Phải chăng chết là tài sản duy nhất của con người?

18/06/2019 09:00
Phải chăng chết là tài sản duy nhất của con người?

Sống thì là đi xuống mãi, nhưng chết, ngay cả chết, cũng không phải là giải thoát, làm gì có giải thoát hay cứu rỗi khi mà chết, nghĩa là chết nhiều lần, chết đi chết lại, và chỉ có chết mới tạo ra lòng tin (crédit), có lòng tin thì mới được phép "mua chịu", "mua trả góp".

Tài sản duy nhất mà con người sở hữu chính là cái chết.

Cùng với Albert Camus, Jean-Paul Sartre và Samuel Beckett, Louis-Ferdinand Céline được xem là một trong những tác giả lớn của văn học Pháp thế kỷ 20 đề cập đến sự phi lý của nhân loại. Dù sử dụng nhiều ngôn ngữ nói và tiếng lóng, ông tạo cho riêng mình một phong cách viết rất trau chuốt với nhiều quy tắc về cú pháp và chấm câu đặc biệt.

Chết chịu (tên gốc tiếng Pháp Mort à crédit) là những câu chuyện hồi tưởng của bác sĩ Ferdinand Bardamu về những năm tháng thơ ấu của mình trong một gia đình tư sản nhỏ vào khoảng những năm 1990. Anh là người con trai duy nhất, lớn lên cùng với bà ngoại, một nhà giáo khôn khéo, một người mẹ với đức tính hy sinh, chủ một cửa hàng bán vải ren và đồ cổ, và người cha bạo lực làm việc trong một công ty bảo hiểm. Thời thơ ấu của Ferdinand gắn liền với những lời trách móc cay đắng của cha mẹ, việc học của anh là một chuỗi những thất bại. Một cuộc đời tưởng chừng như đã vô vọng bỗng dưng sang trang mới nhờ cuộc gặp gỡ định mệnh với một nhà phát minh lập dị…

Đọc Chết chịu để thẩm và để thấu một câu chuyện không đầu không cuối, một tiếng kêu hận thù và tuyệt vọng, một Paris đầu thế kỷ 20 đầy biến động trước những tiến bộ khoa học, nơi mỗi người dân phải đấu tranh để kiếm sống, để tồn tại…

Chết chịu là một triết lý sống được tác giả nhắc đến trong tác phẩm. Sống thì là đi xuống mãi, nhưng chết, ngay cả chết, cũng không phải là giải thoát, làm gì có giải thoát hay cứu rỗi khi mà chết, nghĩa là chết nhiều lần, chết đi chết lại, và chỉ có chết mới tạo ra lòng tin (crédit), có lòng tin thì mới được phép "mua chịu", "mua trả góp". Tài sản duy nhất mà con người sở hữu chính là cái chết.

Céline nổi danh trong làng văn chương Pháp ngay từ tác phẩm đầu tiên, ông được xem là một trong những nhà canh tân lớn của nền văn học Pháp ở thế kỷ 20. Louis-Ferdinand Céline cũng là người phá vỡ mọi quy tắc truyền thống của văn chương Pháp khi ông mạnh dạn đưa ngôn ngữ bình dân vào tác phẩm. Nhận xét về tác phẩm của Céline, nhà văn François Gibault viết: “Bằng những câu văn sống động của mình, Céline đã mang đến một hình ảnh chân thực hơn về xã hội Pháp thời bấy giờ. Mặc dù đã gây ra những tranh cãi xung quanh tác phẩm, nhưng không thể phủ nhận rằng Chết chịu vẫn là một trong những tiểu thuyết vĩ đại của nền văn học Pháp trong thế kỷ 20”.

Chết chịu đã được dịch giả nổi tiếng Dương Tường chuyển ngữ sang tiếng Việt, sách do Nhã Nam ấn hành vào tháng 6.2019.

Louis-Ferdinand Céline bút danh Céline, sinh năm 1894 tại Courbevoie (Pháp) trong gia đình có cha là nhân viên bán bảo hiểm và mẹ là thợ làm đăng ten. Năm 1912, ông được lệnh nhập ngũ rồi sau đó bị thương nặng vào tháng 10.1914. Năm 1916, ông đến Cameroon rồi sang London năm 1917. Sau chiến thắng, ông theo học ngành Y, rồi sang châu Phi và Mỹ làm việc. Trở về Pháp, Céline tiếp tục hành nghề y tại vùng ngoại ô Paris và xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay năm 1932, Voyage au bout de la nuit, sau đó 4 năm là Chết chịu.

Từ năm 1944 đến 1951, Céline sống tại Đức và Đan Mạch. Quay lại Pháp năm 1952, Céline chuyển đến Meudon và tiếp tục chủ yếu chữa trị cho người nghèo. Ông mất vào năm 1961.

Tiểu Vũ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024