Hồi đó, sau nhiều ngày đau lưng, đi lại khá khó khăn, Minh đi khám và được chẩn đoán mắc dị dạng mạch máu tủy sống. Đây là căn bệnh khá hiếm tại Việt Nam, bác sĩ cho biết tại thời điểm đó Minh là trường hợp thứ 2 trên cả nước mắc bệnh.
Tôi hy vọng trải nghiệm của mình có thể lan tỏa năng lượng tích cực đến những ai có hoàn cảnh tương tự để họ sẽ có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống xung quanh.
PHAN VŨ MINH
Mất đôi chân ở tuổi 20
Biến cố ập đến năm Minh 20 tuổi. Căn bệnh ấy đã cướp mất khả năng đi lại của anh. Phát hiện bệnh từ năm 12 tuổi và dù đã sẵn sàng tinh thần đón điều tồi tệ nhất, nhưng thật sự đó vẫn là cú sốc quá lớn. Minh không dễ dàng chấp nhận sự thật sẽ phải ngồi xe lăn suốt đời. Trước khi chuyển về Vĩnh Long, anh có thời gian dài sống và học tập tại TP.HCM. Phải gác lại bao nhiêu ước mơ, hoài bão, anh rơi vào khủng hoảng, mặc cảm. Tự thu mình lại, không muốn giao tiếp với ai, Minh bỏ dở việc học, bắt đầu làm bạn với xe lăn.
Thời gian đầu tự ti vô cùng, Minh sợ nhìn thấy ánh mắt thương hại của người khác. Nhưng khi không còn được lựa chọn, anh động viên mình phải cố gắng, tin vào chính mình. Và rằng cần sử dụng xe lăn thuần thục mới có thể tìm công việc phù hợp để sống.
Anh tập tành kinh doanh, nhập cây cảnh về bán. Thời gian đầu chỉ bán hoa hồng cây leo, giờ thì nhiều loại cây khác. Thoắt cái gần 7 năm Minh sống bằng công việc bán cây cảnh. Minh thú thật đã từng nghĩ đến tự kết thúc cuộc đời. Điều níu anh ở lại là cha mẹ, bởi kẻ ra đi thì nhẹ, người ở lại mới đau khổ, dằn vặt.
"Tôi tự trấn an mình, cố gắng tạo tâm thế thoải mái nhất kèm tập vật lý trị liệu để có thể tự lo sinh hoạt cá nhân. Và tôi đã làm được. Tôi nghĩ đến những chuyến đi phượt. Thế giới ngoài kia rộng lớn, hấp dẫn lắm, tại sao chỉ vì chiếc xe lăn mà tự ngăn cản ước mơ, hoài bão của một con người" - Minh chia sẻ.
Những chuyến đi đặc biệt
Khi bình tâm bước qua nỗi buồn và chấp nhận "người bạn mới", Minh nghĩ đến những chuyến đi, bước ra khỏi vùng an toàn của mình, dù biết sẽ gặp không ít khó khăn. Qua người quen, Minh "cải tạo" chiếc xe máy của mình thành xe 3 bánh như nhiều người khuyết tật vẫn dùng, "biến" nó thành bạn đồng hành quen thuộc và dễ chịu trên mọi nẻo đường.
Mỗi chuyến đi của Minh tương đối dài. Có nơi nán lại cả tháng để cảm nhận cảnh sắc và nhịp sống nơi ấy. Đến nay, nhìn lại hành trình chinh phục hơn 30 tỉnh thành vừa qua, Minh tự nhận mình là... kẻ liều lĩnh. "Chuyến đầu tiên tôi đi Bạc Liêu, làm quen với cung đường ngắn, vừa kiểm tra sức khỏe, vừa đảm bảo đi về an toàn để cha mẹ yên tâm. Sau đó, mình đi xa hơn, đến Huế, Đà Lạt, Bình Định, Phú Yên..." - Minh khoe.
Cản trở lớn nhất, với Minh có chăng là thời tiết. Khiếm khuyết của bản thân khiến anh khó linh hoạt như bình thường nên mỗi khi thời tiết thay đổi cũng kèm theo nhiều trở ngại. Lúc mới đi cung đường xa, ngồi xe lâu quá làm vết thương bị loét phải điều trị khá cực. Nhưng sau đó, anh tính toán chia nhỏ đoạn đường đi nên mọi thứ trơn tru hơn.
Những chuyến đi đem lại cho anh nhiều niềm vui, sự thoải mái khi được tự mình khám phá, học hỏi những điều mới, quen thêm nhiều người lạ. Hình ảnh chàng trai đi phượt bằng xe lăn khiến nhiều người khâm phục và ngưỡng mộ. Nhiều người gặp, lắng nghe câu chuyện đều chúc Minh mạnh khỏe, tràn đầy năng lượng để tiếp tục chinh phục những thử thách mới, cũng là truyền cảm hứng tới người xung quanh.
Được truyền động lực
Tìm hiểu, Minh biết đến vài hoàn cảnh như mình được nhiều người biết. Đó là anh Yusuke Terada, sống ở Tokyo (Nhật Bản), khiến mọi người ngỡ ngàng khi quyết tâm du lịch nhiều nơi bằng xe lăn. Hay anh Quan Pen liệt hai chân năm 17 tuổi sau ca phẫu thuật cắt bỏ khối u cột sống, làm chăm sóc khách hàng và quản lý cửa hàng online một trang mua bán, dùng xe lăn đi du lịch khắp Trung Quốc.
"Đi nhiều nơi nhưng tôi nhớ nhất lần đến Đắk Lắk vào đúng mùa hoa cà phê nở trắng xóa, hương thơm ngào ngạt, tôi như đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên. Thêm nữa, con người lại rất nồng hậu, nên tôi muốn trở lại đây lần nữa" - Minh bộc bạch.