"Peer pressure" được hình thành trong suy nghĩ mỗi người
"Sao có thể vừa tròn 15 tuổi đã nhận được học bổng toàn phần của một trường cấp ba có tiếng của Mỹ nhỉ?"
"Sao mới 16 tuổi đã đạt được 8.5 IELTS?"
"Sao họ có thể giỏi như thế? Còn mình thì…"
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta từng có những suy nghĩ giống như vậy.
Việc nhìn thấy người khác có cuộc sống thú vị, thành công hơn mình vô tình khiến cá nhân đố kỵ và thôi thúc người trẻ phải bắt kịp những thành tựu ấy. Họ lấy thành công của người khác làm thước đo cho thành công của chính mình. Tuy "khó chịu" là thế nhưng cảm xúc này không nên bị ghét bỏ, mà đòi hỏi chúng ta phải đối diện để hiểu thêm về bản thân. Đó chính là áp lực đồng trang lứa (peer pressure).
Độ tuổi 20 chính là lúc hình thành và phát triển bản sắc cá nhân một cách mạnh mẽ nhất. Môi trường xung quanh cũng có sự thay đổi đáng kể khi ta tiếp xúc với nhiều người. Mỗi người tự do lựa chọn cho mình một con đường riêng, có người rất thành công nhưng cũng có người chỉ vừa chập chững bắt đầu, khó tránh khỏi sự tự ti kiểu "họ có kết quả này, thành tựu kia còn mình đến giờ không có gì hết".
Đáng nói, nhiều bạn trẻ tài giỏi, thường được ví là "con nhà người ta" cũng không thoát khỏi áp lực đồng trang lứa. Là sinh viên năm nhất ngành Quản trị Marketing Chất lượng cao của Đại học Kinh tế Quốc dân, có bằng IELTS 7.5, song Nguyễn Hồng Anh (Hà Nội) thẳng thắn thừa nhận bản thân từng chịu áp lực đồng trang lứa nặng nề trong một khoảng thời gian dài.
"Năm học cấp 2, mình học lớp chọn - gần như là giỏi nhất trường, vì các bạn trong lớp đã sớm đặt mục tiêu đi du học Châu Âu nên mình cũng đã áp đặt tư tưởng đó lên bản thân. Mình nghĩ rằng mình cũng phải được như các bạn mới được gọi là giỏi nên mình đã tự đặt cho mình rất nhiều mục tiêu, đều là những thứ quá sức với mình.
Mình dành 4 năm học để tự tạo áp lực cho bản thân, ép chính bản thân mình. Điều tồi tệ hơn nữa là người thân của mình cũng đặt nhiều áp lực, khiến mình luôn cảm thấy sợ hãi nếu mình thất bại. Chính vì điều này mà những ngày tháng học cấp 2 của mình không mấy vui vẻ. Tâm thế của mình khi đi học là luôn phải ganh đua với người khác, chạy đua để đuổi kịp họ, thậm chí là phải hơn.
May mắn thay, từ khi lên cấp 3, mình cũng đã đủ nhận thức về vấn đề này và đủ trưởng thành để vượt qua áp lực ấy. Vì vậy mà 3 năm cấp 3 của mình rất tuyệt vời, nhẹ nhàng hơn", Hồng Anh tâm sự.
Cũng theo Hồng Anh, áp lực đồng trang lứa ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt là đối với các bạn trẻ thế hệ Gen Z, áp lực đồng trang lứa đã trở thành nỗi ám ảnh. Hồng Anh cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, điều kiện học tập trở nên tốt hơn, việc xuất hiện các bạn trẻ giỏi giang như vậy là điều hết sức bình thường. Chính vì lí do như vậy, áp lực đồng trang lứa được hình thành.
Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ trong việc khuếch đại áp lực đồng trang lứa. Phần lớn người trẻ hiện nay dành rất nhiều thời gian trực tuyến, điều này tạo điều kiện cho chúng ta được liên tục cập nhật về cuộc sống của người khác thông qua mạng xã hội. Song việc nhìn thấy người khác có cuộc sống thú vị hơn mình vô tình khiến cá nhân tự ti, thậm chí là đố kỵ, thôi thúc họ phải bắt kịp những thành tựu ấy.
Đối với Hồng Anh, áp lực đồng trang lứa được hình thành trong suy nghĩ của con người, cảm thấy áp lực khi nhìn mọi người thành công. Nhưng đây chỉ là một suy nghĩ mà mọi tự tưởng tượng ra. Không có cách cụ thể để làm áp lực đó biến mất, mà chỉ được khắc phục bằng cách củng cố niềm tin và tập trung vào con đường mà bản thân chọn lựa.
Áp lực khi thấy bạn bè kiếm được nhiều tiền hơn
Nói về áp lực kiếm tiền, N.V.A (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Mình rất áp lực khi thấy bạn bè làm ra rất nhiều tiền, có cửa hàng riêng, mua được điện thoại và xe xịn…
Ngày trước, mình ám ảnh tiêu cực về tiền. Mình luôn có sự bất an về tài chính lớn, thường xuyên bị áp lực bởi việc tiêu tiền và kiếm tiền. Thời điểm chưa kiếm được việc làm, mỗi tối trước khi đi ngủ mình luôn nghĩ đến tiền và vấn đề tài chính. Những lúc như vậy, mình ghét chính bản thân, không phải vì chưa có khả năng làm ra tiền, mà là vì mình đang bị tiền tác động quá nhiều.
Đó là khoảng thời gian mình thường xuyên được mẹ nhắc nhở về việc kiếm tiền và luôn luôn so sánh mình với người khác. Mình cũng tự so sánh bản thân với bạn bè, khi chứng kiến nhiều người đã làm ra rất nhiều tiền, mua được xe, điện thoại xịn, mở cửa hàng kinh doanh riêng…", N.V.A bộc bạch.
Việc so sánh bản thân với người khác không chỉ xảy ra trong vấn đề thu nhập, mà còn ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Thói quen đó đã hình thành từ khi chúng ta còn bé, vì thường xuyên được nghe người lớn so sánh mình với người khác.
Là bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z, bước đầu chập chững khởi nghiệp, N.T.T.M (19 tuổi, Hà Nội) nhắn nhủ: "Thay vì cố gắng để hơn thua với người khác, chúng ta chỉ cần tập trung hoàn thành tốt hành trình riêng của mình. Và để làm tốt điều này, bạn cần quay lại bước một, xác định lại mục đích cá nhân, lên kế hoạch từng bước. Tiền là thứ quan trọng nhưng đừng vì tiền mà đánh mất đi sự vui vẻ và hạnh phúc của mình."
Thần chú vượt qua áp lực đồng trang lứa
Thứ nhất, hãy nhớ rằng "Mình là độc nhất!". Việc so sánh năng lực của bản thân với người khác là sự so sánh khập khiễng vì chúng ta không cùng điểm xuất phát, không cùng mục tiêu và ước mơ. Thước đo chính xác nhất là sự nỗ lực, chỉ có bản thân bạn mới biết mình cố gắng như thế nào. Thay vì sống trong sự tự ti, luôn đưa ra sự so sánh, chi bằng hãy cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Thứ hai, hãy là chính mình. Mỗi người có một lối sống, định hướng của riêng mình. Bạn chỉ áp lực với bản thân khi bạn không chịu phấn đấu mà thôi. Áp lực đồng trang lứa có đáng sợ hay không phụ thuộc vào cách bạn đón nhận và giải quyết nó.
Có một sự thật là không ai quan tâm tới suy nghĩ của bạn, mà chỉ bạn mới sống và chịu trách nhiệm với hành động của mình. Trải nghiệm là của ta, thực hiện bằng thời gian sống của ta. Tại sao ta phải đối chiếu với người khác, gắn nó cho người khác?
Cuối cùng, hãy học cách từ chối những điều bạn cảm thấy không thích, sàng lọc những mối quan hệ toxic (độc hại) trong cuộc sống. chọn lọc thông tin tiếp nhận trên mạng xã hội. Lí do là khi bạn tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực sẽ dễ dàng sinh ra tâm lý đố kỵ, ganh đua, tự gây áp lực lên bản thân mình.
Mai Linh