Chúng ta đều biết về trạng thái cô đơn cũng như nỗi sợ hãi, khốn khổ, sự kháng cự và tình trạng khủng hoảng của tâm trí mỗi khi nó nhận diện được nỗi cô đơn trú ngụ trong mình.
Điều này chẳng hề lạ lẫm đối với bất kỳ ai – cho dù bạn giàu sang phú quý, ngày ngày tận hưởng mọi niềm vui sướng trên đời; cho dù bạn tài năng và sống thật hạnh phúc – thì sâu thẳm trong tâm hồn mỗi chúng ta vẫn tồn tại một cái bóng lẩn khuất của sự cô đơn. Từ người giàu sang thảnh thơi đến kẻ nghèo hèn mải miết vật lộn với đời sống đến cả những ai miệt mài viết lách và sáng tạo, hoặc những ai đam mê theo đuổi tín ngưỡng, tất cả đều phải nếm trải nỗi cô đơn. Khi rơi vào tình trạng ấy thì tâm trí sẽ làm gì? Nó sẽ khiến bạn bật máy nghe đài hay vớ một quyển sách để chạy trốn khỏi nỗi cô đơn.
Nào, hãy cùng chú tâm quan sát tình trạng cô đơn đó. Ngay khi tâm trí nhận biết được sự cô đơn, nó sẽ tìm đến mọi phương thức đào thoát. Sự trốn chạy, dù là chìm sâu vào không gian trầm tư tôn giáo hay mê đắm cả ngày ở rạp chiếu phim thì cũng như nhau cả thôi; chúng đều là sự trốn chạy khỏi thực tại. Kẻ trốn chạy bằng cách uống rượu cũng đâu xấu xa, tệ lậu hơn người tìm quên trong sự tôn thờ Thượng đế hay thánh thần; đó đều là những dạng thức của sự đào thoát. Khi bạn nhìn vào sự thật rằng mình đang cô đơn, bạn không trốn chạy và do đó cũng không phải đối đầu với nó. Nhìn chung tâm trí có khuynh hướng tự phán xét dựa theo khuôn khổ hiểu biết của chính nó; nhưng nếu tâm trí không đưa ra một lời phán xét nào thì toàn bộ thái độ của tâm trí đối với cái nó gọi là nỗi cô đơn đã được biến chuyển một cách toàn diện.
Cô đơn là một trạng thái cô lập, trong đó tâm trí tự phong kín và cách ly nó khỏi mọi mối quan hệ. Trong trạng thái đó, tâm trí nhận biết được nỗi cô đơn và nếu nó không phán xét điều đó, tức là tâm trí đã nhận thức và thôi trốn chạy; ắt hẳn khi ấy nỗi cô đơn sẽ trải qua một sự chuyển hóa. Sự chuyển hóa đó có thể coi là “sự cô độc”, và trong trạng thái cô độc đó không tồn tại nỗi sợ hãi. Tâm trí cảm thấy cô đơn vì đã tự cô lập mình khỏi các hoạt động thì e sợ sự cô đơn đó; nhưng nếu ta nhận biết mà không hề chọn lựa hay phán xét thì tâm trí sẽ không còn cảm thấy cô đơn nữa. Trong trạng thái cô độc nhưng đó sẽ không có bất kỳ sự gián đoạn nào cũng như bất kỳ sự tự phong kín nào; người ta phải cảm thấy cô đơn rồi sau đó mới đạt đến trạng thái cổ độc đúng nghĩa. Cô đơn là một tình trạng đáng thất vọng, nhưng cô độc thì không.
Chắc chắn là như thế, chúng ta phải cô độc – để mình được độc lập trước mọi tác động mọi sự cưỡng buộc, mọi đòi hỏi, khao khát, hy vọng – thì tâm trí mới không còn cảm thấy thất vọng nữa. Sự cô độc rất cần thiết cho tinh thần, thế nhưng tâm trí sẽ không tài nào đạt được trạng thái ấy nếu chưa hiểu hết toàn bộ vấn đề xoay quanh nỗi cô đơn. Hầu như chúng ta đều cô đơn, mọi hoạt động của chúng ta hầu như đều dẫn đến sự thất vọng. Người hạnh phúc thì không cô đơn, người hạnh phúc là một người cô độc và độc lập; những hành vi cô độc đều khác biệt so với những hành vi cô đơn.
Có lẽ nào chúng ta không nhận biết được tình trạng trống rỗng, thất vọng, cô đơn của mình, cùng toàn bộ chuỗi cảm xúc khi không thể dựa dẫm vào điều gì hay nương tựa vào ai? Phải chăng chúng ta chưa từng trải qua những khoảnh khắc cô đơn, đau buồn lạ thường hay thất vọng tột cùng mà chẳng vì lý do gì cả? Và phải chăng tình trạng cô đơn này đã luôn đày đọa chúng ta, khiến chúng ta cứ phải cố gắng trở thành một ai đó và luôn trăn trở về một điều gì đó?
Tôi có thể chung sống với nỗi cô đơn, không trốn chạy khỏi nó và cũng không có làm gì đó để khỏa lấp nó hay không? Tôi có thể sống chung với nó mà không có thay đổi nó, định hình hoặc kiểm soát nó hay không? Nếu tâm trí tôi có thể làm vậy thì có lẽ nó sẽ vượt qua được nỗi cô đơn cùng cảm giác thất vọng ấy, tuy cũng không có nghĩa là nó sẽ hoàn toàn chuyển đổi thành niềm hy vọng cùng sự thành tâm; chỉ là nếu tôi có thể thấu hiểu nỗi cô đơn vốn luôn ở đó mỗi lúc tôi chán chường e ngại hay run rẩy sợ hãi; nếu tôi không trốn chạy khỏi nó thì tâm trí tôi có chung sống hòa thuận với sự cô đơn được hay không?
Càng ý thức về cái tôi của mình, bạn càng bị cô lập; và sự tự ý thức là một diễn trình của tình trạng cô lập. Cô độc lại là một trạng thái hoàn toàn khác, sự cô độc chỉ đến sau khi sự có đơn chấm dứt. Trong sự cô độc không tồn tại những ảnh hưởng xuất phát từ bên trong cũng như bên ngoài; chỉ trong trạng thái ấy tâm trí mới được an ổn. Để đạt được điều đó, chúng ta phải thấu hiểu trạng thái cô đơn cũng như tiến trình của sự cô lập, vốn là cái tôi cùng với tất cả những hoạt động của nó. Thế thì sự thấu hiểu về cái tôi chính là khởi đầu cho một lối thoát khỏi tình trạng cô lập, nhờ thế mà sự cô đơn cũng không còn.