Kích hoạt tiềm năng - Người bạn đồng hành của mọi nhà lãnh đạo

13/04/2021 17:30
Kích hoạt tiềm năng - Người bạn đồng hành của mọi nhà lãnh đạo

Quyển sách này nói về 3 cuộc trò chuyện khai mở có thể giúp bạn, với cương vị là người lãnh đạo một đội ngũ, một dự án, tạo ra được sự kết nối và lòng tin với nhân viên.

 

Cuộc sống hiện đại khiến nhịp sống mỗi người đều trở nên vội vã. Chúng ta dường như quên mất con người sâu thẳm trong chính bản thân mình cùng những khả năng tiềm tàng chưa được khai phóng. Hãy thử nghĩ, nếu biết mình có đôi cánh đầy uy lực cùng khả năng bay lượn điêu luyện, hẳn là chú chim Đại bàng sẽ muốn trở thành chúa tể bầu trời đúng nghĩa, đầy quyền năng và sống một cuộc sống tự do tự tại, thay vì bị người đời săn bắt và phải sống trong chiếc lồng chật hẹp, tù túng.

Bạn có thường nhìn thấy tiềm năng trong chính bản thân mình không? Bạn có nhận thức được năng khiếu đặc biệt của những người xung quanh không? Giả sử bạn là một nhà lãnh đạo, liệu bạn có thể nhìn ra, dù chỉ một chút thôi, những tiềm năng ẩn giấu trong từng nhân viên của mình? Một dòng chảy tiềm năng dồi dào đang nằm im lìm cần đánh thức trong các doanh nghiệp và tổ chức: có rất nhiều nhân viên tài năng nhưng lại không được "khai phóng", không được trao cơ hội hoặc không được tạo động lực để phát huy. Đây là một sự lãng phí hết sức đáng tiếc đối với các lãnh đạo, vì họ đang bỏ qua một đội ngũ vốn có thể làm việc tận tâm tận lực, sáng tạo và đạt hiệu quả cao.

Nếu bạn đang là một nhà lãnh đạo đang đau đáu tìm kiếm phương thức thu hút và giữ chân, khai phóng được những nhân tố tài giỏi, sáng giá nhất thì cuốn sách Kích hoạt tiềm năng của nhóm bốn tác giả Shawn Moon, Todd Davis, Michael Simpson, Roger Merrill. Họ đều là những chuyên gia cấp cao về cố vấn lãnh đạo và phát triển tài năng, từng chứng kiến cách những lãnh đạo tại hàng chục quốc gia khai phóng năng lực của các cá nhân xung quanh họ.

Quyển sách này nói về 3 cuộc trò chuyện khai mở có thể giúp bạn, với cương vị là người lãnh đạo một đội ngũ, một dự án, tạo ra được sự kết nối và lòng tin với nhân viên. Tôi xin được trích một vài đoạn nhỏ trong cuốn sách để có thể phần nào giúp các bạn độc giả hiểu thêm về nội dung mà cuốn sách này hướng tới.

Ptahhotep là vị tể tướng tài ba của vương triều thứ năm, thuộc thời kỳ trị vì của vua Djedkare Isesi, ở Ai Cập. Ông được cho là tác giả của “tác phẩm văn học thông thái” ở thời kỳ đầu này của Ai Cập, một bản hướng dẫn cách cư xử đúng mực cho người trẻ tuổi. Từ nội dung bản thảo, chúng ta biết Ptahhotep rất coi trọng giá trị con người, cùng với tài năng và năng lực của con người. 

Ngày nay, một số kiến thức uyên thâm của Ptahhotep vẫn đang được sử dụng trong các tác phẩm về thuật quản trị và lãnh đạo mới nhất - tất nhiên có một số điều chỉnh và cập nhật ngôn từ cho hợp thời. Ví dụ, Ptahhotep đã nói về tầm quan trọng của việc lắng nghe (và theo đó thể hiện sự quan tâm) đối với những người mà bạn dẫn dắt:

Nếu muốn làm người lãnh đạo, anh phải biết kiên nhẫn lắng nghe khi người kiến nghị bày tỏ, đừng ngắt lời họ cho đến khi họ đã nói hết những điều muốn nói… Không phải mọi kiến nghị của họ đều có thể được thực hiện, nhưng việc được lắng nghe sẽ giúp họ cảm thấy dễ chịu.

Đôi khi, phần lớn chúng ta đều hiểu một điều hiển nhiên là nhà lãnh đạo giỏi thật sự quan tâm những người mà họ dẫn dắt. Nhưng còn nhà lãnh đạo xuất chúng thì sao? Nhà lãnh đạo xuất chúng  không chỉ quan tâm đến người khác, mà họ còn thể hiện sự quan tâm đó bằng những cách thức thật sự ý nghĩa và tạo ra sự thay đổi cho mọi người xung quanh.

Lãnh đạo là một cuộc trò chuyện

Có câu nói thế này, “Hôn nhân chỉ là một cuộc đối thoại dài, nên hãy đảm bảo là bạn kết hôn với người mà mình thích trò chuyện”. Trên thực tế, tất cả những mối quan hệ tốt đẹp thực chất đều là một chuỗi những cuộc trò chuyện tích cực. Cuộc trò chuyện càng ý nghĩa, đáng tin cậy và cởi mở bao nhiêu thì mối quan hệ càng tốt đẹp bấy nhiêu. 

Hai chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo Robert J. Anderson và William A. Adams đã chỉ ra, “Lãnh đạo (cũng) là một cuộc trò chuyện”:

Các nhà lãnh đạo dành phần lớn thời gian trong ngày cho những cuộc trò chuyện - họp hành, điện thoại, email và truyền đạt chiến lược. Các bạn hiện diện trong những cuộc trò chuyện này sẽ các định mức độ hiệu quả của bạn… Chất lượng của những cuộc trò chuyện ở tầm lãnh đạo sẽ xác định mức độ hiệu quả của tập thể, thứ sẽ xác định trí tuệ tập thể, và trí tuệ tập thể sẽ các định hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp… Chất lượng cuộc trò chuyện và những mối quan hệ của chúng ta có mối tương quan trực tiếp với kết quả mà chúng ta tạo ra.

Vậy nếu lãnh đạo thật sự là một cuộc trò chuyện dài - và lúc nào chúng ta cũng đang giao tiếp - thì sẽ thật hữu ích nếu chúng ta nghĩ về bản chất cuộc trò chuyện của chúng ta với đồng nghiệp. Chúng ta có thể tự hỏi, “Cuộc trò chuyện của tôi có bao dung, chân thành, hữu ích, truyền động lực và khích lệ người khác để họ có những đóng góp tốt hơn và ý nghĩa hơn không - nói cách khác, nó có thể truyền tải sự quan tâm hay không? Hay đó là cuộc trò chuyện hiếm khi xảy ra, qua loa, nhàm chán về mặt cảm xúc và luôn tập trung vào công việc trước mắt? Hay thậm chí tệ hơn, nó có inh khủng, toàn những lời phê bình cay độc và gây nản lòng không?”

Tiếng nói, tính hiệu quả và sự khai thông

Các nghiên cứu và kinh nghiệm của chúng tôi đã đưa đến kết luận là những cuộc trò chuyện quan trọng nhất của người lãnh đạo thường xoay quanh: 

  1. Cuộc trò chuyện về Tiếng nói khẳng định giá trị và tiềm năng của từng thành viên trong nhóm. Trong cuộc trò chuyện này, các cá nhân sẽ khám phá tài năng, niềm đam mê và những giá trị độc đáo của bản thân - “tiếng nói” riêng của họ - và liên kết những điều này với trách nhiệm công việc và nghề nghiệp của bản thân. Đây là quá trình xác định tài năng và sự đóng góp độc đáo của mỗi cá nhân.

  2. Cuộc trò chuyện về Tính hiệu quả thiết lập và làm rõ các mục tiêu, kết quả, vai trò, trách nhiệm và khả năng chịu trách nhiệm. Trong cuộc trò chuyện này, các cá nhân được biến đổi từ “nhân viên có thể thay thế được” thành đối tác, đồng nghiệp và đồng đội đáng tin cậy, những người hợp sức cùng nhau hoàn thành các mục tiêu thiết yếu đối với hiệu quả công việc của cá nhân và tổ chức.

  3. Cuộc trò chuyện về Sự khai thông biến nhà quản lý thành nhà lãnh đạo, nhà đào tạo và nhà cố vấn, những người trở thành nguồn lực hỗ trợ, giúp người khác thành công trong công việc. Nhà lãnh đạo “khai thông” bằng cách xóa bỏ chướng ngại, đồng thời đào tạo, huấn luyện và điều chỉnh trong suốt quá trình thực hiện công việc.

Những cuộc trò chuyện này là tin hoa được chắt lọc từ kinh nghiệm của những nhà lãnh đạo hiệu quả. Cuộc trò chuyện về Tiếng nói giúp các thành viên xác định tài năng và sự đóng góp đặc trưng của mình. Cuộc trò chuyện về Tính hiệu quả làm rõ những kỳ vọng và ghi nhận những thành quả. Cuộc trò chuyện về Sự khai thông giúp xác định những việc mà người lãnh đạo và các thành viên trong nhóm có thể làm để dỡ bỏ chướng ngại và tạo điều kiện để đạt được thành công.

Nhà lãnh đạo khai thông sẽ không làm giùm, không quản lý vi mô, nhưng cũng không bỏ mặc nhân viên của mình với những áp lực quá sức chịu đựng. Thay vào đó, họ đóng vai trò như cố vấn hoặc nhà đào tạo, tin tưởng và trao trách nhiệm cho nhân viên, đồng thời giang tay "giải quyết những lo ngại của họ và giúp tháo gỡ chướng ngại để họ có thể thành công".

Trích sách bởi: Đặng Trà My - Bookademy


Gửi bình luận
(0) Bình luận