Một món đồ có đủ 3 kích cỡ lớn, vừa, nhỏ, nhưng đều giảm giá như nhau. Theo kinh nghiệm của nhân viên bán hàng, người bình thường sẽ mua loại lớn vì nghĩ sẽ tiết kiệm được tiền, còn người giàu thường mua loại phù hợp với nhu cầu bản thân.
Đây là ví dụ điển hình cho một kiểu tư duy nghèo nàn điển hình: "Chỉ biết tập trung tìm kiếm lợi ích, bỏ qua thứ quan trọng hơn là mục tiêu của bản thân".
Lại có trường hợp khác, một cặp vợ chồng mua nhà nhưng không đủ tiền đặt cọc. Họ quyết định vay mượn khắp nơi để mua bằng được ngôi nhà đó ở thời điểm hiện tại.
Cặp vợ chồng này ngay từ đầu đã vướng lỗi tư duy. Nguyên nhân không phải họ đủ tiền hay không, mà quan trọng là việc mua nhà thực sự cần thiết hay không. Kiểu tư duy nghèo nàn cũng thường xác định có làm được việc hay không, trong khi với người giàu họ đề cao mục tiêu của hành động.
Chính vì thế, nhiều người thường thích nghĩ rằng, “Nếu mình có tiền, mình sẽ…” Trong viễn cảnh mà họ tưởng tượng, đó là một tương lai đầu màu hồng, thành công và danh vọng đầy mình, tiền bạc và hạnh phúc đầy tay.
Trên thực tế, chưa chắc đã vậy. Nhiều người dù thực sự có tiền cũng chẳng thể thực sự trở thành người giàu. Họ chỉ đơn giản là “người có tiền” tạm thời mà thôi. Tiền bạc không phải nấc thang để một bước đổi đời, mà nhân tố quan trọng nhất ở đây là: Tư duy.
Sở hữu một tư duy nghèo nàn, dù cho có bạc tỷ trong tay, họ cũng chẳng thể leo lên nổi đỉnh cao. Cũng giống như con ếch ngồi dưới đáy giếng vậy, cả thế giới trong nhận thức của nó chỉ nhỏ bằng miệng giếng mà thôi.
Theo kết quả điều tra của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, trong 20 năm được khảo sát, tỷ lệ những người trúng giải nhất xổ số Mỹ phá sản trong vòng 5 năm lên tới 75%. Điều này khiến người ta hình thành suy nghĩ: Cho dù đột nhiên trở nên giàu có, rất nhiều người cuối cùng vẫn sẽ quay lại cuộc sống như trước đây, thậm chí còn tệ hơn thế.
“Con Nhà Giàu, Con Nhà Nghèo” (tên gốc: “Rich House, Poor House”) là một chương trình truyền hình của Anh. Tại đây, ban tổ chức đưa ra một thử thách: Để hai gia đình giàu và nghèo hoán đổi cuộc sống cho nhau trong vòng 1 tuần.
Khi đổi sang làm người nghèo, họ chỉ được tiêu trong 150 Bảng Anh (khoảng 4,7 triệu VND), còn ai đổi sang làm người giàu thì một tuần có 3.000 Bảng Anh (khoảng 94 triệu VND) để chi tiêu.
Gia đình nghèo sau khi được hoán đổi thì mừng vui không kể xiết. Việc đầu tiên họ làm chính là hưởng thụ, ăn chơi nhảy múa và tiêu xài vô độ. Còn người giàu đứng trước căn nhà nhỏ xiêu vẹo, ẩm thấp, thì vô cùng thất vọng, nhưng cũng nhanh chóng tìm cách thích nghi, bắt đầu làm việc và lên kế hoạch quản lý tài sản.
Kết quả sau một tuần, người nghèo đã tiêu sạch số tiền và quay lại cuộc sống nghèo khổ như trước, còn người giàu vẫn không ngừng thăng tiến và giàu có.
Sở dĩ có sự khác biệt rõ rệt ấy chính bởi sự khác nhau trong tư duy và suy nghĩ. Với người có tư duy giàu có, khi gặp bất cứ vấn đề gì, dù khó khăn đến đâu họ đều tin rằng bản thân sẽ làm được, đồng thời nghĩ cách giải quyết vấn đề. Họ sẽ không bao giờ “thỏa hiệp” với hiện tại, mà không ngừng tìm cách tự tay thay đổi số phận của bản thân.
Nếu không hiểu được những điều này, ngay cả khi tiền từ trên trời rơi xuống thì bạn cũng chẳng giữ nổi.
Tại sao rất khó thoát khỏi tư duy nghèo nàn?
Nhà kinh tế Mỹ Mullainathan và nhà tâm lý học Shaffir đã nghiên cứu suốt 10 năm để nhận ra rằng, lý do căn bản khiến một người không thể thoát khỏi tư duy nghèo nàn chính là: "Tâm lý khan hiếm". Bạn càng thiếu thứ gì, bạn sẽ lại càng thèm khát thứ đó. Càng thèm khát, bạn càng khó giữ được bình tĩnh và sự khôn ngoan.
Ông Mullainathan cho rằng: "Tầm nhìn của con người sẽ bị thu nhỏ lại do tâm lý khan hiếm, hình thành tầm nhìn hạn hẹp. Tức là chỉ có thể nhìn rõ một lượng nhỏ vật thể qua ống và bỏ qua mọi thứ bên ngoài".
Cũng có nghĩa là, thiếu sót sẽ hình thành nên sự "mù quáng có chọn lọc" của não bộ. Khi người nghèo có được số tiền lớn, họ sẽ chỉ nhìn thấy số tiền mà không thấy được giá trị được - mất hay những cơ hội tiềm tàng đằng sau nó.
Đồng thời, chính vì tâm lý khan hiếm, họ cũng lo sợ, bất an. Nếu có một ngọn núi trước mặt, người tư duy nghèo nàn sẽ nghĩ ngay đến những trở ngại, dễ buông xuôi. Khi được giao nhiệm vụ liên hệ với đối tác, họ sợ thất bại, sợ bị từ chối hoặc bị người khác xem thường. Một người nếu bị chi phối bởi những suy nghĩ tiêu cực, sẽ chẳng thể tiến bộ.
Và khi có tiền, họ cũng lo sợ có ngày mất hết. Điều đó khiến họ không dám đầu tư, buôn bán, sợ bị dối lừa, mất trắng, rồi lại rơi vào cảnh túng quẫn. Sự bất an cũng khiến họ lao vào tận hưởng, chi tiêu, trước khi không còn cơ hội để làm điều đó. Vô hình, chính những suy nghĩ đó khiến tiền bạc của họ “bốc hơi” nhanh hơn.
Giám đốc tập đoàn Eaton từng nói: "Lên sẵn kế hoạch, việc chúng ta làm ngày hôm nay chính là vì một ngày mai tốt đẹp hơn".
Giàu hay nghèo do chính bản thân tạo nên. Tương lai tươi sáng chỉ lựa chọn những người dám vượt qua khó khăn của ngày hôm nay. Càng là những kẻ nghèo khổ thì càng phải lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Nếu muốn thoát khỏi tư duy nghèo khổ, bạn bắt buộc phải có kế hoạch sống rõ ràng, từng bước tiến lên thực hiện mục tiêu của đời mình. Đừng mù quáng theo đuổi tiền tài, để rồi rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát.
*Nguồn: Toutiao