Người ít thì vài triệu đồng, người nhiều lên đến cả trăm triệu đồng, đặc biệt những trường hợp cần việc làm tại nhà nhưng không may bị lừa khiến cuộc sống càng thêm khó khăn hơn.
Với mong muốn tìm kiếm việc làm ban đêm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, chị N.T.L, sau nhiều lần tìm kiếm để biết và tham gia ráp bút bi tại nhà. Thế nhưng để nhận hàng về làm chị phải chuyển khoản trước tiền đặt cọc, làm hồ sơ và được cam kết sẽ hoàn lại sau đó. Vì thấy khá hợp lý, chị chuyển tiền cọc 2 triệu đồng, ngay khi vừa chuyển xong, các đối tượng liền chặn tài khoản Zalo của chị và biến mất không để lại dấu vết.
Luật sư Bùi Trọng Hiển - Giám đốc Công ty luật Bùi Trọng Hiển cho biết, người dân cần nâng cao cảnh giác đối với các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội: “Người dân cần trang bị đầy đủ kiến thức về các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội. Đối với người có nhu cầu tìm việc, cần liên hệ đến các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội hoặc các doanh nghiệp chuyên đào tạo việc làm cho người lao động. Người dân cần nắm rõ thông tin rõ ràng, trụ sở hoạt động, giấy phép kinh doanh và địa chỉ cụ thể chuyên nghiệp và uy tín”.
Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp, kẻ xấu đã tận dụng công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi khiến người dùng khó nhận diện hơn. Vì vậy khi làm cộng tác viên cho các công ty doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa đơn vị cung cấp. Hạn chế chuyển tiền khi chưa xác minh rõ ràng.