Con đường chuyển hóa - Có cái cần phải mất để được cái chúng ta cần được

Quang Thanh29/11/2024 08:00
Con đường chuyển hóa - Có cái cần phải mất để được cái chúng ta cần được

Trong cuộc sống tạm thời, tương đối, có được, có mất ở hiện tại, chúng ta mới thấy rằng có những cái chúng ta cần phải mất để được những cái chúng ta cần được.

“Mọi việc đều sẽ qua”

Ngày xưa có một ông vua, một hôm, nhà vua ra lệnh cho quan cận thần: “Hãy đi tìm cho trẫm một chiếc vòng đặc biệt: người đang vui nhìn chiếc vòng sẽ thấy buồn, còn người đang buồn nhìn chiếc vòng sẽ cười hớn hở”. Ông quan cận thần đó nghĩ: “Trên thế gian này làm gì có một chiếc vòng như vậy chứ. Nhưng bây giờ lệnh vua đã ban thì mình phải nghe”. Cho nên ông đi khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm cho được chiếc vòng đó, nhưng ông chưa thấy manh mối nào cả.

Một hôm, đi ngang một cửa tiệm trông rất xuề xòa, trưng bày những món đồ tạp nhạp ít giá trị, sau một phút ngập ngừng, ông cũng tấp vô hỏi thử. Người bán không nói gì, xóc tới xóc lui cái rổ một hồi và lấy ra một chiếc vòng, đưa cho viên quan cận thần coi. Vừa nhìn vô chiếc vòng, tự nhiên ông quan bật cười khoái chí. Và ông quyết định mua chiếc vòng này.

Trước đó, nhà vua đã ra kỳ hạn cho quan cận thần là phải đem được chiếc vòng mầu nhiệm về nhân một ngày lễ đặc biệt của vua. Đến ngày lễ đó, nhà vua tập hợp quần thần lại. Khi đó, ông quan cận thần này mới cung kính dâng lên vua chiếc vòng. Nhà vua đang rất phấn khích và hào hứng, nhưng khi vừa cầm chiếc vòng lên và nhìn vào nó, vua đổi sắc mặt liền và bắt đầu cảm thấy buồn bã, khó chịu trong lòng. Quý vị biết trên chiếc vòng đó ghi dòng chữ gì không? “Mọi việc đều sẽ qua.”

Khi vừa nhìn thấy dòng chữ, nhà vua nhận ra rằng địa vị, ngai vàng, đời sống vương giả, hạnh phúc, quyền uy, sự khôn ngoan mình đang nắm giữ trong tay một ngày kia sẽ qua đi hết. Lâu nay, nhà vua nghĩ mình là vua, là người ở ngôi vị cao nhất, là người nắm trong tay vận mạng của cả đất nước, trong thiên hạ không ai sánh bằng, nhà vua nghĩ mình sẽ ở ngôi vị đó mãi mãi, nhưng khi ông đọc đến dòng chữ “Mọi việc đều sẽ qua” trên chiếc vòng, tự nhiên nó đánh động tâm thức đang chấp chặt vào những thứ ông đang dính mắc đó, khiến ông lập tức trở nên buồn bã.

Còn ông quan cận thần, khi bị vua bắt đi tìm chiếc vòng mầu nhiệm, ổng tưởng đâu chết tới nơi, tưởng dao kề tới cổ rồi, nên khi bất ngờ tìm thấy được chiếc vòng, ổng từ buồn chuyển sang vui, vì đã thẩm thấu được “Mọi việc đều sẽ qua”.

Trong cuộc đời của chúng ta cũng vậy, nhiều khi mình đang ở “ngôi cao chín bệ”, mình giàu có, sung túc, đầy quyền thế, mình quên nhìn lại. Đến một lúc nào đó mình sa sút, chìm xuống đáy, hoặc những lúc mình thất bại, hoặc những khi đêm về ngồi một mình yên tịnh, hoặc sau khi đi viếng một đám tang hay nghe tin ai đó vừa qua đời, tự nhiên mình nhận ra điều đó – “Mọi việc đều sẽ qua”.

Vậy thì, những cái “được” mà chúng ta có trên đời này có phải là “được” thật không? Nếu chúng ta nói mình đang “được” thì phải có kẻ đang “mất”. Ví dụ, mình nói “Trời ơi, cô đó có nhiều người đeo đuổi lắm mà cuối cùng chỉ mình tôi chinh phục được cổ”. Như vậy, cái mình đang được đây là cái mất của bao nhiêu người. Mình có được một cái danh thì người nào đó mất một cái danh. Cho nên trong cuộc đời này, khi chúng ta được thì chúng ta nhớ có kẻ đang mất, mà cho dù được gì đi nữa, chúng ta cũng nhớ cái được đó cũng chỉ là tạm thôi, chứ không vĩnh viễn. Hiểu được lẽ thật này, lòng chúng ta nhẹ đi nhiều.

Vậy tại sao mình phải làm việc thiện? Vì chỉ khi tự mình làm, mình mới bắt đầu thực nghiệm và thực chứng. Nghe người ta khổ nhưng bản thân chưa bao giờ khổ, mình không biết khổ là như thế nào, hoặc thậm chí không biết khái niệm khổ là gì. Mình nghe người ta đói mà mình lúc nào cũng có sẵn đồ ăn, cho nên chữ “đói” đối với mình không có gì đáng để nghĩ hết.

Một ngày nào đó, mình rơi vào hoàn cảnh đi trên một quãng đường mấy trăm cây số mà không có bất cứ quán xá nào để mình ghé vô, đang lúc đói rã người mà được ai đó cho một miếng bánh, mình sẽ cảm thấy miếng bánh đó ngon hơn bất cứ thứ gì mình từng ăn. Bởi vì lúc bình thường, mình “nhất hô bá ứng, tiền hô hậu ủng”, chỉ cần hô một tiếng là có người đáp lời, nên mình chưa nếm trải để thẩm thấu được lẽ thật. Cho nên thức đêm mới biết đêm dài.

Người xưa có câu “Trường đồ tri mã lực, sự cửu kiến nhân tâm”. “Trường đồ tri mã lực” là ngựa đi đường dài mới biết sức con ngựa tới đâu. Còn “sự cửu kiến nhân tâm” là ở lâu mới hiểu được tâm người. Ý câu này muốn nói chúng ta sống là phải chan rải tâm mình. Như vậy, mình mới lấy tâm mình làm tâm người, thấy cái khổ của người là cái khổ của mình. Từ đó, mình mới có cái tình, cái lòng thông cảm. Lòng thông cảm đó, đạo Phật gọi là hiểu, là trí. Mà có hiểu mới có thương. Nếu không hiểu, mình sẽ không thương.

Được và mất

Mới cách đây hai ngày, ở Florida (Mỹ) có một vị thượng tọa qua đời. Thầy đó đang lái xe trên đường, không biết xe có vấn đề gì, thầy dừng xe lại và bước xuống xe. Nhưng trước khi ra khỏi xe, thầy lại quên kéo thắng tay. Và thầy bước xuống, đi ra phía sau để coi xe bị hư cái gì. Trong khi khom xuống như vậy thì thấy chiếc xe di chuyển, thầy mới sực nhớ mình đã quên cài thắng xe. Thầy quay trở lại cửa trước, cố gắng leo lên chỗ tay lái để thắng chiếc xe lại thì không ngờ chân thầy bị vướng, vậy là nguyên chiếc xe bán tải cán lên và thầy qua đời...

Nhiều khi trong cuộc sống, mình nghe những chuyện như vậy để mình mất đi lòng chấp trước, mất đi cái tâm sân si, tâm phiền muộn của mình. Mình thấy rõ là trong cuộc đời, được-mất, thành-bại, thắng-thua, v.v…, cái gì cũng là tạm. Nói như vậy không phải là để chúng ta bi quan, mà để chúng ta có một sự sống vui vẻ, để chúng ta sống với tâm hoan hỉ, rộng mở, chấp nhận, thương yêu, tha thứ, chứ không phải buồn rầu, sầu khổ.

Thấy cuộc đời dường như vô nghĩa, chúng ta nguyện sống cho có ý nghĩa, chứ không phải thấy cuộc đời buồn bã như vậy rồi chúng ta buông xuôi. Vì đó là sự thật của đời sống. Mình chấp nhận nó, nó cũng sẽ đến. Mình không chấp nhận nó, nó cũng sẽ đến. Nếu mình chấp nhận nó thì khi nó đến, mình nhẹ lòng lắm.

Thật ra trên đời này cái được không hẳn là được, mà cái mất cũng không hẳn là mất. Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta tạm thời nói được với mất, và chúng ta cũng xem đó là một cách để thực tập. Ví dụ, hôm nay mình buồn, nhưng nếu như cái buồn này kéo dài vĩnh viễn, thì mình cũng sẽ không bao giờ được vui. Điều đáng mừng là cái buồn rồi cũng sẽ qua.

Bây giờ mình đã thấy được hay mất, đều không quan trọng, vì “Mọi việc đều sẽ qua”. Mình đưa nhãn quan của mình ra xa một chút như vậy. Ví dụ, hồi đó mình khỏe, nhưng mình không biết quý trọng sức khỏe. Được sức khỏe mà không biết giữ, đến khi mất sức khỏe lại muốn được, nhưng bây giờ có muốn cũng đâu có được nữa, cái gì đã qua có bao giờ trở lại? Bây giờ, nếu sức khỏe của mình có giảm sút thì mình tự nhắc mình: “Nhờ sức khỏe giảm sút, mình mới biết tu, chứ nếu mình cứ khỏe hoài, chưa chắc có ngày mình ngộ đạo”.

Nhờ có bệnh, chúng ta mới bắt đầu suy tư về cuộc đời, mới thấy “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”. Và bây giờ mình nhận ra “Ôi! cát bụi tuyệt vời”. Cát bụi tuyệt vời là sao? Tôi biết thân này là cát bụi, nên tôi nguyện gìn giữ cát bụi này một cách mầu nhiệm. Tôi sẽ không dám để cho cát bụi này trở thành cát bụi một cách vô nghĩa. Trước khi trở về làm cát bụi, tôi sẽ làm một nhúm cát bụi thật mầu nhiệm.

Qua câu chuyện ông vua đòi quan cận thần tìm cho mình một chiếc vòng đặc biệt, chúng ta thấy ở trên đời này có những điều rất đặc biệt. Mình thường nghĩ “đặc biệt” phải là cái gì đó ghê gớm lắm, nhưng khi mình hiểu ra, điều đặc biệt thật ra rất đơn giản: “Mọi việc đều sẽ qua”. Cho nên nếu bây giờ mình hiểu được như vậy thì dù được hay mất, mình cũng biết tất cả là tạm. Tức là mình cũng phải thấy cái tạm trong cái được.

Có được hay mất đi cái gì thì mọi việc cũng “đều sẽ qua”. Nhưng trong cuộc sống tạm thời, tương đối, có được, có mất ở hiện tại, chúng ta mới thấy rằng có những cái chúng ta cần phải mất để được những cái chúng ta cần được. Những cái được này mang lại sự an vui cho mình trong hiện đời, mà hiện đời được vui thì nhất định tương lai sẽ được vui.


Gửi bình luận
(0) Bình luận