Võ công của 2 cao thủ Trương Vô Kỵ và Vô Danh thần tăng
Đối với những người mê các tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung thì câu hỏi "Ai là đệ nhất cao thủ võ lâm qua mọi thời đại?" thật khó trả lời. Mỗi một cao thủ trong truyện của ông đều gắn với một môn võ công. Chúng ta không thể không nhắc đến Cửu dương thần công của Trương Vô Kỵ, Hàng long thập bát chưởng của Hồng Thất công, Lục mạch thần kiếm của Đoàn gia, Dịch cân kinh của Vô Danh thần tăng…
Theo mô tả của Kim Dung trong Ỷ thiên đồ long ký, khi luyện thành Cửu dương thần công thì trong người học sẽ có được nội công hùng hậu vào loại bậc nhất mà không môn nào khác có thể vượt qua. Trương Vô Kỵ sau khi luyện thành Cửu dương thần công đã đẩy được toàn bộ hàn độc của Huyền Minh thần chưởng ra khỏi cơ thể. Và cũng nhờ nội lực thâm hậu của Cửu dương thần công mà Vô Kỵ học được nhiều tuyệt kỹ võ công thượng thừa và ngộ ra nhiều đạo lý thâm sâu trong võ học, trở thành một cao thủ có võ công và nội lực tuyệt đỉnh.
Vô Danh thần tăng theo miêu tả của Kim Dung là một nhân vật không hề có tên, ông chỉ là một nhà sư quét lá trong Thiếu Lâm tự. Trong mắt mọi người ở chùa, ông hết sức bình thường, không tu tập và không có thứ bậc. Trái với vẻ ngoài rất bình thường, ẩn bên trong ông lại là một thân tuyệt học với nội công không thấy đáy. Võ công của Vô danh thần tăng mạnh tới mức ông có thể làm được những việc mà không ai làm được. Chỉ với 1 chưởng đã đánh gục Mộ Dung Bác và thêm 1 chưởng khiến Tiêu Viễn Sơn hồn lìa khỏi xác. Sau đó, chính ông đã đưa họ trở lại nhân gian. Thậm chí, dù bị Kiều Phong dùng Hàng long thập bát chưởng đánh trúng, lão tăng này cũng chỉ bị đẩy lùi vài bước. Cưu Ma Trí dùng chưởng lực đánh lén liền đụng phải một bức tường khí vô hình chặn lại, chưởng lực liền tan biến. Như vậy, Vô Danh thần tăng có thể nói là người có võ công siêu phàm.
Ai mới là đệ nhất cao thủ võ lâm?
Ít ai biết rằng, cố nhà văn Kim Dung không cho rằng Trương Vô Kỵ với Cửu dương thần công hay Vô Danh thần tăng và Dịch cân kinh là mạnh nhất võ lâm. Theo lời của ông thì Thạch Phá Thiên với Thiên thái huyền kinh mới là cao thủ có sức mạnh kinh thiên động địa.
Hiệp khách hành là một tiểu thuyết võ hiệp có nội dung xoay quanh các cuộc phiêu lưu của Thạch Phá Thiên. Thạch Phá Thiên ban đầu có tên là Cẩu Tạp Chủng (chó lộn giống – tên do mẹ nuôi Mai Phương Cô gọi), sau đó được bang Trường Lạc gán cho cái tên là Thạch Phá Thiên. Phá Thiên có hình dáng bên ngoài giống hệt với anh của mình là Thạch Trung Ngọc nên vô tình bị vướng vào hàng loạt rắc rối, ân oán giang hồ do Thạch Trung Ngọc gây ra. Tuy nhiên, cũng nhờ sự hiểu lầm đó mà Thạch Phá Thiên học được võ công tuyệt thế như Thiên thái huyền kinh.
Thiên thái huyền kinh là môn thần công do một vị cổ nhân sáng tạo ra và khắc trên vách ở 24 gian thạch thất trên Hiệp khách đảo. Vị cao nhân đã gói gọn môn thần công của mình chỉ trong 24 câu thơ viết trong 24 gian thạch thất. Trong 24 gian thạch thất này thì mỗi gian lại là một môn võ công khác nhau, có gian thì dạy kiếm pháp, gian dạy nội công, gian dạy khinh công, chưởng pháp… ẩn chứa võ học tinh yếu cao thâm đến đáng sợ. Năm xưa có vô số cao thủ lên Hiệp khách đảo để cùng nghiên cứu và luyện tập Thiên thái huyền kinh nhưng tất cả đều thất bại.
Cho đến khi Thạch Phá Thiên xuất hiện, do không biết chữ nên khi chàng nhìn vào chữ nào là thấy nó chuyển động bay vào các khiếu huyệt trên người, và biến thành các thế võ và luyện theo mà cũng không biết là gì, vô tình đã luyện thành Thiên thái huyền kinh. Sau khi Thạch Phá Thiên học được môn võ này, tất cả các bức vách đều chấn động, đây là chi tiết rất ẩn ý mà Kim Dung đã lồng ghép vào truyện. Người luyện khí công có thể tiếp nhận năng lượng từ bên ngoài, theo như cách luyện của Thạch Phá Thiên thì chàng ta đã hút lượng sức mạnh vô tận từ đất trời. Như vậy, nội công của Thạch Phá Thiên có thể sánh ngang sức mạnh của thiên nhiên. Trong giới võ lâm, không ai có thể làm được như vậy.
Ngoài ra, trích từ một đoạn trong tiểu thuyết cho thấy tác giả viết rằng: "Tay phải của Thạch Phá Thiên cầm thanh kiếm vô hình, sử kiếm pháp Thập Bộ Sát Nhất Nhân. Tuy trong tay không có kiếm mà khí lạnh tràn khắp phòng."Cảnh giới mà Kim Dung mô tả này khiến các cao thủ dùng kiếm như Dương Quá, Độc Cô Cầu Bại khó thể sánh được. Kim Dung còn mô tả rằng bất luận là kiếm pháp hay chưởng pháp, nội công hay khinh công đều hòa hợp với nhau thành 1 khối, không còn có thể phân biệt được. Thạch Phá Thiên thực lực gặp mạnh càng mạnh, địch nhân công kích càng mạnh thì phản kích càng mạnh.
Từ đây, có thể thấy, Thạch Phá Thiên với Thiên thái huyền kinh mà tự nhận mình số 2 thì Trương Vô Kỵ và Vô Danh thần tăng không dám vỗ ngực nhận đứng nhất.