đứng về phía con". Còn mỗi khi Maruko bối rối và lạc lối, cô bé đều nhận được sự ủng hộ từ ông nội: "Ngay cả khi mọi người trên thế giới không ủng hộ Maruko, ông vẫn sẽ là người thiên vị Maruko nhất nhất nhất".
Đó là một lời nói ấm áp mà bất cứ ai cũng muốn nghe.
Nhiều bậc cha mẹ có thể bỏ qua những biểu hiện yêu thường bằng lời nói. Tuy nhiên, đôi khi chính sự khuyến khích nồng nhiệt bằng ngôn từ như vậy có thể khiến trẻ nhận ra một cách sâu sắc rằng, các thành viên trong gia đình luôn là chỗ dựa mạnh mẽ nhất của chúng.
Tôn trọng mong ước của con và không ép buộc con phải tuân theo mong ước của cha mẹ
Vào Ngày của Mẹ, Maruko muốn nấu bữa tối cho mẹ và cô bé không cho phép mẹ vào bếp. Mẹ muốn vào bếp lấy rượu cho bố, nhưng Maruko không chịu nhượng bộ. Lúc này, mẹ không sử dụng uy quyền mà thích làm gì thì làm, thay vào đó mẹ nói: "Nếu mẹ không thể làm cùng Maruko thật sự rất cô đơn đấy".
Maruko đáp lại: "Cô đơn ư, vậy được rồi, mẹ vào đi".
Giáo dục ép buộc lâu dài có thể gây ra lo lắng hoặc trầm cảm cho trẻ em. Giáo dục tôn trọng và khoan dung không chỉ có lợi hơn cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em, mà còn giúp gia đình xây dựng mối quan hệ cha mẹ - con cái hài hòa.
Đối xử bình đẳng với con
Dù gia cảnh của Maruko không quá khá giả, nhưng bố mẹ cô bé không bao giờ che giấu tình hình kinh tế với con. Bố mẹ hay đùa với Maruko rằng: Tiền cần phải lưu thông, phải chi tiêu thì nó mới có thể lưu thông được.
Trong tình cảnh này, việc cho con một cuộc sống đầy đủ tình yêu thương và lòng tự trọng, cũng có thể khiến cho trẻ cảm nhận được sự ấm áp và niềm vui trong cuộc sống gia đình, cảm giác nhỏ nhưng đủ đầy trong cuộc sống thường nhật.
Đối xử công bằng với con cái là việc ngay cả khi hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn cũng không giấu diếm mà thành thật. Cũng chính vì thế mà Maruko không bao giờ cảm thấy tự ti về điều này, ngược lại cùng gia đình mình tích cực đối mặt với khó khăn.
Dạy trẻ quan tâm đến người khác và học cách chia sẻ
Mặc dù Maruko không có em, nhưng gia đình cô luôn hướng dẫn Maruko làm cách nào để chăm sóc người khác. Khi đi chơi ở ngoài công viên, khi em bé chộp lấy quả bóng của Maruko và nằng nặc đòi chơi, Maruko luôn hào phóng nói rằng điều đó không quan trọng và mình là "chị lớn" thì phải biết chia sẻ đồ chơi với em nhỏ hơn. Hay cô bé cũng có những cử chỉ ấm áp, thân tình với các em nhỏ, dù mình cũng nhỏ tí xíu.
Việc cha mẹ dạy con biết quan tâm đến người khác và học cách chia sẻ rất quan trọng, bởi vì đó không chỉ là những giá trị cốt lõi của một xã hội lành mạnh mà còn giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội và cảm xúc. Trẻ em học được cách thấu hiểu và tôn trọng cảm xúc của người khác, từ đó phát triển sự đồng cảm và lòng nhân ái. Những đức tính này không chỉ giúp trẻ hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng mà còn hỗ trợ trẻ trong việc xây dựng mối quan hệ bền vững và khả năng giải quyết xung đột một cách hiệu quả.
Cha mẹ có vai trò là tấm gương cho trẻ noi theo. Môi trường gia đình nơi trẻ được khuyến khích chia sẻ và quan tâm đến người khác sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho trẻ để phát triển những phẩm chất này. Qua việc quan sát và mô phỏng hành vi của cha mẹ, trẻ em học được giá trị của việc chia sẻ và quan tâm không chỉ trong gia đình mà còn ở trường học và các môi trường xã hội khác.
Tích cực hướng dẫn trẻ cùng nhau trải nghiệm sự phát triển
Maruko đi bộ thường xuyên vấp ngã, vì vậy cô bé đặc biệt ghét những thứ có góc cạnh. Thậm chí, cô bé còn cố gắng loại bỏ hết những thứ như vậy.
Đối mặt với vấn đề này, ông của Maruko chọn cách như hồi nhỏ, tức là giúp cháu mình loại bỏ hết các chướng ngại vật có thể cản trở cô bé trên đường đi. Tuy nhiên, cách này sau cùng đã thất bại.
Về phần mình, bà của Maruko lại chọn cách làm khác. Bà cho Maruko mặc những bộ quần áo bó sát người, để trách việc cô bé bị mắc quần áo vào những vật sắc nhọn. Ngoài ra, bà cùng Maruko còn thường xuyên luyện tập, dần dần Maruko đi lại không còn vấp váp nữa.
Từ việc ban đầu cố gắng thay đổi môi trường xung quanh (loại bỏ tất cả các vật thể có góc cạnh), đến việc chấp nhận môi trường xung quanh, và sau đó thông qua sự giúp đỡ của gia đình để thay đổi bản thân. Việc tích cực hướng dẫn trẻ cùng nhau trải nghiệm sự phát triển có tầm quan trọng lớn, vì nó giúp trẻ học cách đối mặt và giải quyết các thách thức một cách lành mạnh.
Quá trình này không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng xử lý vấn đề mà còn cung cấp cho trẻ cơ hội để học hỏi, phát triển nhận thức và xây dựng niềm tin vào chính mình. Khi trẻ được hướng dẫn một cách tích cực, trẻ sẽ tìm thấy sự hỗ trợ cần thiết để phát triển các kỹ năng quan trọng như tự chủ, tự tin và sự kiên nhẫn. Cha mẹ và người lớn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường an toàn và yêu thương, nơi trẻ có thể thử nghiệm và học hỏi từ mỗi trải nghiệm.
Tổng hợp