01
Cách đây không lâu, có một chủ đề khá nóng trên mạng xã hội nói rằng một số phương tiện truyền thông phỏng vấn một vài thanh niên trên đường phố, và phát hiện ra rằng gần 80% 9X, 10X không dám xem kết quả kiểm tra sức khỏe của mình.
Có một bình luận được khá nhiều lượt thích nói rằng: "Tôi không dám đi khám sức khỏe, chỉ sợ mình bị bệnh gì đó thật!"
Đúng vậy, thức đêm + ăn uống linh tinh dường như đã trở thành tiêu chuẩn cuộc sống của những người lao động đương thời.
Dẫu sao thì cũng đi làm cả ngày rồi, còn mỗi buổi đêm là thời gian của riêng mình, tội gì phải đi ngủ sớm? Áp lực công việc lớn như thế, không ăn tý đồ ăn đêm thì làm sao mà có sức tiếp tục công việc?
Nhưng, một lối sống không lành mạnh thực sự đang tiềm ẩn "sấm sét".
Gần đây, một cô gái 22 tuổi ở Quảng Đông, Trung Quốc có tên Xiao Li, đi làm 3 năm, thường xuyên thức đêm + ăn ngoài/đồ nướng, khiến viêm gan B của cô nhanh chóng phát triển thành ung thư gan.
Sau khi bác sĩ hỏi bệnh sử, anh mới biết Xiaoli chỉ biết mình là người mang mầm bệnh viêm gan B sau khi kiểm tra sức khỏe ở công ty vào năm 2019. Tuy nhiên, do không hiểu rõ về căn bệnh này, cơ thể cũng không có dấu hiệu bất thường nên Xiaoli không hề để tâm tới căn bệnh này và cũng không đi khám sức khỏe định kỳ.
Ở ký túc xá, Xiaoli hầu như không nấu ăn, hàng ngày cô đều gọi món và thường gọi đồ nướng vào buổi tối.
Tệ hơn nữa, Xiaoli thường xuyên làm việc tới rất muộn, sau khi về nhà cũng không ngủ ngay mà thức đến hai hoặc ba giờ sáng, thậm chí bốn hoặc năm giờ sáng.
Cách sống như vậy có khác nào đang âm thầm tự giết mình.
Bác sĩ cho biết bản thân bệnh nhân "viêm gan B mãn tính" có nguy cơ mắc ung thư gan cao, cộng với nhiều yếu tố như thức khuya, thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, đồ nướng, thấy cơ thể có biểu hiện bất thường vẫn không đi khám, vì vậy làm tăng đáng kể tỷ lệ mắc bệnh ung thư gan.
Vào mùa hè năm nay, Xiaoli đột nhiên cảm thấy bụng chướng lên, nghĩ là khó tiêu nên đơn giản là uống một ít thuốc dạ dày, nhưng bệnh không thuyên giảm.
Sau đó, Xiaoli phát hiện ra có một cục u ở bụng bên phải, ngày càng lớn dần theo thời gian nên đã vội vã đến bệnh viện gần đó để khám.
Kết quả là CT bụng cho thấy bóng của một cái gì đó lớn như nắm đấm tay bên phải gan!
Kết quả chẩn đoán: ung thư gan nguyên phát.
May mắn là Xiao Li có thể trạng tốt, khối u chưa xâm lấn các cơ quan lân cận và chưa di căn, có thể phẫu thuật cắt bỏ.
Cách đây một tháng, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt gan phải cho cô. Hiện tại, các chỉ số cơ thể của Xiaoli khá khả quan và cô cũng đã trở lại làm việc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như Xiaoli. Không để ý một chút thôi, bệnh tật có thể tìm tới bất cứ lúc nào không hay.
02
Tôi có một người bạn, bình thường không bao giờ ăn sáng.
Vì bình thường thích ăn cay nên cứ hai ba ngày lại một nồi lẩu cay.
Thậm chí có nhiều lần tối muộn rồi vẫn đặt trà sữa và đồ nướng về ăn.
Tôi từng nhắc nhở cô ấy nếu cứ giữ thói quen như vậy, sớm muộn cũng sinh bệnh.
Nhưng cô ấy không quan tâm, nghĩ rằng mình vẫn còn trẻ, không sao cả.
Mãi cho tới vài hôm trước lướt trang cá nhân mới biết cô ấy đau dạ dày phải nhập viện.
Tuổi trẻ, sớm đã không còn là cái vốn để có thể tùy ý chà đạp cơ thể nữa.
Những tin tức tương tự như vậy, có lẽ chúng ta đều đã nghe quá nhiều.
Vào nửa đầu năm 2021, Câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp nhân dân Đại Liên, Trung Quốc đưa tin Zhang Enhua, một cầu thủ bóng đá nổi tiếng của nước này, đã qua đời ở tuổi 48.
Nguyên nhân của cái chết đột ngột này là vì uống rượu quá độ.
Vào ngày đầu năm 2021, nữ diễn viên trẻ 25 tuổi Sun Qiaolu bị nhồi máu cơ tim và đột ngột qua đời vì thói quen sinh hoạt không đều đặn trong thời gian dài.
Sun Qiaolu từng chia sẻ cuộc sống của mình trên Douyin (Tiktok phiên bản Trung Quốc), Weibo và các nền tảng khác, cô cho biết vì áp lực công việc cao nên thường xuyên thức khuya và uống rượu, dù mới chỉ hai mấy tuổi nhưng tuổi cơ thể thì đã 39 tuổi.
Đây đều là những nguyên nhân quan trọng dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi.
Buông thả bản thân thực sự rất nguy hiểm.
Thực ra, người trẻ buông thả bản thân mình, một chữ "lười" không thể miêu tả hết, nguyên nhân sâu xa đó là nguồn lực của não bộ không đủ.
Chẳng hạn, trên đường đi làm về, bạn nhặt được một tờ rơi quảng cáo việc tập thể dục tốt cho sức khỏe ra sao, còn nhấn mạnh 5 ngày mỗi tuần, mỗi ngày nửa tiếng tập các động tác cường độ mạnh trung bình có thể nâng cao sức khỏe hiệu quả.
Lúc này, bạn mới nhớ mình đang mắc bệnh liên quan đến tim mạch, bác sĩ cũng khuyến cáo bạn nên dành nửa tiếng tập thể dục với cường độ vừa phải mỗi ngày.
Vì vậy, khi về đến nhà, nhiệt huyết dâng trào và bạn quyết tâm tập thể dục thể thao.
Nhưng được một lúc thì lại thành – thôi ngày mai rồi bắt đầu!
Bởi lẽ đi làm cả ngày đã rất mệt mỏi rồi, dù có ý chí luyện tập, não của bạn cũng không còn nguồn lực để hỗ trợ bạn thực hiện hành động.
Điều này cũng xảy ra tương tự đối với chế độ ăn uống không điều độ, việc kiểm soát chế độ ăn uống cần tiêu hao nguồn lực của não, nếu nguồn lực của não không đủ thì rất dễ buông thả bản thân và ăn uống bất chấp hậu quả.
Vậy thì, làm thế nào để có thể đảo ngược tình trạng này?
03
Cuốn sách nước ngoài có tên "Khoa học về bộ não lười biếng" của hai tác giả Boris Cheval và Matthieu Boisgontier có nói rằng:
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, nguồn não bộ của chúng ta đã cạn kiệt, "chiếc gậy tiếp sức" lúc này sẽ đến với hệ thống tự động. Quá trình tự động dựa trên trí nhớ liên kết, có thể liên kết nhận thức của chúng ta với trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày.
Loại bộ nhớ này sẽ ghi lại trong cùng một tệp những gì chúng ta nghe, thấy, cảm nhận và suy nghĩ khi chúng ta thực hiện một hoạt động.
Khi chúng ta thực hiện lại hoạt động này trong tương lai, não của chúng ta sẽ tự động trích xuất tệp này, ước tính trải nghiệm cảm xúc liên quan đến hành vi này và cập nhật tệp.
Nói đơn giản thì chính là:
Khi chúng ta kiệt quệ về thể chất, trí não cũng cạn kiệt, không có cách nào để huy động nhiệt huyết để thực hiện một bài tập thể dục cực nhọc, chúng ta chỉ có thể để cơ thể mình làm điều gì đó khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc.
Và nếu trong trí nhớ của chúng ta, tập thể dục là một điều dễ chịu, thì dù ở trạng thái tinh thần nào, việc nhất quyết tập thể dục sẽ trở thành một chuyện rất tự nhiên đối với chúng ta.
Ví dụ: giả sử bạn quyết định chạy bộ. Khi bạn chạy lần đầu tiên, bộ não của bạn sẽ thiết lập trong trí nhớ của bạn phản ứng cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực (kiệt sức hoặc khó chịu) liên quan đến hành vi chạy.
Bạn càng chạy, sự liên kết này càng được lặp lại, và não bộ sẽ tiếp tục củng cố sự liên kết này trong trí nhớ.
Nói cách khác, bạn càng thích chạy bộ, bộ não của bạn càng có thể liên tưởng việc chạy bộ với khái niệm "sức khỏe".
Ngược lại, nếu bạn trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực hơn trong quá trình chạy, thì mối liên hệ giữa việc chạy và "cảm giác khó chịu" sẽ càng mạnh mẽ.
Vì vậy, nếu bạn muốn có kỷ luật bản thân, bạn phải biến sự vất vả trong quá trình này thành một hoạt động thú vị.
Một khi những kết nối cảm xúc này bén rễ trong bộ não của chúng ta, ngay cả những điều nhỏ nhất cũng sẽ tự động kích hoạt phản ứng cảm xúc liên quan đến hành vi, thúc đẩy chúng ta hành động.
Đây là cách để phát triển những thói quen tốt, vậy làm thế nào để bỏ những thói quen xấu theo cách này?
04
Cuốn sách "Khoa học về trí não lười biếng" có đề cập đến "hiệu ứng thanh cua", có liên quan đến một câu chuyện của chính tác giả Boris.
Khi còn là sinh viên, Boris thích ăn thanh cua, món này đã trở thành bữa tiệc vào mỗi thứ sáu của anh.
Sau đó, có một thứ 6 nọ, Boris luôn cảm thấy nôn nao, không muốn ăn uống gì, chỉ ăn vài thanh cua, vài phút sau, anh ấy ọe ra hết.
Sau đó cả một buổi tối, Boris chỉ có đi từ phòng ngủ vào nhà vệ sinh và ngược lại.
Vài ngày sau, cơ thể Boris phục hồi. Chớp mắt lại đến thứ 6, anh chuẩn bị bữa tiệc thứ 6 cho mình như vẫn hay làm.
Nhưng khoảnh khắc ngửi thấy mùi của thanh cua, Boris cảm thấy vô cùng buồn nôn.
Vì sao lại như vậy?
Bởi lẽ não của Boris đã kết nối nhầm trạng thái buồn nôn với thanh cua, mặc dù thực sự không có mối liên hệ nào giữa hai điều này.
Nhưng vì các triệu chứng khó chịu ban đầu xuất hiện vài giờ trước khi ăn thanh cua, trải nghiệm khó chịu này trực tiếp khiến Boris bỏ thói quen ăn thanh cua vào thứ Sáu.
Sau khi phát hiện ra "hiệu ứng thanh cua", Boris thường sử dụng nguyên tắc này để khiến bản thân ăn ít một số loại thực phẩm nhất định:
Bất cứ khi nào cảm thấy khó chịu một chút, anh ấy sẽ ăn một thứ gì đó mà mình muốn bỏ không ăn nhiều nữa.
Đây cũng là "liệu pháp ác cảm" trong tâm lý học, bằng cách sử dụng sức mạnh của phản hồi tiêu cực, bạn có thể ghép hành vi muốn thay đổi với cảm giác khó chịu để đạt được mục tiêu thoát khỏi cơn nghiện.
Nếu bạn quá phụ thuộc vào một số loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe, bạn có thể thử phương pháp này.
Hầu hết những bất hạnh về thể chất đều bắt nguồn từ sự vô kỷ luật, buông thả bản thân.
Nhưng để tự kỷ luật cũng cần có phương pháp, nếu bạn nắm vững chìa khóa của kỷ luật bản thân, mặc dù bạn có thể không đạt được điều gì đó, nhưng ít nhất bạn có thể đảm bảo rằng cuộc sống của bạn sẽ không rơi xuống vị trí quá thấp.
Đời người chỉ có một lần, sống cho tự giác, bạn mới có thể tự do thực sự.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị