North Shore Rescue (hay NSR), đội tìm kiếm và cứu hộ trên núi tình nguyện tại thành phố Vancouver (Canada), vừa cho biết đã giải cứu một người đi bộ đường dài bị mắc kẹt trên Núi Froome, nằm ở phía bắc thành phố này trong khu vực Thác Kennedy.
NSR đã tiếp cận với hiện trường bằng một đội trực thăng và dây thừng. Đội này có thể hạ xuống khu vực gần nơi người đi bộ đường dài bị mắc kẹt. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy người đi bộ đường dài, buộc anh vào dây an toàn và đưa xuống khu vực mà tất cả họ có thể được trực thăng kéo ra ngoài.
NSR cho biết trong một bài đăng trên Facebook: “Nói rõ hơn, khu vực được đề cập không có đường mòn và rất dốc với nhiều dải vách đá xuyên suốt. Trong những tuần trước, NSR đã thực sự đặt biển báo trong khu vực để cảnh báo về điều này. Khu vực đó rõ ràng là nguy hiểm vì nơi từng xảy ra một vụ tử vong trước đó”.
NSR cho biết đây là cuộc giải cứu thứ ba họ thực hiện trong khu vực, gồm cả một nhiệm vụ vào tháng 9. Trong trường hợp đó, người đi bộ đường dài đã gọi 911 để báo rằng anh bị mắc kẹt trên Núi Fromme và “anh cố gắng bám trụ nhưng không chắc mình có thể trụ được bao lâu”, NSR kể.
NSR viết trong bài đăng về cuộc giải cứu mới nhất rằng "đơn giản là không phù hợp để di chuyển trong vùng hoang dã bằng các chương trình bản đồ đường phố đô thị như Google Maps". NSR cho biết những người đi bộ đường dài sử dụng smartphone nên xem xét các ứng dụng được thiết kế dành riêng cho hoạt động ngoài trời, như CalTopo hoặc Gaia, và tải xuống bản đồ vùng hoang dã cho khu vực muốn đến trước khi khởi hành.
NSR cũng khuyên họ nên mang theo pin sạc dự phòng vì các ứng dụng điều hướng có thể tiêu hao nhiều pin smartphone.
“Chúng tôi luôn khuyên dùng bản đồ và la bàn giấy kiểu cũ”, NSR nhấn mạnh.
Không rõ tại sao con đường không tồn tại lại xuất hiện trên Google Maps. NSR đã liên hệ với Google để xóa dấu vết nhưng không nhận được phản hồi. Sau đó, NSR cho biết yêu cầu của họ đã được Google xử lý và con đường không tồn tại đã bị xóa.
Trong một tuyên bố với trang Insider, người phát ngôn Google xác nhận rằng đường mòn đã bị xóa, đồng thời nói thêm: "Chúng tôi sử dụng nhiều nguồn khác nhau để cập nhật Google Maps, bao gồm thông tin, hình ảnh và phản hồi của bên thứ ba từ cộng đồng của chúng tôi".
Đây không phải lần đầu Google Maps gặp vấn đề với việc chỉ đường.
Theo trang 9News, một gia đình ở vùng New South Wales (Úc) từng bị cho là mất tích và lạc giữa đồng không mông quạnh vì nghe theo Google Maps.
Nguyên nhân dẫn là Google Maps chỉ dẫn gia đình này rẽ từ đường lớn (đang tạm thời ngừng hoạt động) sang đường đất và khiến họ mắc kẹt sau đó ở nơi đồng không mông quạnh: Không sóng điện thoại, không internet và không bóng người.
Gia đình đó khẳng định "tưởng mình đã chết" vì sai lầm trên. Họ đã cố gắng đi bộ nhiều giờ để tìm kiếm người cứu giúp sau khi ô tô hết xăng, nhưng không thành công. May mắn là 1 lít nước có trên ô tô và một vũng nước gia đình này tìm thấy vừa đủ để giúp họ thoát hiểm.
Không như phần lớn các quốc gia trên thế giới, Úc có diện tích tự nhiên vô cùng lớn khi chiếm tới 40% tổng diện tích nước này. Ngoài các đô thị lớn và các thị trấn rải rác, cư dân tại các vùng tự nhiên của Úc là cực kỳ thưa thớt, thế nên việc lạc đường và mắc kẹt là vấn đề cực kỳ nguy hiểm.
Chưa hết, Google Maps còn bị kiện vì có liên quan đến cái chết của một tài xế. Ngày 30.9.2022, ông Philip Paxson (từng sống ở bang North Carolina, Mỹ) đã tử nạn sau khi rơi khỏi cầu sập khi đi theo chỉ dẫn từ Google Maps.
Rơi từ độ cao 6m trong chiếc Jeep Gladiator, Philip Paxson đã không qua khỏi. Vì vậy, gia đình của Philip Paxson đã đệ đơn kiện gã khổng lồ công nghệ Google, 2 doanh nghiệp khác cùng 1 cá nhân vì lỗi sơ suất.
Ảnh chụp hiện trường cho thấy cầu sập có dấu hiệu rất rõ ràng. Tuy nhiên, theo đơn kiện, Philip Paxson đã lái ô tô vào giữa đêm khuya mưa tầm tã rất khó quan sát.
Cảnh sát hiện trường cho biết cây cầu không có rào chắn, biển hay bất cứ điều gì khác để cảnh báo người qua lại. Cây cầu không được chính quyền địa phương chú ý bảo trì, còn công ty xây cầu đã giải thể.
Thực tế, cầu đã sập gần một thập kỷ trước, kể từ đó đều không thể đi qua. Thế nhưng, Google Maps vẫn ghi nhận là một con đường bình thường.
Luật sư của gia đình Philip Paxson cho biết nạn nhân không phải người duy nhất bị chỉ hướng đi sai qua cây cầu. Rất may là nhiều người đã kịp nhận ra, hoặc xảy ra tai nạn nhưng may mắn chỉ bị thương.
Nhiều người đã khiếu nại để Google cập nhật thông tin. Không rõ lý do vì sao Google không cập nhật Maps, ngoài việc gửi email nói sẽ xem xét. Cho đến khi chuyện thương tâm đến với Philip Paxson, vấn đề mới thực sự được chú ý.
Ngoài ra, nhà Philip Paxson còn kiện hai cá nhân khác được xác định là chủ sở hữu cây cầu.
“Các con của chúng tôi hỏi vì sao bố qua đời, tôi không biết nói sao để chúng có thể hiểu được. Tôi e là ngay cả đến khi chúng trưởng thành, tôi vẫn không thể hiểu được tại sao những người chịu trách nhiệm chỉ đường GPS và quản lý cây cầu lại có thể ít quan tâm đến sinh mạng con người như vậy", bà Alicia, vợ của Philip Paxson, nói với báo chí.
Người phát ngôn của Google trả lời hãng tin AP: “Chúng tôi cảm thông sâu sắc với gia đình Paxson. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp thông tin định tuyến chính xác trong Maps và đã xem xét vụ kiện này".
Nếu gia đình Philip Paxson giành chiến thắng, vụ kiện có thể ảnh hưởng đến cách Google và các công ty bản đồ khác xử lý cách cập nhật thông tin trong tương lai.