Opera theo nghĩa nguyên gốc Latin là từ số nhiều của "opus" (tác phẩm). Điều đó hiển nhiên thể hiện Opera là một bộ môn nghệ thuật sân khấu tổng hợp gồm nhiều thành tố: kịch nghệ, âm nhạc, vũ đạo... chứ không chỉ riêng mỗi hát. Còn người Trung Quốc gọi Opera là ca kịch thì cũng thể hiện khá chuẩn với loại hình nghệ thuật này là ca và kịch tức là nghệ thuật sân khấu.
Thông thường, một vở Opera thường kéo dài vài tiếng được thể hiện bằng nghệ thuật hát là chủ đạo trên nền biểu diễn kịch. Điều này cũng khá giống những vở tuồng hay chèo ở nước ta.
Tuy nhiên, khi người Việt Nam nghe tới Opera là đã cảm thấy đây là một loại nghệ hình khó nuốt. Trước hết, không mấy người hiểu nội dung vở kịch ra sao mà chỉ thấy những giọng nữ vút cao, thậm chí với nhiều người là tiếng the thé âm tần cao nên 3 giây là tắt chuyển sang chương trình khác. Điều này cũng chẳng trách vì nếu khách nước ngoài mà nghe tuồng chèo của ta mà không được giải thích hay tự tìm hiểu trước thì cũng khó nuốt trôi một loại hình nghệ thuật xa lạ với họ.
Một cái khó khác để nghe và hiểu Opera là vì các nghệ sĩ sáng tác ra những vở kinh điển thường dùng tiếng Latin để đặt lời thoại. Chẳng cứ người Việt Nam mà ngay cả người châu Âu mà không hiểu tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, Pháp thì cũng khó đủ kiên nhẫn ngồi mấy tiếng nghe Opera bằng tiếng Latin.
Tuy nhiên, Opera vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả. Opera không chỉ là những vở kịch dài, mất thời gian như thưởng thức một bữa tiệc cung đình mà vẫn có trích đoạn dạng fast-food để phục vụ đông đảo công chúng.
Chúng ta có thể không nghe hết vở Carmen của Georges Bizet người Pháp hay La Traviata của Giuseppe Verdi người Ý nhưng ở vở Carmen thì có lẽ bạn đã nghe đâu đó ca khúc Habanera hay Toreador hay vở La Traviata thì dù nhiều chưa bao giờ nghe hết nhưng họ lại thích thú khi nghe Luciano Pavarotti hát bản Libiamo ne' lieti calici.
Trong ngày đầu năm mới, giới thiệu với độc giả bản Libiamo ne' lieti calici nổi tiếng trích từ La Traviata vì nó phù hợp với ngày đầu năm.
La Traviata là một vở opera ba màn của Guiseppe Verdi, lời của Francesco Maria Piave, nội dung dựa trên cuốn tiểu thuyết (Trà Hoa Nữ) của Alexandre Dumas. Tên "La Traviata" tạm dịch có nghĩa là Đãng phụ nhưng thực ra tác phẩm có nội dung ca ngợi một tình yêu bất chấp hoàn cảnh, địa vị xã hội và đề cao tinh thần hy sinh, vị tha.
Trong phần 1, khi nam chính và nữ chính gặp nhau trong bữa tiệc ở hoàn cảnh “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” thì nam chính đã hát bài Libiamo ne' lieti calici, tạm dịch là Cạn ly. Việc dịch lời ca khúc này sang văn xuôi có vẻ hơi khô khan nên đành tạm dịch qua thơ. Lời thơ cũng là lời chúc của Một Thế Giới dành cho các độc giả năm mới vui tươi và tình yêu
Cạn ly
Hãy vui uống những ly rượu ấm
Cùng say sưa ta ngắm khai hoa.
Dường như môi nhấp thoáng qua
Thêm niềm hưng phấn, tiếp đà say sưa
Hãy uống hết tình vừa nồng ngọt,
Mắt nhìn tim thánh thót tiếng yêu
Cạn ly, tình cũng phiêu diêu
Nụ hôn chất ngất, rực nhiều tình hơn
Cụng với nhau, tâm hồn chia sẻ
Khúc thời gian vui vẻ của tôi.
Cuộc đời có lúc quên đời
Thu đông xuân hạ, đâu thời chỉ tươi?
Hãy tận hưởng nụ cười chốc lát
Khúc hoan ca bát ngát tình yêu
Như hoa nở sớm, tàn chiều
Đâu tỏa hương mãi làm xiêu lòng người.
Hãy tận hưởng nụ cười rạng rỡ
Đôi môi ngọt chẳng nỡ rời xa.
Ngắm ly rượu lại ngân nga,
Thiên đường tráng lệ, tiếng ca, tiếng cười.