Vào cuối những năm 1800, cha đẻ của ngành tâm lý học là William James đã đưa ra một tuyên bố táo bạo rằng “đến tuổi ba mươi, nhân cách con người đã được định hình như thạch cao khô cứng và sẽ không bao giờ có thể mềm trở lại”.
Thế nhưng, gần đây một nhóm nhà khoa học xã hội đã tiến hành thí nghiệm kiểm tra giả định đó. Họ tuyển chọn 1.500 doanh nhân ở Tây Phi – bao gồm cả nam và nữ ở độ tuổi từ ba mươi đến năm mươi – đang điều hành các công ty khởi nghiệp nhỏ trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và thương mại.
Những người tham gia thí nghiệm được chia thành ba nhóm, trong đó có một nhóm đối chứng: họ vẫn tiếp tục công việc của mình như thường lệ. Hai nhóm còn lại là các nhóm đào tạo: họ được học các khái niệm mới trong một tuần, sau đó phân tích những gì vừa học thông qua các trường hợp thực tế của những doanh nhân khác, cuối cùng là áp dụng vào công ty khởi nghiệp của chính họ thông qua các bài tập nhập vai và phản tư. Điểm khác biệt giữa hai nhóm này là một nhóm được đào tạo tập trung vào kỹ năng nhận thức, nhóm còn lại thì tập trung vào kỹ năng nhân cách.
Ở nhóm đào tạo kỹ năng nhận thức, người tham gia được học một khóa kinh doanh chính quy do Tập đoàn Tài chính Quốc tế tổ chức. Họ nghiên cứu về tài chính, kế toán, nhân sự, tiếp thị và định giá, đồng thời thực hành áp dụng những gì đã học để giải quyết khó khăn và nắm bắt cơ hội. Còn nhóm được đào tạo kỹ năng nhân cách thì tham dự một lớp học do các nhà tâm lý học thiết kế để học về phương pháp làm chủ bản thân. Họ nghiên cứu tính chủ động, kỷ luật, quyết tâm và thực hành áp dụng những phẩm chất đó vào hành động.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, lợi nhuận công ty của nhóm những người rèn luyện nhân cách đã tăng trung bình 30% - gấp ba lần khi so với lợi ích của nhóm được đào tạo kỹ năng nhận thức. Nhóm những người được đào tạo kỹ năng nhân cách đã học cách dự đoán những biến đổi của thị trường thay vì phản ứng thụ động. Họ phát triển nhiều ý tưởng sáng tạo hơn, giới thiệu nhiều sản phẩm mới hơn. Khi gặp trở ngại về tài chính, họ không bỏ cuộc mà linh hoạt, khéo léo hơn trong việc tìm các nguồn vay.
Từ thí nghiệm này, giáo sư Adam Grant nhận thấy nhân cách con người không đông cứng như thạch cao mà vẫn giữ được độ mềm dẻo. Và việc rèn luyện kỹ năng nhân cách có thể giúp chúng ta giải phóng tiềm năng của mình để đạt đến những thành tựu lớn lao hơn.
Trong cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng”, Adam Grant đã chỉ ra: “Nếu tài năng thiên bẩm quyết định điểm xuất phát của mọi người, thì kỹ năng nhân cách học được sẽ ảnh hưởng đến việc họ có thể đi bao xa. Nhưng kỹ năng nhân cách không phải lúc nào cũng bộc lộ rõ ràng ngay lập tức. Nếu không nhìn xa hơn lớp bề mặt, chúng ta có nguy cơ đánh mất tiềm năng tỏa sáng bên dưới”.
Thực tế nhiều người vẫn thường nhầm lẫn nhân cách với tính cách. Nhưng thật ra hai phạm trù này không giống nhau. Tính cách thiên về khuynh hướng, là những bản năng trong cách bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Trong khi đó, nhân cách là khả năng ưu tiên các giá trị bạn xem trọng hơn những thôi thúc bản năng.
Nhân cách không chỉ là có nguyên tắc mà còn là những khả năng bạn đã học được để có thể sống theo nguyên tắc của mình. Các kỹ năng nhân cách giúp người hay trì hoãn có thể làm việc đúng thời hạn cho một người thực sự quan trọng với họ, giúp người hướng nội nhút nhát có can đảm để lên tiếng chống lại bất công, giúp kẻ bắt nạt trong lớp tránh cuộc ẩu đả với bạn học trước một trận đấu lớn..
“Nhiều người mơ về việc đạt được các mục tiêu của mình. Họ đo lường sự tiến bộ của bản thân bằng địa vị và những lời khen ngợi mà mình nhận được. Nhưng những thành quả quan trọng nhất lại là những thứ khó đong đếm nhất. Sự phát triển có ý nghĩa nhất không phải là xây dựng sự nghiệp mà là xây dựng nhân cách của chúng ta” - Adam Grant nhìn nhận.