Trong cuộc sống, chẳng mấy ai có thể thấy vui vẻ khi phạm sai lầm. Chúng ta thường sợ sai, sợ bị người khác đánh giá dựa trên những sai lầm của mình. Điều này dẫn đến việc, chúng ta thường cố hết sức để không phạm lỗi, hay nói đúng hơn là trông thật "hoàn hảo". Thế nhưng, trên con đường phát triển lâu dài, chính chủ nghĩa hoàn hảo sẽ là một rào cản lớn ngăn bạn đạt được những thành tựu lớn lao hơn.
Ở một khía cạnh, những người cầu toàn sẽ rất xuất sắc trong việc giải quyết các vấn đề đơn giản và quen thuộc. Họ có thể đạt thành tích cao trong những bài kiểm tra trắc nghiệm, và các câu hỏi điền vào chỗ trống thì cho phép họ tuôn trào những thông tin đã học thuộc lòng. Thế nhưng, thế giới thực phức tạp và mơ hồ hơn nhiều. Một khi bạn rời khỏi cái kén của mình, sẽ có rất nhiều điều "trái mong đợi" có thể xảy ra.
Vì sợ hãi sự thất bại, ta thường sẽ có xu hướng trì hoãn hành động của mình và chờ đợi những thời điểm “lý tưởng” chẳng bao giờ đến. Điều này không chỉ tạo ra áp lực cho bản thân bạn mà còn khiến bạn dễ rơi vào tình trạng kiệt sức, mất động lực bởi lúc nào cũng cảm thấy bản thân mình không đủ tốt. Chủ nghĩa hoàn hảo cũng ngăn ta thử nghiệm và học hỏi từ những sai lầm - vốn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển và trưởng thành. Một kết quả tệ hơn của chủ nghĩa hoàn hảo là gây ra “tình trạng chậm phát triển” như giáo sư Adam Grant đã ví von trong cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng”:
“Nếu chủ nghĩa hoàn hảo là một loại thuốc, trên nhãn hiệu sẽ có dòng cảnh báo chúng ta về tác dụng phụ thường gặp. Cảnh báo: có thể gây ra tình trạng chậm phát triển. Chủ nghĩa hoàn hảo nhốt chúng ta vào vòng xoáy của tầm nhìn hạn chế và việc tránh mắc lỗi: nó ngăn cản ta nhìn thấy những vấn đề lớn hơn; đồng thời, còn hạn chế ta làm chủ các kỹ năng đang ngày càng bị thu hẹp”.
Một phân tích tổng hợp đã cho thấy mối tương quan trung bình giữa tính cầu toàn và hiệu suất trong công việc là bằng không. Khi nói đến việc hoàn thành nhiệm vụ, những người cầu toàn cũng không giỏi hơn những người đồng cấp bậc là bao. Đôi khi họ thậm chí còn làm tệ hơn. Những kỹ năng và thiên hướng đã giúp họ đạt đến đỉnh cao ở trường trung học hoặc đại học có thể không còn hữu ích cho họ sau khi tốt nghiệp.
Và hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng những người trở thành bậc thầy trong lĩnh vực họ theo đuổi thường bắt đầu với bảng điểm không hoàn hảo ở trường. Trong một nghiên cứu về các nhà điêu khắc đẳng cấp thế giới, người ta phát hiện hóa ra hầu hết họ đều là sinh viên trung bình. Hai phần ba trong số họ tốt nghiệp trung học với bảng điểm loại B và C. Một khuôn mẫu tương tự xuất hiện khi so sánh các kiến trúc sư có ảnh hưởng nhất nước Mỹ với các kiến trúc sư đồng trang lứa không mấy thành công trong quá trình phát triển ở lĩnh vực này. Các kiến trúc sư vĩ đại hiếm khi là sinh viên giỏi: họ thường tốt nghiệp đại học với điểm trung bình là B. Những đồng nghiệp cầu toàn của họ có thứ hạng sáng chói khi còn là sinh viên nhưng lại xây dựng nên những tòa nhà kém lấp lánh hơn nhiều.
Vậy phải làm sao để khắc phục điều này?
Trong “Biến tiềm năng thành tài năng”, Adam Grant gợi ý: “Nỗ lực hết sức mình là cách chữa trị sai lầm cho chủ nghĩa cầu toàn. Nó khiến mục tiêu trở thành thứ quá mơ hồ đến nỗi không thể phân bổ nỗ lực và đánh giá đà phát triển. Bạn không chắc mình đang hướng tới điều gì hoặc liệu mình có đạt được tiến bộ có giá trị hay không. Lối thoát lý tưởng cho chủ nghĩa hoàn hảo là một mục tiêu cụ thể và đầy thách thức. Nó khiến bạn tập trung vào những hành động quan trọng nhất và cho bạn biết khi nào thì đủ là đủ”.
Nhìn chung, để đi được những quãng đường xa, ta phải nhận ra rằng sự hoàn hảo chỉ là ảo ảnh – và cần học cách chấp nhận những điều không hoàn hảo. Chỉ có như thế, ta mới đạt được những thànhh tựu lớn lao hơn.