Đối nhân xử thế là quá trình cần được trau dồi, học hỏi và tích lũy từng ngày. Càng trưởng thành càng phải biết ứng xử sao cho hợp tình hợp lý, thu phục lòng người.
Người thông minh chưa chắc biết cách nói chuyện khéo léo, nhưng người giao tiếp tinh tế chắc chắn thông minh muôn phần.
Trải nghiệm càng nhiều, kết giao với nhiều người mới hiểu, bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng không được phạm 6 điều tối kị trong giao tiếp dưới đây, nếu không mọi mối quan hệ đều tan vỡ.
Nơi làm việc thường có một kiểu người như vậy, không biết là họ hướng nội hay bản tính cô đơn, chỉ thấy họ không thích nói chuyện, nhiều nhất là gật đầu hoặc mỉm cười.
Đương nhiên cách ứng xử này không có gì sai trái. Đáng lo hơn là kiểu người không gật đầu, không mỉm cười, cũng không phản ứng với bất cứ ai, lúc nào cũng đưa ra bộ mặt khó gần, như thể ai cũng thiếu nợ họ. Có thể họ không có ý xấu nhưng họ phải chấp nhận việc bị mọi người xa lánh, không có sự phối hợp trong công việc và giao lưu đồng nghiệp.
Trong xã hội phát triển ngày nay, con người phải dựa vào sự hợp tác của đội ngũ để làm nên chuyện lớn. Người thông minh đều hiểu được điều này, bởi lẽ sức mạnh của sự đoàn kết và hợp tác vô cùng quan trọng. Vì vậy, ở đây nhắc nhở chúng ta nên mở lòng hơn, cố gắng đè lại cái tôi vì lợi ích chung, không ngừng làm mới bản thân, bắt kịp với xu hướng phát triển của xã hội, cải thiện thói quen xấu của mình. Không cần gì to tát, chỉ cần cái gật đầu hoặc mỉm cười cũng có thể bày tỏ thiện chí.
"Khiêm tốn giúp con người tiến bộ, tự kiêu khiến con người tụt lại phía sau".
Người càng có bản lĩnh thì càng khiêm tốn, mở rộng trái tim để đón nhận tất cả, dung dị và vị tha. Tại nơi làm việc, bất kể trình độ và vị trí nào, quan trọng là làm thế nào nhìn nhận rõ chính mình, sau đó tự hoàn thiện, không ngừng bước lên tầm cao mới.
Xã hội ngoài kia luôn có kiểu người mặc dù không có mấy năng lực nhưng nói năng “đao to búa lớn”, ra vẻ ta đây, nhưng thực chất chỉ là thùng rỗng kêu to. Nếu bạn không suy nghĩ sâu sắc về bản thân, kết quả là: tự lừa dối chính mình, kiêu căng ắt thất bại.
Người khôn lỏi cho người khác ấn tượng đầu tiên và trực quan nhất là thích chiếm phần lợi về mình, bất kể lớn, nhỏ hay phi vật chất (ngay cả nói chuyện cũng phải thể hiện sự hơn thua). Kiểu người này thường làm tổn hại đến lợi ích của người khác, thậm chí không từ mọi thủ đoạn. Họ có thể tồn tại là nhờ vào ăn nói ngọt ngào, lấy lòng đối phương.
Vì vậy, nơi làm việc như một xã hội thu nhỏ, xin hãy nhớ: Đường dài biết sức ngựa, ngày dài biết lòng người.
Ở đây cũng nhắc nhở chúng ta rằng: Đừng nhầm lẫn giữa thông minh và khôn lỏi. Kẻ ngốc tuy khởi đầu chậm, nhưng chỉ cần kiên trì ắt thành công; người thông minh đi đường tắt, bốc đồng và dễ thất bại. Kẻ ngốc thường trung thực và ngây thơ, có thể chịu thiệt thòi, song có thể tạo dựng những mối quan hệ tốt. Những người quá thông minh, vì lúc nào cũng đặt lợi ích lên hàng đầu nên kết quả cuối cùng chỉ có thể là: Hư vinh tan thành mây khói.
Con người khó lòng buông bỏ được tham vọng, muốn chiếm hữu cả vật chất lẫn tinh thần. Ở môi trường công sở, luôn có những người chỉ biết nghĩ cho bản thân, quyền lợi của mình là nhất, còn người khác không quan trọng.
Đương nhiên, “người không thương mình thì trời tru đất diệt” không sai. Nhưng nếu tham lam vô độ, không có chừng mực thì ắt tai họa ập đến. Những tưởng mình nhận được khoản lợi lớn, vui vẻ về sau, đạp lên lợi ích của người khác để giành về tất cả cho mình, nhưng đây là hành vi gây tổn phước lành, hại người hại mình.
Sự thật minh chứng, trong môi trường tập thể, người chỉ nghĩ cho bản thân sẽ dần bị xa lánh, mất đi cơ hội, đường đời và sự nghiệp không suôn sẻ.
Hẳn rằng bạn cũng biết nhiều người sống theo phương châm: Dù chuyện gì xảy ra cũng phải giữ được trọn vẹn thể diện.
Hư vinh phù phiếm là biểu hiện khoa trương và bóp méo của lòng tự trọng. Song để sống cho thật hãnh diện, mặt mũi là cần thiết, nhưng không nên quá khắt khe, giữ sự chừng mực. “Vật cực tất phản”, cái gì cũng phải có giới hạn. Xem trọng thể diện là điều vô ích nhất trên thế giới này, vì nó cản trở chúng ta tiếp nhận nhiều cơ hội, các mối quan hệ cũng tan vỡ chỉ vì cái tôi của đôi bên quá lớn.
Người xưa thường nói: Nói chuyện cần giữ lại 3 phần ý tứ, không nên nói thẳng thừng, bóc trần tâm can. Họa từ miệng mà ra, bệnh cũng từ miệng mà ra.
Lời này khuyên chúng ta phải cẩn thận lời nói và hành động. Học cách nhìn vào vấn đề trong nhiều mặt, suy nghĩ rồi mới nói, không nên nói chuyện “đao to búa lớn”, tùy tiện hứa hẹn, tùy tiện kết luận, nếu không lời nói đẹp đẽ đến mấy cũng thành vô duyên.
Nguồn: Zhihu