Lego là một công ty có truyền thống lâu đời về chế tạo đồ chơi. Trong vòng 15 năm tính từ năm 1978, cứ mỗi chu kỳ năm năm thì công ty này lại tăng trưởng gấp hai lần, và đến năm 1993 công ty đã thu về được khoản doanh thu lên đến một tỷ ba trăm triệu đô-la. Thế nhưng không đầy 10 năm sau đó, công ty này đứng bên bờ vực phá sản. Tại sao một doanh nghiệp từng thành công vượt trội và có dòng sản phẩm được nhiều người ưa thích bỗng dưng phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ?
Từ Ý tưởng Lego
Câu trả lời không phải là Lego không có khả năng cải tiến và đổi mới trong một thế giới không ngừng thay đổi, mà do đổi mới quá nhiều. Lego đã đa dạng hóa quá đà khi mua lại một công ty sản xuất “đồ chơi trí tuệ” ở California (Mỹ), mở công ty kinh doanh mạng ở New York (Mỹ) và xưởng thiết kế ở Milan (Ý). Nhưng điều đáng kinh ngạc không phải là sự tuột dốc, mà là cách Lego đảo ngược tình thế. Đến năm 2013, Lego đã trở thành nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới với tổng giá trị gần 15 tỷ đô-la, vượt mặt hai đối thủ cạnh tranh hàng đầu là Mattel và Hasbro.
Ngày nay, hàng loạt các bài nghiên cứu và phân tích đã được viết nhằm lý giải sự hồi sinh ngoạn mục của Lego, từ khi CEO Jorgen Vig Knudstorp nắm quyền điều hành công ty. Những nghiên cứu này tập trung phân tích rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố liên quan đến tài chính như kiểm soát nợ và dòng tiền, bán đi những phần không cần thiết đối với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Nhưng một trong những lý do chính, thường được đưa ra để giải thích sự đảo ngược tình thế ngoạn mục của Lego, là khả năng tận dụng sự ủng hộ của những khách hàng trung thành.
Doanh nghiệp này đã tận dụng mạng lưới xã hội được tạo nên từ chính những người đang sử dụng sản phẩm của mình, đó là sự ra đời của dự án Lego Ideas (Ý tưởng Lego). Thay vì để nhân viên phát triển những dòng sản phẩm mới, Lego nhờ khách hàng - những người sẽ mua sản phẩm tự suy nghĩ và đề xuất ý tưởng về sản phẩm mới. Hơn thế nữa, những khách hàng này giúp quảng bá sản phẩm mới trước cả khi sản phẩm đó được tung ra thị trường. Và đó chính xác là những gì Lego đã làm.
Bất kỳ ai cũng có thể đề xuất một “ý tưởng Lego”. Tất cả những gì bạn cần làm là tạo ra một mô hình, chụp một vài bức hình về mô hình đó, lập kế hoạch cho dự án của bạn và tải hình lên trang web của Lego. Điều kiện để ý tưởng của bạn được duyệt là trong vòng hai năm, ý tưởng đó phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất mười ngàn người. Lego đã tạo ra một công cụ có thể giúp họ xác định ý tưởng nào sẽ thành công và ý tưởng nào thì không.
Có những lúc cơ chế này vận hành hiệu quả đến mức Lego có thể ngay lập tức xác định sản phẩm nào sẽ là sản phẩm bán chạy trong tương lai. Một trong những lý do khiến Lego Ideas có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người hâm mộ là Lego dường như đã hiểu được bản chất của mối quan hệ tương hỗ giữa thương hiệu và khách hàng. Lego không chỉ ghi nhận ý tưởng của khách hàng rồi thương mại hóa ý tưởng đó, mà họ còn để khách hàng đã đóng góp ý tưởng được đồng hành cùng những nhà thiết kế chuyên nghiệp. Những khách hàng này sẽ được đề cập trong phần thông tin của sản phẩm sau cùng, thậm chí còn nhận được tiền tác quyền dựa trên doanh số của sản phẩm đó.
Đến vòng tròn cho – nhận
Có rất nhiều kỹ thuật đơn giản để bạn thấy được một cách rõ ràng và nhanh chóng về việc bạn có thể làm thế nào để tận dụng thành công mạng lưới xã hội của mình. Một trong những kỹ thuật thú vị nhất mà chúng tôi từng thử nghiệm được phát triển bởi nhà xã hội học Wayne Baker cùng Cheryl vợ của ông, sau đó được phổ biến bởi nhà khoa học hành vi Adam Grant. Kỹ thuật này được gọi là “vòng tròn cho-nhận”, được hình thành dựa trên một ý tưởng rất đơn giản. Chúng ta thường gắn bản thân với những mạng lưới xã hội có phạm vi kết nối lớn, cả ở nơi làm việc lẫn vui chơi.
Vòng tròn cho-nhận nghĩa là tất cả những người tham gia sẽ tập hợp thành một vòng tròn, và mỗi người trong vòng tròn đó sẽ được động viên để nói cho những người còn lại biết họ cần được hỗ trợ những gì. Ý tưởng của hoạt động này là để mỗi cá nhân thử nghĩ xem những người họ quen biết có thể giúp đỡ họ theo đuổi mục tiêu của mình như thế nào. Đây không phải là sự giúp đỡ trực tiếp, mà là khả năng kết nối với mạng lưới xã hội của bạn để có được sự giúp đỡ mà trước đó bạn không có.
Khi BIT tập hợp các thành viên trong nhóm thành một vòng tròn và động viên mọi người nói ra mong muốn được hỗ trợ của mình, có đến mười đề xuất trợ giúp cho mọi lĩnh vực khác nhau đã được đưa ra. Một đồng nghiệp đã khiến cả nhóm không khỏi ngạc nhiên khi tuyên bố anh muốn học lái máy bay. Liệu có bất kỳ ai trong vòng tròn có thể kết nối giúp người này không? Hóa ra có rất nhiều người trong BIT quen biết những người có thể giúp đỡ người đồng nghiệp này, từ một quan chức chính phủ từng được huấn luyện trong Không quân Hoàng gia Anh cho đến một phi công dân sự vừa được thăng chức. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mạng lưới xã hội của mình có phạm vi rộng lớn ra sao, và vì thế đừng ngại tận dụng mạng lưới đó để theo đuổi mục tiêu của mình.
Buổi thực hành vòng tròn cho-nhận của các thành viên BIT |
Sự phổ biến của các trang mạng xã hội trực tuyến như Facebook, Twitter hay Instagram trong thế kỷ 21 đã giúp chúng ta tận dụng mạng lưới xã hội của mình theo những cách mà trước đây chúng ta không nghĩ là khả thi. Giờ đây, thử thách mà chúng ta phải đối mặt không còn là làm thế nào để kết nối với mạng lưới xã hội của mình, mà là làm thế nào để các hoạt động kết nối đó có thể diễn ra suôn sẻ, từ đó giúp chúng ta đạt được mục tiêu của mình.