Bí ẩn của nước - Nước khoáng và cách bổ sung phù hợp cho cơ thể của bạn

11/04/2021 08:30
Bí ẩn của nước - Nước khoáng và cách bổ sung phù hợp cho cơ thể của bạn

Tất cả các loại nước khoáng đều có tác dụng trị liệu, tùy vào thành phần và lượng muối khoáng trong mỗi nguồn nước. Vì lý do này, nước khoáng không thể được sử dụng bừa bãi cho mọi bệnh lý, và cũng không phù hợp để uống quanh năm.

Nước tự nhiên đủ sạch để uống chỉ có thể là nước ngầm, được chứa trong các tầng nước rất sâu dưới lòng đất. Các mạch nước ngầm này chảy bên dưới mặt đất, và vì vậy có chứa một lượng đáng kể các chất điện phân – những chất ảnh hưởng đến mức độ dẫn điện, thậm chí là độ phóng xạ của nước. Những điều này cùng với thành phần hóa học phức tạp trong nước khoáng khiến cho việc đánh giá chính xác hoạt tính sinh học của nước khoáng trở nên khá khó khăn. Ngoài ra, khoảng thời gian từ lúc khai thác ở nguồn đến lúc đóng chai và tiêu thụ cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt tính và khả năng chữa bệnh của nước.

Nước khoáng là gì?

Các phân tích vật lý và hóa học tiêu chuẩn không thể áp dụng được với nước khoáng. Chẳng hạn, chưa có nhà nghiên cứu nào có thể đưa ra lời giải thích thỏa đáng về việc tại sao nước có khả năng phân hủy sạn thận, nhưng nước được đun sôi thì lại không có khả năng đó.

Nước khoáng là phương tiện vận chuyển oligoelement – những nguyên tố vi lượng hoạt động như chất điều hòa và là thành phần cơ bản của các quá trình liên quan đến enzyme. Dù chiếm tỷ lệ rất thấp, oligoelement vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sức sống của tế bào, sức khỏe tổng thể cũng như trạng thái cân bằng sinh học của cơ thể chúng ta. Các oligoelement quan trọng nhất bao gồm kẽm, sắt, florua, đồng, mangan, selen, i-ốt và vanadium.

Nước khoáng thường là những mạch nước ngầm tinh khiết có được khoáng chất từ các lớp đá, cát và đất sét. Nước ngầm ở các tầng địa chất sâu nhất đã được hình thành từ hàng chục ngàn năm trước, và hấp thụ nhiều ion dưới tác động của nhiệt độ cũng như áp suất cực cao.

Cơ thể trẻ em có tỷ lệ nước khoảng 75 – 80%, cao hơn so với người lớn. Để phát triển tốt, trẻ cần được uống đủ lượng nước có chất lượng. Đây là lý do tại sao cha mẹ nên hỏi ý kiến của bác sĩ nhi khoa để được tư vấn cụ thể về vấn đề nước uống của trẻ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ sơ sinh phải dùng sữa công thức hoặc trẻ sau khi cai sữa.

Những khoáng chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ em bao gồm florua, sắt, i-ốt, kẽm, đồng và selenium.

Dù muối khoáng là cần thiết, chúng ta không nên dung nạp quá nhiều những chất này để tránh cơ thể có những phản ứng ngoài ý muốn, chẳng hạn quá nhiều natri sẽ khiến cơ thể tích nước và tăng trọng lượng, hay dư thừa lưu huỳnh sẽ gây tiêu chảy. Florua là chất quan trọng để ngăn ngừa sâu răng, nhưng để xác định giữa liều lượng “vừa đủ” và “độc hại” thì lại khá khó khăn. Ở những quốc gia có bổ sung florua vào hệ thống cấp nước công cộng, người ta phải hết sức cẩn thận để nồng độ florua không vượt quá 2mg/l – vì nếu điều đó xảy ra, những chiếc răng vốn cần được bảo vệ sẽ trở nên ố và bong tróc lớp men.

Phân loại và tác dụng của nước khoáng

Nước khoáng được phân loại dựa trên các thông số bao gồm nhiệt độ nguồn, độ axit, thành phần hóa học, nồng độ phân tử và đặc tính trị liệu. Nước từ các vùng núi lửa nói chung thường nóng, do đó được gọi là “nước nóng thiên nhiên” (thermal water). Loại nước này thường được dùng trong ngành mỹ phẩm để sản xuất chai xịt khoáng. Trong khi đó, loại nước khoáng chúng ta vẫn thường uống được khai thác từ các suối khoáng lạnh, và được gọi là “nước khoáng thiên nhiên” (mineral water).

Các loại nước khoáng đóng chai trên thị trường hiện nay được phân loại dựa theo độ khoáng hóa – còn được gọi là cặn cố định – với các thành phần khoáng chất được in trên nhãn chai. Cặn cố định là lượng khoáng chất còn sót lại khi nước được đun ở 180°C và bay hơi hết, không kể phần cặn vôi gồm muối canxi và magiê – những chất có thể được tìm thấy trong nước máy. Với tiêu chí khoáng hóa này, nước khoáng được chia thành bốn loại cơ bản: Khoáng hóa tối thiểu (lượng cặn cố định dưới 50mg/l), khoáng vi lượng (50 – 500mg/l), khoáng (500 – 1500mg/l) và siêu khoáng (trên 1500mg/l).

Phần lớn nước khoáng trên thị trường là nước khoáng vi lượng, tức có hàm lượng khoáng tương đối thấp. Tuy không được dùng để trị liệu chuyên sâu nhưng khi được kết hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh, nước khoáng vi lượng có thể giúp cơ thể giải độc, củng cố hệ tiết niệu, đồng thời cũng phần nào đáp ứng nhu cầu khoáng chất của con người. Loại nước khoáng này có tác dụng lợi tiểu do nó được cơ thể hấp thụ nhanh – đặc biệt là ruột kết – và cũng được bài tiết nhanh qua thận vì hàm lượng ion cao. Lợi tiểu đồng nghĩa với loại bỏ các chất điện giải, có thể ví như một hoạt động tẩy rửa ở cấp độ siêu vi diễn ra bên trong cơ thể.

Nếu nước khoáng bạn dùng có thêm tính phóng xạ, nó sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi nội – ngoại bào, cũng như giữa các tế bào trong máu hay trong dịch kẽ với nhau.

Nước khoáng vi lượng giúp cơ thể loại bỏ nhiều chất như axit ossalic, axit uric và natri clorua – khi tích tụ lâu ngày, những chất này có khả năng hình thành sỏi, gây ra tình trạng viêm hay có hại cho cơ thể. Lượng nước được loại bỏ dưới dạng nước tiểu có thể lên tới 50% lượng nước được tiêu thụ. Đây là một bằng chứng cho thấy khả năng tẩy rửa siêu vi mạnh mẽ của nước khoáng vi lượng, giúp làm sạch sỏi, cát, vi trùng và vi khuẩn khỏi bộ máy tiết niệu.

Mặc dù chưa có giới hạn nghiêm ngặt về lượng nước khoáng tối đa một người có thể uống, nhưng tốt nhất là không nên uống quá 500ml mỗi tiếng, vì lượng nước lớn hơn sẽ vượt quá khả năng hấp thu của ruột và có thể gây tiêu chảy.

Đặc biệt, có một số người nhất định không được sử dụng nước khoáng, đó là những người bị yếu cơ ruột, rối loạn chuyển hóa, hay có vấn đề nghiêm trọng về gan, thận. Những người kiêng muối natri do mắc bệnh tăng huyết áp hoặc cơ thể bị tích nước chỉ nên uống các loại nước có hàm lượng natri dưới 20mg/l.

Nước giàu muối khoáng luôn đến từ các suối nước nóng. Loại nước thường được tiêu thụ chỉ trong một thời gian ngắn – thường không quá vài tuần. Quá trình sử dụng nước giàu khoáng cũng đòi hỏi phải có sự giám sát y tế, nước phải được dung nạp một cách thận trọng và chỉ với một lượng rất nhỏ – đặc biệt là khi uống tại nguồn. Nếu chúng ta uống quá nhiều nước siêu khoáng, những bệnh lý lẽ ra được khắc phục có thể sẽ trở nên trầm trọng thêm. Nước siêu khoáng được phân thành các nhóm nhỏ hơn dựa trên khoáng chất chiếm tỷ lệ lớn trong thành phần: canxi, canxi-lưu huỳnh, sodium-lưu huỳnh, canxilưu huỳnh-magiê, clorua-sodium và sodium-bicarbonat. Nước khoáng có hàm lượng canxi cao rất hữu ích để ngăn ngừa loãng xương.

Nguồn: Bí ẩn của nước, tác giả Dr. Paolo Consigli. 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 27/04/2024