Kể từ sự phát triển rầm rộ của các phương tiện truyền thông xã hội, các nội dung truyền cảm hứng đã mang một ý nghĩa hoàn toàn mới. Những thiên thần nội y của Victoria's Secret ghi lại tỉ mỉ lịch tập luyện giữ dáng của mình, các cặp đôi bỏ việc để cùng nhau đi khắp thế giới, và các Youtuber bắt đầu chia sẻ từng bữa ăn trên kênh của mình. Và gần đây nhất là xu hướng #ThatGirl trên TikTok.
Để trở thành một "That Girl" trên TikTok các cô gái phải chú trọng hoàn thiện bản thân
Các "That Girl" sẽ dậy từ 5 đến 6 giờ sáng, tập thể dục, uống sinh tố và viết lịch trình trong ngày hoặc thiền định trước khi toàn bộ phần còn lại của thế giới thức dậy uống cafe. Cô sẽ mặc bộ quần áo hoàn hảo nhất được là ủi phẳng phiu và tự chuẩn bị cho mình bữa sáng vừa đẹp về phần hình ảnh lại vừa giàu chất dinh dưỡng.
Trào lưu "That Girl" đã lôi kéo ngày càng nhiều phụ nữ quay video lại lịch trình làm việc trong ngày của họ. Trào lưu này gây sốt nhờ Emily Mariko, một người sáng tạo nội dung. Cô thường chia sẻ công thức nấu các món ăn lành mạnh, cũng như các nội dung về lối sống thường ngày của mình.
Để trở thành một "That Girl" trên TikTok các cô gái cần phải hoàn thiện bản thân, chú trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần. Để thu hút sự chú ý, họ cần có tính thẩm mỹ tốt để biết cách sắp xếp một bàn làm việc ngăn nắp, sáng sủa, và trình bày một bữa sáng đẹp mắt.
Sara Elly, một người sáng tạo nội dung 19 tuổi sống ở Albuquerque, Mỹ đã bị hấp dẫn bởi tính tích cực của một cộng đồng những người muốn sống tốt hơn trong trào lưu "That Girl".
Olivia Eve Shabo, 21 tuổi, đến từ New Jersy cho biết: "Khi lần đầu tiên tôi thấy thuật toán TikTok của mình đã chuyển đổi thành nội dung về sức khỏe và lối sống, tôi thấy bớt tội lỗi hơn khi lướt mạng một cách vô thức. Tôi thích những clip ngắn khuyến khích tôi thức dậy sớm, đứng dậy, vận động hoặc hoàn thành công việc trong ngày của mình."
Đối với những người sáng tạo nội dung như Sara và Olivia, lối sống của "That Girl" giúp họ cân bằng giữa năng suất và khả năng tự chăm sóc bản thân. Mặc dù xu hướng này khuyến khích tính kỷ luật nhưng chắc chắn nó không ủng hộ cách tiếp cận cuộc sống kiểu "all work no pay" (chỉ làm, không chơi). Các cô gái của "That Girl" dành thời gian để sắp xếp lịch trình và thiền nhiều như thời gian làm việc.
Trong khi "That Girl" cho mọi người thêm một trải nghiệm độc đáo về mạng xã hội và các xu hướng mới thì một số người lại có trải nghiệm hoàn toàn ngược lại.
Phát hiện ra trào lưu "That Girl" vào đầu năm nay, Aimee 30 tuổi đến từ Swansea "vừa yêu, vừa ghét" xu hướng này.
"Khi lần đầu tiên nhìn thấy nó, tôi thấy cuộc sống của mình thật tệ hại. Tôi ngắm nhìn những người phụ nữ có cuộc sống hoàn hảo và ngăn nắp, tôi muốn mình trở thành một người trong số họ. Tôi cũng muốn trở thành "That Girl".
Aimee thừa nhận cô thấy nội dung của các video khiến cô thấy có động lực để phát triển bản thân. Nhưng đồng thời cô cũng thấy khó chịu vì nhận ra rằng những cô gái "That Girl" không tồn tại ngoài đời thực.
Vấn đề của trào lưu "That Girl" là nó đặt ra những tiêu chuẩn không thể đạt đến được. Không chỉ là tiêu chuẩn về nhan sắc mà còn là tiêu chuẩn về lối sống rất khó để theo đuổi trong một thời gian dài.
Michelle Scott, nhà trị liệu tâm lý và chuyên gia về rối loạn ăn uống, cho biết: "Mọi người thường xem những nội dung như thế này khi họ đang trong giai đoạn khó khăn và đang tìm kiếm câu trả lời cho sự bế tắc của mình. Điều này có thể tốt cho sức khỏe - như khi chúng ta nghe nhạc để tìm kết nối - nhưng nó sẽ trở nên tiêu cực khi chúng ta cảm thấy như mình đang thiếu một thứ gì đó trong cuộc sống của chính mình".
Scott chỉ ra rằng nhiều hoạt động mà xu hướng "That Girl" khuyến khích có thể là công cụ hữu ích cho những người đang vật lộn với sức khỏe tâm thần của họ, chẳng hạn như viết nhật ký và thiền định.
Cô cũng chỉ ra rằng quá nhiều các video "That Girl" không phù hợp với tất cả mọi người.
Lindy, 24 tuổi, đến từ Gloucestershine chia sẻ quan điểm của mình: "Tính thẩm mỹ quá mức trong các video khiến cuộc sống của tôi dường như trở nên bừa bãi và lộn xộn". Lindy cho biết các video "That Girl" rất dễ gây nghiện nhưng chúng khiến cô thấy mất tự tin vào giá trị bản thân. Điều này càng tệ hại hơn khi các thuật toán của TikTok liên tục khiến các video hiển thị trong các tìm kiếm của cô.
Scott nói: "Khi rơi vào tình trạng đau khổ về cảm xúc, bộ não của chúng ta sẽ tìm kiếm câu trả lời, ngay cả khi những câu trả lời đó không lành mạnh. Và ngay cả khi những câu trả lời đó không thực sự hiệu quả với, chúng vẫn có thể ngăn chúng ta tìm cách xử lý chấn thương".
Scott nói thêm rằng việc trở thành "That Girl" có nghĩa là tuân theo một phong cách thẩm mỹ cứng nhắc, thiếu sự đa dạng. Lola, 28 tuổi, đến từ London, cho biết: "Các "That Girl" giống như bức tường được phủ trắng, thể hiện cái nhìn một chiều". Cô nhanh chóng giải thoát mình ra khỏi xu hướng này vì cho rằng "That Girl" vẽ lên "một bức chân dung phi thực tế về sự phát triển cá nhân".
"Bạn cần tự hỏi bản thân bạn đang nhìn vào khía cạnh thẩm mỹ của các video hay nhìn vào ý nghĩa rộng hơn của các giá trị bản thân?", Scott nói thêm.
Alex, 20 tuổi, đến từ Manchester, ngay lập tức nhận thấy xu hướng "That Girl" liên quan đến chứng rối loạn ăn uống anh đã từng mắc phải. Anh nói: "Những video này thường liên quan đến việc giảm cân và phản đối sự lười biếng. Tôi không nghĩ rằng chúng khuyến khích việc ăn uống lành mạnh".
Scott đã làm việc với nhiều phụ nữ gặp vấn đề với chứng rối loạn ăn uống. Cô cho rằng các nội dung mà video "That Girl" đăng tải có thể có khả năng gây hại. Cô nói: "Mạng xã hội không tạo ra chứng rối loạn ăn uống nhưng nó cho chúng ta một hình mẫu chúng ta muốn trở thành khi không cảm thấy hài lòng về bản thân".
Hải Phong
Theo Glamour