Lần đầu tiên tôi nghe thuật ngữ này, mặc dù rất thích và mê đồ gốm sứ. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, đã mang về rất nhiều món lưu niệm bằng gốm sứ. Ở Việt Nam, tôi cũng biết những địa danh, thương hiệu gốm sứ nổi tiếng: Bát Tràng, Chu Đậu, Đồng Nai, Minh Long… Vậy mà ít thấy gốm sứ phù điêu.
Lần này thì chúng hiển hiện ngay trước mắt. Những sản phẩm gốm sứ phù điêu với các pho tượng phật, thánh, thần, danh nhân, rồng, phượng, hoa lá... đều rất đẹp và tinh xảo. Tinh xảo tới từng chi tiết, nhưng rất mềm mại có hồn. Gốm mà như thật. Thật mà vẫn gốm sứ. Nước men nới kỳ lạ, đặc biệt, khác thường, độc đáo! Có lẽ đây là một trong những loại sản phẩm gốm sứ độc đáo nhất Việt Nam. Không thua bất kỳ các sản phẩm cùng loại nào của các cường quốc gốm sứ như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, một số nước châu Âu. Điều cuốn hút, mê hoặc tôi và bất kỳ du khách nào tới đây, tới xưởng gốm sứ phù điêu là bị chuyển từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, trầm trồ khen ngợi, thán phục. Nghệ nhân đã thổi hồn mình, tình yêu của mình, tâm huyết của mình, dồn công sức, trí tuệ bao tháng năm để tạo ra những tuyệt tác có một không hai.
Công nghệ do nghệ nhân tự mày mò, nghiên cứu, sáng chế, từ việc chọn nguyên vật liệu, tạo mẫu, chế men, tới công đoạn sấy ở nhiệt độ hơn ngàn độ (trên 1200 độ C). Làm thủ công, nhưng các sản phẩm ra lò với vô vàn chi tiết tinh xảo, cực khó, và không ít những pho tượng, bình hoa… quá to, quá cao, ngoại cỡ so với nghề nung gốm sứ, nhưng vẫn hoàn hảo, tuyệt vời, tuyệt mỹ.
Có lẽ điều ngạc nhiên nhất, khiến khách chiêm ngưỡng từ trạng thái quan chiêm say mê đến kinh ngạc, sửng sốt, tâm phục khẩu phục khi biết về nghệ nhân, tác giả của những tuyệt tác này, Đó là người con của vùng đất Kiến Thụy, thành phố biển Hải Phòng. Một nhà tu hành với hơn 28 năm xuất gia theo đạo Phật, phụng sự Tam bảo. Một phật tử, một đại đức trên đường giác ngộ và cứu rỗi. Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên, vâng, chính ông Tuyên là tác giả của gốm sứ phù điêu, là phật tử mà chúng ta đang nhắc, rất am hiểu, tinh thông giáo lý nhà Phật, đọc nhiều, hiểu biết nhiều về văn hóa Đông Tây kim cổ, các điển tích của những nền văn minh nhân loại. Chính điều đó, cộng với sự say mê, đam mê, sáng tạo, cần mẫn, với con mắt tinh tường, bộ óc năng động, không ngừng nghỉ và bàn tay như có phép màu, “bàn tay vàng", ông đã tạo nên hàng ngàn tác phẩm gốm sứ phù điêu đẹp, quý, vô giá kia.
Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo và nhiều người khắp nơi biết tới Đại đức - Nghệ nhân ưu tú Thích Chánh Tịnh - Phạm Văn Tuyên. Hàng ngàn sản phẩm gốm sứ phù điêu của ông đã được trưng bày, trang trí ở những vị trí trang trọng trong hàng trăm ngôi chùa, đình, đền, phủ và tư gia... Đó chính là sự khẳng định và tri ân NGƯỜI SÁNG TẠO, phát triển một nghề cổ truyền, một công nghệ, một trường phái GỐM SỨ PHÙ ĐIÊU đất Kiến Thụy, Hải Phòng; tạo thêm nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam.
Tin tưởng ngày nào đó những sản phẩm, tác phẩm gốm sứ phù điêu thuần Việt của Đại đức - Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên sẽ có mặt ở nhiều nước trên thế giới, phát triển vẻ đẹp bản sắc của nền văn hóa Việt trong thế giới phong phú và đa dạng.
Năm mới, xuân mới đang gõ những âm điệu vui tươi lên cánh cửa giao thừa, xin chúc Đại đức - Nghệ nhân Ưu tú Thích Chánh Tịnh - Phạm Văn Tuyên an lạc, hoan hỉ tinh tấn, thành công và hạnh phúc!
Chúc Đại đức - Nghệ nhân Ưu tú Thích Chánh Tịnh - Phạm Văn Tuyên tiếp tục sáng tạo thêm nhiều tác phẩm giá trị để đời, đồng thời tiến xa hơn nữa trong phụng sự Phật pháp và nghề gốm sứ phù điêu.
Ảnh: Những tác phẩm gốm sứ phù điêu của nghệ nhân, Đại đức - Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Tuyên
TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắk