Có lẽ không ai trong số các nhà văn nổi tiếng của miền Nam trước 1975 mà tác phẩm đầu tay lại đem đến nhiều sóng gió như trường hợp Nguyễn Thị Hoàng và tiểu thuyết Vòng tay học trò của bà. Dù vẫn chưa hề có một phê bình nhận định đầy đủ trên quan điểm thuần túy văn học về tác phẩm và sự nghiệp của Nguyễn Thị Hoàng, nhưng tên tuổi của bà luôn được nhắc đến như là hiện tượng của văn học miền Nam trước 1975.
Nguyễn Thị Hoàng cũng đã tự khẳng định tài năng văn chương của mình bằng những cuốn tiểu thuyết với giọng văn đặc biệt, bà cũng là tác giả có sách bán chạy nhất tại miền Nam trước 1975.
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng nguyên quán Quảng Trị, sinh năm 1939 tại Huế, thân sinh bà làm Tổng giám thị Trường Quốc học Huế từ năm 1930. Bà theo học tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm và Trường trung học Đồng Khánh Huế đến năm 1956 thì vào Nha Trang. Năm 1960, bà vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa, Đại học Luật khoa, rồi dạy học ở Đà Lạt.
Năm 1964 bà viết tác phẩm đầu tay Vòng tay học trò dưới bút danh Hoàng Đông Phương. Từ năm 1965 đến 1975, bà xuất bản gần 30 cuốn gồm tiểu thuyết và tập truyện ngắn.
Sau năm 1975, Nguyễn Thị Hoàng gần như dừng hẳn việc sáng tác, bà sống âm thầm lặng lẽ. Mãi 15 năm sau (1990) Nguyễn Thị Hoàng mới trở lại với văn chương qua tập ghi chép Nhật ký của im lặng.
Năm 2007, bà lại xuất hiện qua một tùy bút nhan đề Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo (số xuân Mậu Tý, 12.2007).
Trong nỗ lực đưa tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng trở lại với bạn đọc, đồng thời đưa thêm một góc nhìn mới về văn học miền Nam trong thời kỳ đất nước còn chia đôi, Nhã Nam đã tái bản cuốn tiểu thuyết Vòng tay học trò, cùng 4 cuốn tiểu thuyết khác của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng gồm: Một ngày rồi thôi, Cuộc tình trong ngục thất, Tiếng chuông chờ người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh.
Vòng tay học trò được công bố lần đầu tiên vào năm 1964 tại Sài Gòn. Tác phẩm được đăng dưới hình thức nhiều kỳ trên Tạp chí Bách khoa. Truyện được công chúng đón nhận nồng nhiệt nhưng cũng gây ra những tranh cãi không ngớt. Đến năm 1966, Vòng tay học trò chính thức được xuất bản thành sách.
Tác phẩm được chia thành 11 chương, kể về mối quan hệ ái tình xen lẫn nhục dục thầm kín của hai nhân vật là cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm với cậu học trò Nguyễn Duy Minh.
Giữa độ đôi mươi xuân sắc, cô giáo Quỳnh Trâm quyết định bỏ Sài Gòn hoa lệ lại phía sau để lên Đà Lạt tìm kiếm sự yên bình. Nhưng ở đó, số phận lại run rủi cô Trâm gặp Minh. Sự đồng điệu trong tâm hồn cô giáo trẻ và cậu trò lớn đã khiến cuộc đời họ không bao giờ còn như cũ nữa.
Vòng tay học trò nhận được sự ủng hộ của đông đảo độc giả ngay từ khi mới xuất hiện dưới dạng nhiều kỳ đăng trên tạp chí, đến khi được in thành sách, rồi tái bản liên tục nhiều năm ở miền Nam. Sự hưởng ứng sôi nổi ấy chưa hẳn xuất phát từ câu chuyện tình lãng mạn của cô giáo và học trò. Thông qua câu chuyện người ta thấy được nhiều vấn đề khác trong xã hội đương thời được tác giả đề cập.
“Truyện mình viết thường là truyện tình bế tắc và đi xuống. Trong đó những vai nữ bao giờ cũng khát khao đi tìm một đời sống thật của mình, nghĩa là tìm kiếm chính mình. Những nhân vật nữ lang thang bất định, và xa rời với phận sự gia đình. Chất liệu lấy từ những năm bất ổn lênh đênh trong cuộc đời đã qua của mình, đôi khi được ráp nối với những câu chuyện thời sự, cộng với một phần tưởng tượng, phóng tác, vẽ vời... rồi ráp thành chuyện. Không biết bên đàn ông thì sao, chứ cánh đàn bà thường mắc phải cái này là có những nét của nhân vật hoặc chính, hoặc phụ, thế nào cũng hắt bóng cá tính thói quen, đường nét và vóc dáng của tác giả. Riêng về Vòng tay học trò, nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì… cũng chẳng phải thế. Dư luận trộn lẫn tiểu thuyết của mình với đời sống thật. Cũng vì thế mà có những tiếng ác ý lao xao về đời sống của mình. Cho nên chỉ có cách là... phải thản nhiên”, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng từng chia sẻ với báo chí.
Về việc tái bản những cuốn sách của Nguyễn Thị Hoàng lần này, Nhã Nam đã cùng với tác giả chuẩn bị bản thảo cẩn thận, chỉn chu. Mọi chỉnh sửa dù là nhỏ nhất đều được bàn bạc kỹ lưỡng trước khi đi đến bản in cuối cùng. Một số cuốn, ngay cả bản thảo gốc mà tác giả đang giữ, cũng bị thiếu trang, Nhã Nam đã phải kỳ công truy tìm nhiều bản in cũ từ những nhà sưu tầm sách hiếm, để có được bản thảo đầy đủ nhất.
Có thể nói sau nhiều thập niên, 5 tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng không chỉ được xuất bản phục hồi mà còn kèm theo một số điều chỉnh, bổ sung; tất cả được gói lại trong một diện mạo mới, với bìa cứng sang trọng, hiện đại nhưng vẫn phảng phất nét cổ điển gợi nhớ một thời.
Nhân dịp tái bản các cuốn sách của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Nam sẽ tổ chức buổi giao lưu cùng tác giả tại Hà Nội.
Các diễn giả của chương trình gồm: nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, BTV Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, nhà văn Hiền Trang.
Thời gian: 9 giờ 30 – 11 giờ 30, Chủ nhật, 18.4.2021
Địa điểm: Nhã Nam Book&Coffee - 3 Nguyễn Quý Đức, Hà Nội.
“Vòng tay học trò” là một tác phẩm quan trọng trong văn học miền Nam 1954-1975. Nó quan trọng không phải chỉ vì làm xôn xao dư luận, mà còn vì giá trị nghệ thuật đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên mà trong lời nói đầu bộ “Lịch sử văn học Việt Nam” của giáo sư người Nga Nikolay I.Nikulin vừa mới được phiên dịch và xuất bản, trong các tác giả ở Sài Gòn mà Giáo sư Nikulin nghiên cứu, có tên của Nguyễn Thị Hoàng, bên cạnh các tên tuổi Lê Vĩnh Hòa, Võ Hồng. Còn tên tác phẩm thì chỉ thấy “Vòng tay học trò”. Có lẽ Giáo sư tiến sĩ Mai Quốc Liên, tác giả lời nói đầu của bộ sách trên muốn tránh từ “nghiên cứu” nên ông dùng từ “thẩm định”. Mà quả thật, “Vòng tay học trò” là tác phẩm cần và xứng đáng được thẩm định, tái thẩm định và tiếp tục thẩm định.
Minh Thạnh - Vấn đề về tiểu thuyết "Vòng tay học trò" của nữ tác giả Nguyễn Thị Hoàng