Con đường chuyển hóa - Chúng ta ngồi hàng giờ trên Facebook nhưng không có thời gian cho người ở bên mình

Quang Thanh30/11/2024 09:00
Con đường chuyển hóa - Chúng ta ngồi hàng giờ trên Facebook nhưng không có thời gian cho người ở bên mình

Chúng ta thường có thói quen đi rong, đi rong trong tâm thức của mình. Ngồi ở đây nhưng tâm trí ở chỗ khác. Rồi khi ở chỗ khác, mình lại lo nghĩ chuyện chỗ kia. Ít khi nào mình thật sự ở đây mà trọn vẹn biết ở đây.

Thói quen đi rong

Cho nên thân ở đâu, tâm ở đó là việc coi bộ hơi khó, vì thường thường thì thân mình ở đây mà tâm mình ở kia. Ví dụ, bây giờ mình ngồi chơi với một người bạn. Trong khi mình nói, người bạn đó không chú ý lắng nghe mà cứ nhìn ra cửa sổ, hay nhìn vô điện thoại. Chừng năm phút thôi là mình không muốn nói tiếp nữa rồi, vì mình cảm nhận người kia đang không thật sự ngồi đây với mình. Họ không muốn nghe mình thì tại sao mình lại phí thời gian nói chuyện với họ.

Thử hình dung một tình huống rất thường xảy ra trong cuộc sống: bạn trai của mình hẹn mình đi uống cà phê, nhưng khi đang ngồi với mình, ảnh không nhìn mình mà cứ nhìn vô màn hình điện thoại. Mình hỏi: “Anh đang nhìn gì vậy?”. “Anh đang nhìn hình em trong điện thoại.” Nghe vậy, mình cũng không biết nói sao. Người thật đang ngồi trước mặt thì không nhìn. Cho nên mình cần thực tập “thân đâu tâm đó”.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống của mình, có bao nhiêu thời gian trong ngày, chúng ta thật sự có mặt cho việc mình đang làm? Chính vì vậy mà chữ “thực tập” đang rất cần thiết với chúng ta trong cuộc sống hiện tại. Lý thuyết mà chúng ta học chỉ là một phần thôi, quan trọng là chúng ta phải biến lý thuyết đó thành việc thực tập hằng ngày, và đó mới là mục đích của đạo Phật.

Cho nên một người muốn có được hữu sư trí, nghĩa là trí tuệ có thầy dạy dỗ, phải trau dồi đủ ba bước: văn, tư, tu. Văn là nghe, tức là mình học hỏi thông qua người thầy và sách vở. Tư là suy nghĩ có nghĩa là mình tư duy, suy ngẫm, chiêm nghiệm. Tu là mình thực hành, thực tập những gì mình học và tư duy được, bằng cách tự nhìn lại, tự quán chiếu. Quán chiếu không có nghĩa là ngồi trên bồ đoàn nhắm mắt lại để quán chiếu, hay lấy một cái kính để soi chiếu, mà với mỗi sự việc xảy ra trong đời sống của mình, mình đều có khả năng nhìn lại.

Ví dụ, mình có thể tắt tivi trong khi đang ăn cơm không, hay mình mở tivi lên và vừa ăn vừa nghe nhạc, nghe cải lương, xem phim Trung Quốc, Hàn Quốc? Trong khi ăn cơm với người thân, mình không nên mở tivi, mà phải thật sự ăn cơm với người đó. Bởi vì biết đâu một ngày nào đó, mình sẽ không còn được ngồi ăn với họ nữa, mà chỉ nhìn thấy họ trên bàn thờ. Cho nên chúng ta phải có mặt với nhau trong mỗi giây phút hiện tại.

Bây giờ, quý vị nghĩ xem, một ngày mình có được bao nhiêu giờ có mặt với nhau? Gần như không có giờ nào. Đi làm một ngày hết tám tiếng rồi, và khi về đến nhà, mình nói “Mệt quá, tôi đi ngủ rồi một lát sẽ ăn sau”. Thế là người đó ăn một mình. Khi mình thức dậy ăn tối, người đó đã đi ngủ. Thành thử nhiều khi một ngày, hai ngày, thậm chí một tuần lễ không thấy mặt mũi nhau ra sao. Rồi khi gặp nhau, mình hỏi: “Ủa, sao lúc này chị xanh xao vậy?”, “Sao lúc này anh ốm vậy?”. Bởi vì chúng ta sống cùng nhà nhưng lại không thể có mặt cho nhau mỗi ngày.

Hoặc trong lúc ngồi ăn cơm với nhau, người xem tivi, người đọc tin tức. Thậm chí, mỗi người có một thế giới riêng là cái điện thoại, mạnh ai người nấy nhắn tin. Nhiều khi vừa chụp xong một tấm hình với nhau, mình lo đưa hình lên Facebook, rồi hai phút sau mình lại vô coi có ai khen chê gì không, có ai thả tim không, có ai tung bông không. Rồi khi có người bình luận “Trời, cơm ngon à nha, cho tui ăn với”, mình trả lời liền: “Mời qua đây, hì hì hì”.

Mình rất dễ “hì hì” với người ở trên Facebook, còn với người đối diện thì: “Ăn lẹ đi cho tui dọn”. Mình sẵn sàng ngồi hàng giờ với người ở trên Facebook nhưng lại không có thời gian cho người ở gần bên mình. Mình đâu có biết mình và người đó còn được bao nhiêu thời gian ở cạnh nhau.

Chính là ở đây và bây giờ

Có một ông vua nọ nghe nói ở trên núi có một vị hiền triết, thế là ông quyết định đi tìm. Khi lên tới nơi, vua thấy một đạo sĩ đang cuốc đất, bèn vái chào và nói: “Thưa ngài, tôi nghe nói ngài rất thông tuệ, và lời của ngài thường là chân lý. Vậy tôi xin hỏi ngài ba câu hỏi: “Người nào là người quan trọng nhất? Việc gì là việc quan trọng nhất? Và thời khắc nào là thời khắc quan trọng nhất trong đời người?”. Vị đạo sĩ không trả lời, tiếp tục cuốc đất. Đợi cho đến khi trời tối mà vẫn chưa nghe được câu trả lời, nhà vua quyết định quay về.

Trên đường đi xuống núi, vua bị một kẻ hành thích bắn một mũi tên. Mũi tên bắn không trúng, nhưng vì đã thấm mệt nên ông té xuống, ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, nhà vua mới biết rằng vị đạo sĩ đã cứu ông. Sau khi hồi phục, nhà vua cảm tạ và nói thêm: “Trẫm đây là vua”. Vị đạo sĩ nói: “Thưa, tôi biết. Khi cứu ngài, tôi đã biết ngài là hoàng đế”. “Trẫm đã đợi suốt một ngày hôm qua mà đạo sĩ vẫn không trả lời ba câu hỏi của trẫm. Sau đó, trẫm bị hành thích và ngất xỉu, cũng may được đạo sĩ cứu. Bây giờ, trước khi cáo biệt, đạo sĩ có thể trả lời ba câu hỏi của trẫm được không?”

Lúc đó, vị đạo sĩ mới nói: “Hoàng thượng là người quan trọng nhất. Cứu hoàng thượng trong lúc ngài gặp nạn là việc quan trọng nhất. Thời khắc tôi nhận ra hoàng thượng ngất xỉu và tôi cần phải cứu ngài là thời khắc quan trọng nhất”.

Thành thử trong cuộc sống của chúng ta, cái gì đang xảy ra cũng là nhất. Ví dụ, nếu quý vị hỏi Pháp Hòa “Việc gì quan trọng nhất trong sáng nay?”, Pháp Hòa sẽ nói: “Ra ngồi đây là việc quan trọng nhất”. Việc mình đang tận hưởng sự có mặt của nhau là quan trọng nhất. Và giây phút này là quan trọng nhất. Ví dụ, ngày mai quý vị có thể rảnh nguyên một tuần lễ, nhưng giây phút này ngày mai không còn nữa. Mình không thể bảo đảm sẽ có một giây phút tương tự trong tương lai.

Có thể lần sau, khi Pháp Hòa trở lại đây, một vài người trong số quý vị sẽ không có mặt do một nguyên do nào đó: đi xa, về Việt Nam thăm gia đình, hoặc không khỏe, v.v… nên mình không biết được tương lai sẽ thế nào. Cho nên mỗi ngày chúng ta phải tự nhắc mình: Tôi đã về với giây phút hiện tại. Tôi đã tới giây phút hiện tại.

Thực tập chánh niệm có nghĩa là chúng ta sống trọn vẹn với những gì mình đang có. Thường thường, nếu mình quán chiếu và nhận ra việc gì đó là thiết yếu, mình sẽ có quyết tâm. Ví dụ, mình bị bệnh, và thuốc này cần phải uống liên tục, ngưng một ngày cũng không được, hoặc một ngày phải uống ba cữ, thì mình sẽ nhất định không quên. Cho nên mình hãy sống giống như khi uống thuốc. Nếu mình nhìn lại và thấy việc gì đó là cấp thiết, là quan trọng, mình sẽ chú tâm như khi uống thuốc vậy. Bởi vì có những việc mình không thể đợi.

Chính vì vậy, trong cuộc sống của chúng ta, ăn cơm với nhau, có mặt cho nhau mỗi ngày là một trong những việc quan trọng nhất. Cho nên khi ngồi ăn với một người lớn tuổi, mình biết rằng người đó sẽ không còn với mình được bao lâu. Nói như vậy không phải để chúng ta đau khổ, mà để chúng ta biết trân quý giây phút chúng ta đang có mặt với nhau.

Cho nên “Đã về. Đã tới”. Mình có thể viết câu đó ra như một thiền ngữ, hay như một mật chú, để mình tự nhắc mình luôn trở về, đừng đi quá xa. Tại vì mình không thể biết được sức khỏe của mình. Cuộc sống càng có nhiều thứ lôi kéo mình thì sự định tĩnh của mình càng khó. Thật ra, chỉ riêng việc tu trong thời buổi này đã là khó rồi. Ngày trước không có điện thoại, không có tivi, không có Facebook, YouTube, hay internet, v.v…, không có gì để hấp dẫn mình hết. Bây giờ một người chỉ cần có điện thoại là có tất cả, cả thế giới nằm trong đó.

Không phải là mình sai trái, nhưng vấn đề là ở chỗ mình khó thắng được những cái đó khi tâm mình cần yên tịnh. Vì cái điện thoại cứ sờ sờ trước mắt mình, lôi kéo mình hoài. Trở lại với sự tu tập khó lắm chứ không phải đùa. Thời buổi này, người nào còn định tĩnh được trong sự tu tập thì người đó phải công phu, nỗ lực dữ lắm.


Gửi bình luận
(0) Bình luận