Vì cú "sốc" này mà có những bạn du học sinh thu mình vào vỏ ốc của chính mình. Không thích ứng nổi với môi trường đa văn hóa mới lạ nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tiếp thu những kinh nghiệm và kiến thức từ môi trường mới.
Chạy theo "trào lưu" mà quên chuẩn bị hành trang
Lê Khắc Hoàng (sinh viên Đại học Kyonggi, Hàn Quốc) chia sẻ: "Từ những năm 2018-2019, du học Hàn Quốc đã trở thành trào lưu của giới trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chưa biết gì về Hàn Quốc, chưa thể định hướng được tương lai hay thậm chí là cả suy nghĩ của bản thân thì chỉ là chạy theo "trào lưu".
Nhiều bạn quên mất việc phải chuẩn bị cho mình những hành trang thật tốt để đối diện với những khó khăn sắp tới. Đặc biệt là vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa. Nếu bạn không biết tiếng Hàn thì mọi thứ đều trở nên rất khó khăn, từ việc đi lại".
Khắc Hoàng cho hay, mình đã gặp rất nhiều du học sinh Việt Nam khi sang tới Hàn Quốc bị "sốc văn hóa". Hiện tại, mình đang làm công việc hỗ trợ các bạn sinh viên nhập cảnh vào Hàn Quốc. Thông qua công việc này, mình đã cảm nhận được mức độ điếng người của những cú "sốc văn hóa" và ngôn ngữ như thế nào.
"Những bạn không giỏi tiếng Hàn mới đến sân bay đã hoảng loạn vì nghe không hiểu gì, nói cũng chẳng ai hiểu và đặc biệt là muốn hỏi cũng không biết nên hỏi như thế nào. Mình vẫn còn nhớ như in câu "Anh ơi, cứu em" của một bạn nữ nhập cảnh vào tháng 6/2021. Bạn dường như bị "sốc" đến hoảng loạn.
Và có rất nhiều bạn đã mất một thời gian không thể dùng được điện thoại để liên lạc về gia đình sau khi nhập cảnh bởi vì các bạn không hề biết rằng, ở Hàn Quốc hầu như tất cả ổ cắm đều thiết kế dưới dạng chân tròn", anh chàng bộc bạch.
Để vượt qua những cú "sốc văn hóa" này, Khắc Hoàng khuyên các bạn trẻ nên chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc trước khi đến Hàn Quốc. Đặc biệt là việc học tiếng Hàn và tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc. Điều quan trọng không phải là đến Hàn Quốc càng sớm càng tốt mà điều quan trọng là bạn đến Hàn Quốc với những gì.
"Cuộc sống du học ở Hàn Quốc nó sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì bạn tưởng tượng. Đúng vậy, Hàn Quốc là Hàn Quốc và Việt Nam là Việt Nam. Đến với Hàn Quốc thì cũng giống với việc bạn sẽ bắt đầu một cuộc sống mới. Khi bạn không có bất cứ kiến thức và hiểu biết gì về nơi đây thì cuộc sống du học của bạn sẽ trải qua muôn vàn những khó khăn, đôi khi nó khiến bạn sợ từ những thứ nhỏ nhất.
Ví dụ, bạn không dám nói vì bạn sợ người nghe không hiểu; bạn nghe nhưng không dám chắc chắn có hiểu đúng hay không; bạn làm nhưng cũng không biết nó có đúng hay sai…
Điều này rất dễ làm cho các bạn nhụt chí và dễ dàng từ bỏ. Vì vậy, trước khi quyết định đi du học Hàn Quốc, bạn phải hiểu và nhận thức được những khó khăn mà bạn sẽ phải trải qua. Bạn phải chuẩn bị thật tốt hành trang du học của mình. Đặc biệt là về ngôn ngữ và văn Hóa hay cả về con người Hàn Quốc.
Và hơn hết là việc tự đặt ra câu hỏi với bản thân "Tại sao mình lại quyết định đi du học Hàn Quốc". Bởi khi bạn tìm ra câu trả lời thì cuộc sống du học của bạn sẽ dễ dàng và rõ ràng hơn rất nhiều", Khắc Hoàng cho biết thêm.
Đón nhận sự khác biệt văn hóa và dùng nó làm điểm mạnh
Nguyễn Huỳnh Anh Khoa (Cử nhân khoa học máy tính tại Đại học Washington, Mỹ) thì quan niệm rằng: "Khi bị sốc văn hóa thì chúng ta hãy phải đón nhận sự khác biệt văn hóa và dùng nó làm điểm mạnh. Người Mỹ rất coi trọng sự khác biệt; một cá nhân khác biệt (theo hướng tốt) có thể tận dụng sự khác biệt đó mà làm nổi bật bản thân mình trước đám đông.
Tự hào kể với bạn bè thầy cô về quốc gia nơi sinh ra, nhấn mạnh là đa số những bạn trẻ ở đây đều rất tò mò về một nền văn minh khác mà họ chưa hề đặt chân tới, nên đây cũng là một cách tốt để kết bạn".
Trước những cú sốc văn hóa, mỗi người lại có một biểu hiện khác nhau. Anh Khoa dẫn chứng rằng, bạn sẽ cảm thấy mình lạc loài với chúng bạn, lúc nào cũng nghĩ người ta đang lườm và đánh giá mình, sợ sệt khi phải đưa ra ý kiến với đám đông.
Tuy nhiên, cũng theo Anh Khoa, có bạn sẽ cảm thấy thật lạc lõng vì không thể hòa nhập được và ngày càng thu mình vào "vỏ ốc". Vì vậy, nhiều du học sinh, do không thích ứng nổi với môi trường đa văn hóa mới lạ, nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tiếp thu những kinh nghiệm và kiến thức từ môi trường mới.
Để khắc phục, Anh Khoa khuyên giới trẻ nên có một cái đầu thoáng và hết mình xây dựng mạng lưới xã hội của bản thân. Có khá nhiều du học sinh mang :định kiến ngược" về đất nước họ đang cư trú. Đó là lấy những thước đo của nước nhà và áp dụng nó một cách rập khuôn vào nước du học.
"Điều đó là không nên, tuy hiển nhiên, nhưng rất nhiều học sinh rơi vào cái bẫy này và trở nên khó gần, khó tiếp xúc với bạn bè quốc tế. Bản thân muốn người khác chấp nhận sự khác biệt của mình ,thì trước hết phải chấp nhận sự khác biệt của người khác đã.
Đặt ra mục tiêu sống của riêng mình, trong đó, mỗi bạn sẽ xác định rõ những giá trị văn hóa mà mình trân trọng và lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động của bản thân", Anh Khoa chia sẻ.
Ngôn ngữ là chìa khóa thành công
Thầy Nguyễn Duy Anh, Hiệu trưởng người Việt tại Học viện Nhật ngữ GAG (Nhật Bản) cho hay: "Hầu hết các bạn du học sinh sang nước ngoài học tập thì sẽ bị nhiều rào cản về ngôn ngữ và văn hóa tại đất nước đó.
Bản thân tôi khi lần đầu tiên sang Nhật cũng bị "sốc" vì không hiểu được nhiều tiếng Nhật, văn hóa Nhật Bản và cách sống tại Nhật. Và lí do là chưa có sự chuẩn bị thật kĩ về ngôn ngữ, văn hóa và kiến thức sống tại Nhật.
Và đối với bản thân tôi thì tôi thấy việc học ngôn ngữ thật giỏi sẽ là chìa khóa giúp các bạn có thể học thật tốt, hiểu thật rõ về văn hóa, quy định, quy tắc ứng xử tại Nhật Bản hay bất kỳ quốc gia nào".
"Để các bạn học sinh thành công được tại Nhật Bản hoặc các quốc gia khác thì trước khi đi du học chúng ta cần chọn trường, tìm hiểu thật kĩ các trường, các chương trình học bổng, giảm học phí cho sinh viên, chính sách giúp đỡ sinh viên…
Sau đó là có một kế hoạch du học rõ ràng và chuẩn bị tài chính. Tiếp sau đó là ta cần chuẩn bị vốn tiếng cơ bản thật tốt, tìm hiểu những tài liệu, những hướng dẫn, chú ý về cuộc sống tại nơi mình đến", Hiệu trưởng người Việt tại Nhật Bản chia sẻ.
Văn Hiền - Trà My