Leonardo da Vinci... trăng hoa và giết người
Trong phim, Leonardo da Vinci (1452 - 1519) được khắc họa là người đàn ông trăng hoa và phạm tội giết người, trong khi giới chuyên gia lịch sử hội họa khẳng định rằng Leonardo vốn là một người sống đơn giản, chỉ quan tâm tới hoạt động nghệ thuật và các nghiên cứu khoa học, không có khả năng ông là một người có thói trăng hoa và từng phạm tội giết người.
Ngoài ra, việc khắc họa Leonardo là một người đàn ông say mê tình ái với nhiều người phụ nữ cũng hoàn toàn sai so với thực tế, bởi ông vốn là người... đồng tính.
Đương thời, Leonardo sống không phô trương, nhưng ông không che giấu giới tính thực của mình, dù cho quan niệm đương thời có nhiều khắt khe, nhưng đối với giới nghệ sĩ và đặc biệt là một nghệ sĩ tài năng như Leonardo, thì việc ông là người đồng tính nhưng có một cuộc sống lặng lẽ, chuyên chú vào công việc của mình, khiến người đương thời vẫn rất trân trọng ông.
Leonardo là một thiên tài đa lĩnh vực, ông không chỉ sáng tạo nên những siêu phẩm hội họa mà còn được xem là một nhà khoa học vượt tầm thời đại, trong những bản thảo còn lưu giữ được cho tới hôm nay, lúc sinh thời, Leonardo đã thiết kế nên những cây cầu, tàu ngầm, trực thăng, xe đạp...
Điều kiện đương thời chưa cho phép ông thực hiện những nghiên cứu trên thực tế, nhưng những bản thảo trình bày ý tưởng của ông đã khiến hậu thế ngưỡng mộ những tư duy và hiểu biết vượt tầm thời đại của Leonardo.
Ngoài ra, vị danh họa thiên tài cũng có những hiểu biết vô song về cơ thể con người, ông đã dành ra hàng ngàn giờ đồng hồ để giải phẫu tử thi, nhằm có những hiểu biết cặn kẽ về cơ thể người, phục vụ cho việc khắc họa chân thực và sinh động hình dáng, biểu cảm của các nhân vật trong tranh.
Trong sự nghiệp hội họa, Leonardo là người đã sáng tạo nên những siêu phẩm như bức "Mona Lisa", "Bữa tối cuối cùng", "Salvator Mundi"... Bộ phim 8 tập "Leonardo" với diễn xuất chính của nam diễn viên Aidan Turner đã từng hứa hẹn đưa lại những thước phim thú vị về cuộc đời vị danh họa nổi tiếng hàng đầu thời Phục hưng.
Tuy vậy, việc bộ phim phóng tác xa rời thực tế, nhưng lại không đưa ra cảnh báo về những chi tiết ấy, khiến nhiều nhà phê bình phim và chuyên gia nghiên cứu hội họa đang lên tiếng bày tỏ sự không ủng hộ trước cách làm phim như vậy.
Nhiều nhà phê bình phim cho rằng những gì người ta được thấy trong phim chỉ là một nhân vật mượn tên tuổi của danh họa Leonardo, còn lại, những gì người ta vốn biết về ông thì không được khắc họa một cách đúng đắn trong phim.
Tại sao cần phải biến tấu cuộc đời vốn đã quá ấn tượng của Leonardo?
Trong phim có chi tiết Leonardo bị bắt vì đã ra tay sát hại nàng thơ của mình - nàng Caterina da Cremona. Chi tiết này hiện rất gây tranh cãi.
Trong thực tế, cả cuộc đời mình, Leonardo chưa từng dính líu tới một vụ giết người nào, cho dù chỉ là trong lời đồn, thậm chí còn không có bằng chứng thuyết phục nào về sự tồn tại của một nàng thơ có tên Caterina trong cuộc đời Leonardo, chỉ có một bà Caterina, đó là... mẹ ông.
Hơn thế, việc Leonardo có hứng thú với phụ nữ là khó tin bởi kỳ thực người đương thời và cả hậu thế sau này đều hiểu rằng Leonardo là người đồng tính. Lần duy nhất khiến ông suýt nữa bị bắt giữ là khi ông tham gia vào một cuộc tình tự đồng giới, trong khi quan điểm của nhà chức trách Ý đương thời vẫn chưa chấp nhận điều này.
Điều khiến các nhà phê bình phim khó hiểu là tại sao phải biến tấu cuộc đời thực của một vị danh họa như Da Vinci.
Tiến sĩ Daisy Dunn, một chuyên gia người Anh nghiên cứu về lịch sử hội họa chia sẻ: "Những tác phẩm nghệ thuật và những tư duy, ý tưởng của Leonardo cũng như thời đại mà ông sống đã đủ để làm chất liệu hấp dẫn người xem rồi, không cần thiết phải sử dụng tới những chi tiết quá xa rời thực tế như vậy".
Leonardo là một nhân vật mà tới 500 năm sau, người ta vẫn chưa hết kinh ngạc và ngưỡng mộ, vẫn coi ông là một thiên tài đầy sức lôi cuốn, một cá nhân ưu việt hiếm thấy từng xuất hiện trên trái đất này, ông được rất nhiều con người "tự cổ chí kim" yêu thích và ngưỡng mộ.
Chỉ cần khai thác đúng như những gì đã diễn ra trong cuộc đời ông là đã đủ hấp dẫn, đã là cả một đề tài lớn để có thể đưa lên phim ảnh.
Sinh năm 1452 tại Anchiano, Tuscany, Ý, gần một thị trấn có tên Vinci, Leonardo là người con trai ngoài giá thú của cô gái mồ côi Caterina và ông Ser Piero, một luật sư.
Đó không phải một xuất thân có thể khiến Leonardo gặp nhiều thuận lợi trong bước đường trưởng thành, thoạt tiên, ông chỉ được cha chu cấp những gì cơ bản nhất, được cho đi học đủ để biết đọc, biết viết và làm toán.
Nhưng về sau, các chuyên gia cho rằng chính hoàn cảnh đặc biệt đã giúp Leonardo có được sự tự do để bộ não hoạt động theo một phương thức siêu việt của riêng mình, để có thể "bay nhảy" theo nhịp điệu riêng, giữa nghệ thuật, điêu khắc, khoa học, kiến trúc, kỹ thuật... mà không bị kiềm tỏa bởi xuất thân và gia thế.
Leonardo không ngừng đọc, nghiên cứu và tự học, phần lớn những kiến thức mà Leonardo có được là do tự ông mày mò. Tài năng của ông nhanh chóng được mọi người biết đến và công nhận.
Năm 15 tuổi, cha của Leonardo sắp xếp để con trai theo học tại xưởng của họa sĩ Andrea del Verrocchio ở Florence (Ý), chỉ sau một thời gian ngắn, người thầy đã cảm thấy choáng ngợp trước tài năng của cậu học trò, trước cách cậu sử dụng màu sắc để tạo nên những ấn tượng tinh tế hiếm thấy về ánh sáng ở trong tranh.
Cũng chính lúc này, cậu thanh niên đã bộc lộ những xúc cảm đồng tính của mình và suýt nữa đã gặp rắc rối lớn với nhà chức trách, nhưng rất may cho Leonardo là một trong số những thanh niên mà ông giao du lúc bấy giờ có những mối quan hệ thân thuộc với giới quyền lực ở Florence, người này đã tìm cách lo liệu để vụ việc êm xuôi.
Từ sau đó, Leonardo vẫn sống đúng là mình nhưng theo một cách thức kín đáo hơn, để bước đường sự nghiệp không bị cản trở bởi cuộc sống riêng tư. Ông coi vụ lùm xùm thời trai trẻ của mình là một lời cảnh báo, Leonardo liền rời khỏi Florence, chuyển tới Milan.
28.000 trang nhật trình phi thường
Chính tại Milan, Leonardo bắt đầu thực hiện những cuốn nhật trình phi thường của mình, với tổng cộng hơn 28.000 trang bản thảo viết tay, trong đó, ông đặt ra những câu hỏi như "tại sao bầu trời lại xanh?", "trái tim hoạt động thế nào?", ông đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi của chính mình, trình bày những ý tưởng, những nghiên cứu chi tiết trên trang giấy.
Tất cả những vấn đề đưa ra đa phần đều được Leonardo trả lời chi tiết và chính xác, tất cả đều được viết ngược mà muốn đọc được phải dùng một tấm gương rồi đọc chữ trong gương.
Có nhiều cách lý giải về cách viết lạ lùng này của Leonardo, người ta cho rằng có thể do ông thuận tay trái, có thể do ông muốn bộ não của mình không ngừng tư duy mới mẻ, hay là ông không muốn người khác dễ dàng đọc và hiểu được những gì mình đang tư duy...
Điều hài hước nhất là riêng với lĩnh vực hội họa, ông không bao giờ làm việc nhanh được. Riêng với hội họa, Leonardo làm việc rất... chậm chạp, thường bỏ dở tác phẩm để đi tìm những thử thách mới, ông rất ghét việc bị giới hạn bản thân vì đang phải bận rộn với một đơn đặt hàng tranh vẽ nào đó.
Ông thực hiện bức "Mona Lisa" từ năm 1503 và vẫn tiếp tục thực hiện tác phẩm trong nhiều năm tháng về sau, thực tế là ông vẫn chưa hoàn tất tác phẩm. Trong sự nghiệp nghệ thuật, người ta vốn xem đối thủ lớn nhất của Leonardo da Vinci lúc đương thời là Michelangelo (Michelangelo kém Leonardo 23 tuổi).
Nhưng kỳ thực phong cách của hai người khác hẳn nhau. Michelangelo thích những đường nét sắc sảo, trong khi đó, Leonardo ưa chuộng những lớp màu hòa lẫn vào nhau để tạo nên hiệu ứng màu sắc mềm mại, thậm chí là những ảo ảnh trong tranh.
Thực tế, Michelangelo cũng là người đồng tính, nhưng ông không đối diện với bản thân một cách ôn hòa, thoải mái như Da Vinci. Hai người luôn quan sát các tác phẩm của nhau và đã có những lần bày tỏ ý kiến không "êm tai" về nhau.
Đó là sự đối đầu thú vị giữa hai bậc thầy của nghệ thuật Phục hưng. Leonardo qua đời ở tuổi 67 tại Pháp. Dù tài năng khiến hậu thế kinh ngạc là vậy, nhưng lúc sinh thời, Leonardo không có được danh tiếng lớn như ông xứng đáng được nhận, thực sự điều này cũng không khiến ông bận tâm.
Leonardo là một con người có tư tưởng hiện đại, không phô trương. Ông là một thiên tài rất tự tin trong việc tự mình vạch ra con đường mà mình muốn đi, cảm thấy thoải mái trên con đường đã chọn.
Thật khó để biết ông sẽ đánh giá thế nào về bộ phim "Leonardo", nhưng với một người có tư tưởng cởi mở, phóng khoáng như ông, rất có thể ông sẽ đáp bằng một nụ cười mỉm bí ẩn như chính nụ cười khó nắm bắt của nàng Mona Lisa.
Bích Ngọc
Theo The Guardian/Daily Mail